Phương Ánh/ VnExpress
Đề xuất thiết thực và ý nghĩa. Giảm VAT là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể phần nào giải bài toán chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Riêng với băn khoăn về khả năng mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, tôi cho rằng với Nghị quyết 128, sẽ không lặp lại việc nền kinh tế bị tắt-bật như hồi quý III/2021.
Trần Quí Thanh
—–
Cho rằng hỗ trợ quan trọng nhất lúc này không nằm ở gói cứu trợ mà làm sao để nền kinh tế mở cửa liên tục và bền vững, ông Vũ Thành Tự Anh đề xuất chi nhiều hơn cho y tế, giảm VAT đồng loạt.
Dự kiến chiều nay (11/1), các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá – tiền tệ để có gói hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Chia sẻ với VnExpress, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, gói hỗ trợ này là cần thiết nhưng nên ưu tiên phân bổ cho chống dịch và duy trì sự mở cửa liên tục của nền kinh tế.
– Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ từ chính sách tài khoá, tiền tệ trị giá 340.000 tỷ đang được đề xuất lần này?
– Việc có gói hỗ trợ theo tôi là quan trọng nhưng hơi tiếc về mặt thời điểm, khi nhiều nước – trong đó có Mỹ và EU – bắt đầu giảm quy mô gói kích thích kinh tế.
Về quy mô, giá trị là 340.000 tỷ nhưng trên thực tế, số tiền được bơm ra sẽ nhỏ hơn nhiều. Nguyên nhân là một mặt chúng ta phải trừ đi những nghĩa vụ tài chính doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả cho Nhà nước sau thời gian được hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ.
Bên cạnh đó, nếu tốc độ giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp sẽ làm giảm hiệu lực của gói hỗ trợ như thực tế triển khai các gói của chúng ta trong 2 năm qua. Thời điểm khó khăn nhất của người dân và doanh nghiệp khi cả nước phải giãn cách lâu dài, trên diện rộng đã qua nên giờ đây, tôi thấy không nên đặt hết kỳ vọng vào gói 340.000 tỷ đồng này.
Tóm lại, theo tôi, giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất lúc này là khả năng mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, bền vững. Tất nhiên, tôi nhấn mạnh lại, việc có gói cứu trợ vẫn cần thiết thay vì để cho doanh nghiệp và người dân tự bơi.
– Vậy gói hỗ trợ 340.000 tỷ đồng này nên “bơm” vào những nhiệm vụ nào để đạt được mục tiêu duy trì sự mở cửa liên tục của nền kinh tế như ông nói?
– Sự thành công của gói hỗ trợ phụ thuộc vào tính ưu tiên, tốc độ và hiệu quả triển khai nên cần tập trung vào một số lĩnh vực hay đối tượng có tầm quan trọng cao hơn. Ví dụ, đầu tư cho y tế, phòng chống dịch đang dự kiến chi là 60.000 tỷ. Nhiệm vụ này theo tôi rất quan trọng nên tuỳ theo tình hình dịch bệnh, nếu cần thiết, phần ngân sách này thậm chí phải tăng thêm. Bởi nếu kiểm soát được dịch thì nền kinh tế sẽ mở cửa một cách ổn định và bền vững mà như tôi đã nói, điều này còn cần thiết hơn cả gói hỗ trợ.
Khoản 113.800 tỷ đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cần thiết, giúp tăng cường nền tảng cạnh tranh và hiệu quả cho nền kinh tế. Đầu tư hạ tầng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh mà dòng vốn FDI có thể gặp nhiều rủi ro, đầu tư của khu vực tư nhân suy giảm, đầu tư của khu vực nhà nước năm ngoái thấp. Đây là một biện pháp để tăng tổng cầu, đồng thời tạo ra được năng lực cạnh tranh cao hơn trong trung và dài hạn.
Mặt khác, tôi cho rằng cũng cần ưu tiên hơn đến giáo dục nhất là với những học sinh, sinh viên ở các gia đình khó hoặc không được tiếp cận với thiết bị và Internet chất lượng cao để học trực tuyến. Điều này cũng nhằm tránh tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về cơ hội giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp và nguồn vốn con người trong tương lai. Hãy thử hình dung sự mất mát sẽ lớn thế nào nếu một em học sinh không được thụ hưởng nền giáo dục có chất lượng trong hai năm liên tục, nhất là ở những lớp và những bậc học giúp định hình năng lực tư duy và nền tảng kiến thức.
– Nhưng nếu chỉ có 340.000 tỷ đồng mà lại cần tăng ưu tiên cho y tế, giáo dục, theo ông, có thể cắt giảm được ở đâu để dồn nguồn lực sang?
