Hà Minh/ Zing News
Sau dịch tôi thấy mọi người có xu hướng ăn sạch uống lành hơn ăn nhanh và rẻ như trước đây. Rèn luyện những thói quen lành mạnh là thay đổi tích cực nhất mà COVID-19 mang lại.
Từ khi dịch bệnh dạy chúng ta cần quan tâm hơn đến sức khỏe, nhiều người lựa chọn phương pháp “ăn sạch”, “ăn lành”, chọn thực phẩm tốt thay vì “ăn nhanh”, “ăn rẻ” như trước đây.
Hơn hai năm chiến đấu với Covid-19, chúng ta nhận ra rằng sức khỏe quan trọng hơn niềm vui ăn ngon mặc đẹp; hệ miễn dịch, sức đề kháng có ý nghĩa gấp nhiều lần so với những nhu cầu giải trí mua sắm.
Nhờ đó, nhiều nhân viên văn phòng từ bỏ thói quen ăn vặt để học cách nấu nướng món ngon bổ dưỡng. Các bà mẹ hạn chế cho con ăn đồ chiên xào dầu mỡ ngoài tiệm, thay vào đó là những bữa cơm chất lượng với nguồn nguyên liệu xanh sạch. Người tiêu dùng dần thay đổi những tiêu chí ưu tiên khi chọn mua thực phẩm, trong đó có cả việc tìm mua nguyên liệu tươi ngon từ thương hiệu uy tín và phương thức đi chợ tiện lợi.
Tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm
Đi chợ truyền thống là thói quen của người Việt. Không thể phủ nhận chợ truyền thống với gánh hàng rau xanh ngắt, đàn tôm cá tươi ngon… là lựa chọn yêu thích của người nội trợ. Nhưng xét trên tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm ngoài chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ như ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay app đi chợ.
Trong thời đại công nghệ số, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ trên bao bì sản phẩm, thậm chí có cả mã QR để người dùng tìm hiểu nguồn cung ứng.
Trên app đi chợ, các thương hiệu hay cửa hàng thực phẩm còn phải vượt qua khâu kiểm tra về nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm mới đủ điều kiện đăng ký gian hàng. Ngoài ra, người dùng còn dễ dàng tìm thấy đa dạng thực phẩm từ đóng gói đến tươi sống từ các thương hiệu uy tín trên app.
Ưu đãi và tiện ích
Việc đi chợ online giúp tiết kiệm thời gian và vẫn mua được đa dạng các mặt hàng.
Là tín đồ mua sắm online các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, Nhật Hạ (26 tuổi, TP.HCM) nhanh chóng làm quen với app đi chợ kể từ đợt giãn cách xã hội giữa năm ngoái. Nhưng ngay cả khi thành phố mở cửa trở lại, cô vẫn giữ thói quen lướt app mua thực phẩm vì tính tiện lợi và nhiều mã ưu đãi.
Cô cho hay: “Đi chợ hiếm khi nào thấy rau thịt cá rao bán khuyến mãi, hoặc có khi đó lại là những mặt hàng sắp hư hỏng, héo úa. Nhưng trên các app đi chợ, chuyện nhận được voucher giảm giá, mã ưu đãi lại ‘như cơm bữa’ do chính sách kích cầu tiêu dùng của đơn vị quản lý app và đối tác cửa hàng”.
Cũng theo Hạ, khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, yếu tố an toàn cần được đặt lên hàng đầu. Nếu có nhu cầu mua sắm, cô chỉ cần lướt app đặt hàng rồi thanh toán bằng ví điện tử, vừa tránh đến nơi đông người và việc sử dụng tiền mặt, vừa được ship nhanh trong một giờ đồng hồ.
Quan tâm hơn đến thực phẩm tốt cho sức khỏe
Ngày nay, người dùng ngày càng kỹ tính khi lựa chọn thực phẩm. Họ ưu tiên các mặt hàng tốt cho sức khỏe, được nuôi trồng tự nhiên và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đơn cử, thay vì mua thịt gà được nuôi công nghiệp, nhiều người tiêu dùng giờ đây tìm đến các thương hiệu có quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, gà được nuôi thả tự nhiên và tiêm chủng phòng bệnh.
Đối với các loại rau, người tiêu dùng cũng sẵn sàng bỏ ra chi phí cao cho rau sạch hữu cơ, không sử dụng hóa chất và đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Các mặt hàng gạo tốt cho sức khỏe như gạo lứt, gạo đỏ, gạo nguyên cám… ngày càng được quan tâm bên cạnh gạo trắng truyền thống.
Bên cạnh các tiêu chí ngon – bổ – sạch, chị Phương Lan (32 tuổi, Hà Nội) cũng dành sự quan tâm lớn tới tính tươi sống của thực phẩm.
“Mỗi khi công ty bước vào mùa cao điểm, tôi không có thời gian đi chợ hàng ngày nên toàn mua thực phẩm tích trữ cho cả tuần, rau củ không còn tươi sống cũng phải chấp nhận. Nhưng từ khi mua sắm online trên GrabMart, ngày ngày chỉ cần lướt app, thanh toán rồi đợi shipper giao hàng, tôi thấy việc tích trữ thực phẩm không còn cần thiết nữa. Đồ tươi luôn có thể đặt nhanh gọn mỗi ngày để nấu cho cả nhà những bữa cơm ngon lành, bổ dưỡng”, chị Lan cho hay.
Sau đại dịch, nhu cầu mua sắm, đặc biệt là mua thực phẩm đã có nhiều thay đổi từ cách lựa chọn nguyên liệu đến phương thức đi chợ. Ngoài đi chợ truyền thống hay đến siêu thị, người tiêu dùng còn có thể đặt mua thực phẩm online với đa dạng mặt hàng, mẫu mã và nhà cung ứng, vừa giúp bảo vệ sức khỏe, tránh tập trung nơi đông người, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nguồn: https://zingnews.vn/mua-sam-an-uong-nhu-the-nao-de-bao-ve-suc-khoe-sau-dai-dich-post1300770.html