Zing News – Ngọc Phương Linh
Ngành sản xuất smartphone tại Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức khi nhu cầu của người dùng nội địa giảm sút cũng như sự ảnh hưởng của các đợt phong tỏa Covid-19.
Nhân viên trên dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh tại nhà máy Oppo ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: AFP. |
Theo SCMP, ít ngành công nghiệp nào thể hiện vai trò trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu như sản xuất smartphone. Vào năm 2021, cứ 3 smartphone được sản xuất trên thế giới thì lại có tới 2 chiếc được lắp ráp tại quốc gia tỷ dân.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ smartphone lớn nhất thế giới. Việc cứ 4 chiếc được bán ra vào năm ngoái thì có một chiếc thuộc về người dùng Trung Quốc mang lại lợi thế lớn cho các thương hiệu địa phương như Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo tại thị trường nội địa so với những đối thủ quốc tế như Apple hay Samsung.
Tuy nhiên, sự hạ nhiệt kéo dài của thị trường smartphone Trung Quốc buộc các nhà máy phải cắt giảm đơn hàng cũng như khiến thương hiệu nội địa phải vật lộn để thu hút người dùng trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Đơn đặt hàng sụt giảm
Theo lãnh đạo của một nhà sản xuất smartphone ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, các cuộc bàn tán liên quan đến ngành này đang dần phai mờ. Bên cạnh đó, các đối tác cũng trở nên thận trọng khi tính đến đơn đặt hàng cho năm tới.
“Chúng tôi không biết phải sản xuất bao nhiêu điện thoại cho tháng tới vì bản thân khách hàng còn không rõ có thể bán bao nhiêu chiếc. Các dự báo của họ chỉ mang tính biểu tượng và phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ sẽ thay đổi ra sao theo các chính sách Covid-19 trong tương lai”, ông tiết lộ.
Riêng năm nay, các đơn đặt hàng tại công ty đã bị cắt giảm 20-30%. Các khách hàng của nhà máy này, gồm một số thương hiệu điện thoại thông minh nội địa lớn nhất Trung Quốc, từng lạc quan về khối lượng bán hàng vào năm 2022 cho đến khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra cũng như các đợt phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt tại Thượng Hải hồi tháng 3.
Các đơn đặt hàng lắp ráp điện thoại giảm mạnh từ đầu năm. Ảnh: CNBC. |
Sự ảnh hưởng của các thương hiệu smartphone cũng tạo phản ứng dây chuyền cho chuỗi cung ứng. “Với chúng tôi, chưa đến 80% đơn đặt hàng được hoàn thành theo đúng tiến độ sản xuất”, vị này chia sẻ thêm.
So với cùng kỳ năm ngoái, các lô hàng nội địa trong 7 tháng đầu năm 2022 đã giảm 23% xuống còn 153 triệu chiếc. Theo dự báo của Counterpoint Research, các lô hàng smartphone toàn cầu có thể đạt 1,36 tỷ chiếc trong năm nay, giảm từ con số 1,39 tỷ chiếc vào năm ngoái.
Tình trạng này là cú sốc đối với những hãng smartphone nội địa tại Trung Quốc. Đáng lẽ, 2022 là năm triển khai kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào phân khúc thiết bị cầm tay cao cấp, lợi nhuận cao.
Tháng 2, Xiaomi tuyên bố vượt qua những thách thức của Apple trong phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, các lô hàng thiết bị cầm tay của Xiaomi đã giảm 26,2% trong quý II. Công ty phân tích Fitch cũng dự báo mức tăng trưởng lô hàng của Xiaomi có thể giảm xuống mức thấp.
Realme, một nhà sản xuất đang phát triển nhanh chóng khác của Trung Quốc, đã hy vọng đạt được tốc độ tăng trưởng tương tự năm ngoái để tăng 50% doanh số bán hàng toàn cầu với sự tập trung ở thị trường cao cấp. Song, sự ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến quyết định cắt giảm mục tiêu tăng trưởng doanh thu tại thị trường nội địa xuống 30% và giữ nguyên mục tiêu 50% ở nước ngoài của Phó chủ tịch Xu Qi.
Chuỗi cung ứng đứt gãy
Sự nghiêm khắc trong chính sách chống Covid-19 khiến một số địa phương vốn tập trung nhiều khu công nghiệp sản xuất smartphone chật vật. Chính sách này cũng là một trong những nguyên do khiến tăng trưởng GDP của kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 0,4% trong quý II, mức chậm nhất kể từ đợt suy giảm 6,8% của quý I/2020, giai đoạn Covid-19 bùng nổ mạnh nhất.
Sunny Optical, nhà sản xuất module máy ảnh lớn nhất Trung Quốc cho các thương hiệu smartphone lớn như Apple và Xiaomi, chứng kiến doanh số bán ống kính điện thoại giảm 9,1% trong nửa đầu năm “do nhu cầu trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu suy yếu và sự hạ cấp của thông số kỹ thuật và cấu hình cho máy ảnh smartphone”.
Một trong những xu hướng bắt đầu từ quý IV năm ngoái là sự dịch chuyển sang phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không ngờ tình hình lại xấu đi đến mức kinh khủng như vậy
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research
BYD, nhà sản xuất ôtô điện kiêm sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng chứng kiến doanh thu từ linh kiện và lắp ráp điện thoại giảm 4,78% trong nửa đầu năm 2022.
Trong khi đó, đồng Giám đốc điều hành Zhao Haijun của nhà sản xuất chip bán dẫn Trung Quốc SMIC đã phải hủy nhiều đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất smartphone. Ông dự đoán các nhà cung cấp smartphone có thể giảm sản lượng khoảng 200 triệu chiếc trong năm nay.
Theo 2 báo cáo riêng biệt của Kuo Ming-chi – nhà phân tích tại TF International Securities – trong 5 tháng đầu năm 2022, các thương hiệu điện thoại Android lớn của Trung Quốc đã cắt giảm đơn đặt hàng 270 triệu chiếc. Ông ước tính MediaTek đã cắt giảm 30-35% đơn đặt hàng chip 5G từ trung cấp đến thấp cấp trong quý IV trong khi Qualcomm cắt giảm 10-15% đơn đặt hàng đối với chip cao cấp trong nửa cuối năm 2022 mặc dù theo truyền thống đây đang là mùa cao điểm.
Những bất ổn và gián đoạn liên tục có thể ảnh hưởng lâu dài đến chuỗi cung ứng smartphone lâu đời của Trung Quốc. Tình trạng này khiến một số thương hiệu bắt đầu mở rộng sản xuất tại các quốc gia phụ cận.
Ví dụ, Apple đã chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad sang Việt Nam vào tháng 6 sau các đợt phong tỏa ở Thượng Hải và khu vực lân cận vào tháng 6. Sản lượng iPhone ở Ấn Độ cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái ngay quý I/2022.
Nguồn: https://zingnews.vn/cong-xuong-smartphone-lon-nhat-the-gioi-da-qua-thoi-hoang-kim-post1362936.html