– Tôi thấy gói hỗ trợ lãi suất, khoảng 40.000 tỷ đồng hiện nay, cắt giảm được vì nó có thể còn mâu thuẫn với chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất và mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong năm nay.
Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay không phải là thiếu tín dụng. Hệ thống ngân hàng cũng không thiếu thanh khoản, mặt bằng lãi suất đang thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát 2021 cũng tương đối thấp. Khi đưa ra một chính sách, phải xem nó giải quyết trục trặc nào của nền kinh tế. Hiện tôi không thấy việc thiếu tín dụng, hoặc tín dụng có chi phí cao là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết nhờ hỗ trợ lãi suất.
Nền kinh tế lúc này thiếu nhất là cơ hội kinh doanh, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất bị đình trệ. Khi bơm thêm thanh khoản, hỗ trợ 2 điểm phần trăm lãi suất, các vấn đề cấp bách này không hề được giải quyết. Không những thế, điều này có thể làm nảy sinh một số hệ luỵ vĩ mô, nhất là thời điểm tung gói cứu trợ trùng với chu kỳ tăng trở lại của chỉ số giá. Hiện lạm phát trên thế giới tăng rất nhanh, và nó sẽ nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng chi phí nguyên vật liệu và giá năng lượng. Lúc đó, cộng hưởng với đà phục hồi kinh tế trong nước sẽ làm cầu kéo và chi phí đẩy khiến lạm phát của Việt Nam tăng. Đây cũng là rủi ro khi gói hỗ trợ của Việt Nam lệch pha với thế giới về thời điểm như tôi nói ở trên.
– Một số đại biểu Quốc hội cho rằng gói cứu trợ không phải để giải cứu các doanh nghiệp yếu mà để phục hồi cả nền kinh tế, tức là ưu tiên cho doanh nghiệp có đủ sức khoẻ. Quan điểm của ông thế nào?
– Nếu mục tiêu lúc này là phục hồi nền kinh tế, tái tạo lại công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội thì không thể nào nhắm đến một vài doanh nghiệp lớn được. Một số ít doanh nghiệp lớn sẽ không đảm bảo được việc làm cho hàng triệu người mất việc hoặc bị thiểu dụng lao động trong giai đoạn vừa qua.
Quan điểm của tôi là Nhà nước phải tạo được môi trường trong đó có sự tiếp cận bình đẳng của các loại hình doanh nghiệp có quy mô khác nhau trong cùng một lĩnh vực được hỗ trợ. Ví dụ, trong ngành du lịch, không chỉ cứu những anh lớn mà phải đảm bảo quyền tiếp cận chính sách của tất cả doanh nghiệp du lịch là giống nhau. Tất nhiên là có những ngành cần hỗ trợ hơn ngành khác như thương mại, dịch vụ, vốn bị suy giảm nghiêm trọng nhất trong thời gian qua.
– Nhưng việc ưu tiên cho các doanh nghiệp mục tiêu thì lại tạo đà cho các doanh nghiệp khác phục hồi theo?
– Về lý thuyết, khi bị giới hạn về ngân sách hỗ trợ, thì phải nhắm đến đối tượng càng chính xác càng tốt. Nhưng thực tế của nhiều nước trong thời gian qua cho thấy chính sách có tính mục tiêu (targeting) về lý thuyết thì đúng, nhưng không dễ triển khai và do vậy nhiều khi không đạt hiệu quả kỳ vọng. Lý do là vì để triển khai được chính sách “mục tiêu” thì các cơ quan thực thi phải tách bạch được doanh nghiệp nào trong diện được hỗ trợ, doanh nghiệp nào không trong khi thực tế, họ có thể kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Chưa kể, để xác định doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan quản lý phải phân loại và để tránh rủi ro hỗ trợ nhầm rồi chịu trách nhiệm về sau, họ sẽ đặt nặng quy trình, thủ tục hành chính. Điều này khiến cho tốc độ, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp giảm đáng kể. Đây là sự đánh đổi giữa một bên là tốc độ nhanh nhưng có thể xảy ra nhầm lẫn, và bên kia là đưa ra tiêu chí rất chi tiết, rất hay về lý thuyết, nhưng thực hiện lại chậm và tỷ lệ giải ngân thấp. Mà chính sách của chúng ta đã chậm rồi, nếu tiếp tục như thế thêm 6 tháng, một năm, khi nhìn lại sẽ thấy hiệu quả sử dụng, phân bổ gói hỗ trợ rất hạn chế. Tôi nghĩ trong trường hợp “cứu trợ” cần tốc độ nhanh và diện tiếp cận rộng, chúng ta phải chấp nhận chính sách gần đúng (second best) thay vì chính sách hoàn hảo (first best).
– Nếu không đổ tiền giảm lãi suất, cũng không ưu tiên một vài “địa chỉ chính xác”, vậy theo ông giải pháp nào sẽ nhanh và tác động trên diện rộng?
– Tôi cho rằng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đồng loạt là nhanh và hiệu quả nhất lúc này. Hiện trong dự thảo đã có đề xuất giảm VAT từ mức 10% xuống mức 8% với nhóm hàng hoá, dịch vụ, trừ một số nhóm thuộc ngành có lợi thế phát triển là viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… Nhưng tôi cho rằng làm đồng loạt sẽ tốt hơn. Cách này sẽ đơn giản hoá quy trình cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, bởi trong thực tế, các doanh nghiệp có thể kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực. Với VAT không phải đẻ ra thêm bộ máy mới hay thủ tục mới. Cơ quan thực thi chỉ cần căn cứ theo đúng hồ sơ như thường lệ để cắt giảm thuế cho cơ sở kinh doanh.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng hay được nhắc đến. Nhưng nhược điểm là với doanh nghiệp khó khăn thì họ không phát sinh nghĩa vụ thuế nên sẽ không được hưởng lợi. Thuế này chỉ hỗ trợ được các doanh nghiệp đang làm ăn được. Còn VAT thì có làm ăn được hay không đều được lợi ích.
Bên cạnh đó, đặc điểm quan trọng của VAT là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì vậy khi giảm VAT thì cả hai đối tượng này cùng hưởng lợi.
Tóm lại, nếu có thể, tôi cho rằng nên điều chuyển những khoản hỗ trợ lãi suất sang các mục tiêu khác như y tế, giáo dục, hay giảm VAT đồng loạt thì sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế tốt hơn.
– Ngoài tác động hỗ trợ nền kinh tế, gói 340.000 tỷ đồng cũng mang lại một số hệ quả về rủi ro lạm phát, nợ xấu. Theo ông, làm thế nào để giảm được những nguy cơ này?
– Chắc chắn Việt Nam sẽ đối mặt với chỉ số lạm phát cao hơn trong 2022. Đây là điều tất yếu. Chúng ta không tránh được lạm phát gia tăng khi vừa phải nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, đồng thời kinh tế trong nước trên đà hồi phục.
Năm ngoái tăng trưởng kinh tế yếu, sức ép lạm phát thấp mặc dù tiền vẫn được bơm ra. Còn năm nay, khi kinh tế phục hồi dần, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư mua sắm công đều đi lên sẽ đẩy tổng cầu lên. Trong khi đó, tổng cung chưa phục hồi tương ứng sẽ khiến giá cả bị đẩy lên.
Nợ xấu có thể sẽ tăng đột biến trong năm nay. Nguyên nhân là trước đây chúng ta cho phép giữ nguyên nhóm nợ bằng các biện pháp kỹ thuật, do vậy khi nợ trở về đúng thực chất của nó thì nhiều khoản chưa xấu trên sổ sách giờ trở thành nợ xấu trên thực tế.
Do đó, để giảm nguy cơ nợ xấu và không gây sức ép quá cao lên lạm phát, đầu tiên là không nên bơm tiền thông qua hỗ trợ lãi suất. Tiếp đó là đảm bảo kiểm soát được nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sau giai đoạn 2013-2014 đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này rồi. Cuối cùng là giảm bớt gánh gánh nặng cho chính sách tiền tệ, tăng trọng số của chính sách tài khoá.
Những điều chúng ta đang làm trong chính sách tiền tệ là đúng hướng. Tôi tin là một khi Ngân hàng Nhà nước giữ mặt bằng lãi suất thấp, giữ an toàn của hệ thống tài chính, tiền tệ, đảm bảo thanh khoản, kiểm soát nợ xấu để không gây ra đổ vỡ như hai năm qua là đã hoàn thành sứ mệnh. Sau đó nên để thị trường vận hành theo quy luật vốn có của nó.
Thực tế chúng ta không thể nào tránh được sự gia tăng lạm phát trong năm 2022, vì vậy cần tìm cách giảm nợ xấu và không gây thêm nhiều sức ép lên chính sách tiền tệ. Vì gánh nặng của chính sách tiền tệ năm nay chắc chắn lớn hơn hẳn so với năm ngoái.
Nguồn: VnExpress
Link: https://vnexpress.net/ong-vu-thanh-tu-anh-nen-giam-vat-dong-loat-thay-vi-ho-tro-lai-suat-4414606.html