Người Đưa Tin – Thu Huyền – Hoa Liên
Tiếp phóng viên Người Đưa Tin tại phòng làm việc được bài trí đơn giản nằm trong khuôn viên nhà máy tại Bình Dương, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát đã dành hơn một giờ đồng hồ để chia sẻ về những giá trị mà Tân Hiệp Phát đang hướng đến mỗi ngày, về tầm nhìn xây dựng doanh nghiệp tỷ đô, và về chiến lược thực hiện kinh tế tuần hoàn được Tập đoàn tâm niệm và hiện thực hoá.
28 năm xuất hiện trên thị trường, cho đến nay, hành trình phát triển của Tân Hiệp Phát xoay quanh trục 7 giá trị cốt lõi: Thỏa mãn khách hàng; Chất lượng chuẩn quốc tế; Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; Không gì là không thể; Làm chủ trong công việc; Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai và Chính trực.
Đây có thể coi là hệ tư tưởng tạo nên sự khác biệt cho Tân Hiệp Phát, được Trần Uyên Phương nhắc lại nhiều lần trong buổi trò chuyện. “Dám” từ chối thương vụ 2,5 tỷ USD với Coca-cola vào năm 2012, không ngừng đi tiên phong dù không ít trở ngại… hệ tư tưởng này đã giúp Tân Hiệp Phát trưởng thành mỗi ngày đồng thời là động lực thúc đẩy cho mỗi nhân viên gắn bó, cống hiến, là một “con ốc” quan trọng trong cả bộ máy.
Tại Tân Hiệp Phát, Uyên Phương cho biết bản thân luôn rạch ròi mối quan hệ gia đình và công việc. Nhắc đến ba mình – ông Trần Quí Thanh người sáng lập Tân Hiệp Phát, chị nói ông chính là nguồn động lực lớn, là người truyền cảm hứng, truyền năng lượng cho mình ngay từ khi còn nhỏ.
Là nữ doanh nhân, Uyên Phương nói rằng hạnh phúc là mỗi ngày được làm việc hết sức, cống hiến hết mình. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng tiết lộ việc Tân Hiệp Phát đang tìm kiếm thế hệ F3 – thế hệ không nhất thiết phải là máu mủ, người nhà của ông Trần Quí Thanh.
NĐT: Tôi rất ấn tượng con số hơn 70.000 tấn nhựa mà Tân Hiệp Phát cắt giảm được trong gần 10 năm qua nhờ mô hình 3R và mục tiêu trong 5 năm tới là giảm hơn 112.000 tấn nhựa. Vậy Tân Hiệp Phát nhìn nhận như thế nào về kinh tế tuần hoàn?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Chúng ta đang nói về câu chuyện cắt giảm 70.000 tấn nhựa và gấp đôi con số đó trong vòng 5 năm tới. Thực ra, đây không phải là việc xuất phát từ kinh tế tuần hoàn hay không mà nó xuất phát từ chính trách nhiệm của doanh nghiệp.
Với Tân Hiệp Phát, việc tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào là một trong những tiêu chí được đặt ra cho các khối phòng ban có liên quan… 3R được viết tắt của Reduce (Tiết giảm) – Reuse (Tái sử dụng) – Recycle (Tái chế). Trong chu trình này, bài toán Recycle không đơn giản là chuyện ngày một ngày hai mà đó là cả một quá trình dài hơi.
Nói một cách đơn giản thì Tân Hiệp Phát thực hiện tiết giảm nhựa và giấy trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, giảm định lượng giấy và giảm khổ giấy; tái sử dụng màng co PE, túi chứa nắp, túi chứa preform; tái sử dụng thùng carton chứa nắp, chữa nhãn chai… trong quá trình sản xuất.
NĐT: Cơ sở nào để Tập đoàn đưa ra mục tiêu của 5 năm sau với con số gấp đôi kết quả của 10 năm trước như vậy? Mường tượng của chị về kết quả cắt giảm nhựa trong tương lai của 5 năm sau sẽ ra sao?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Một trong những điều Tân Hiệp Phát luôn luôn muốn làm, cũng như tiêu chí trong giá trị cốt lõi mà Tập đoàn hướng tới đó chính là làm tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai. Mục tiêu của ngày mai luôn phải tốt hơn ngày hôm qua. Mỗi ngày mình đặt ra 1% thôi nhưng với sự bền bỉ, nó sẽ tạo ra sự bất ngờ.
Mục tiêu trong 5 năm tới là giảm hơn 112.000 tấn nhựa – đây là mục tiêu được đặt ra trên cơ sở rằng đã quen việc rồi thì phải làm tốt hơn. Hiển nhiên là trong những bước đi đầu, giai đoạn đầu đi vào thử nghiệm thì việc vận hành sẽ chậm hơn. Còn thời gian tới, khi máy móc, công nghệ cao hơn được đưa vào sử dụng thì chúng tôi tính toán con số 112.000 tấn là sẽ khả thi.
NĐT: Đây có phải là con đường tăng trưởng xanh hay kinh tế tuần hoàn mà Tân Hiệp Phát hướng đến để năng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Tân Hiệp Phát tại thời điểm này chưa nhìn thấy đó là một yếu tố cạnh tranh hay thành công. Đơn giản đây là chúng tôi nhận thấy đó nên là một phần trong chuỗi giá trị mà Tân Hiệp Phát có thể tạo ra.
NĐT: Ngành F&B vốn dĩ sử dụng nhiều tài nguyên và đặc biệt là câu chuyện về rác thải nhựa. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát lại trở thành một trong những doanh nghiệp đi tiên phong hoặc chí ít là mong muốn đi tiên phong trong việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Điều này có mâu thuẫn không, và khó khăn là gì?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Đối với Tân Hiệp Phát, từ ngày đầu thành lập cho đến bây giờ thì chúng tôi tự hào trong chuyện tiên phong rất nhiều điều.
Trong câu chuyện phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, một trong những cái khó của người đi đầu chính là nhiều người chưa hiểu về lĩnh vực này. Khi hợp tác, các doanh nghiệp sẽ đặt ra câu hỏi “Nếu làm như vậy, sẽ được gì cho tôi?”. Kể cả những số liệu về mặt thống kê cũng chỉ ra việc tham gia vào kinh tế tuần hoàn đang là một ngành lỗ.
Điều mà mỗi con người Tân Hiệp Phát luôn tâm niệm chính là không để nỗi sợ quá lớn lấn át mình. Tôi vẫn nhớ câu nói nhà sáng lập của Tân Hiệp Phát từng chia sẻ đó là muốn chứng minh là người Việt Nam làm được. Đó cũng là điều thôi thúc ông miệt mài 365 ngày để có được tổ chức vận hành ngày càng hoàn thiện hơn trên mô hình tồn tại và phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là một phần trong những mảnh ghép mà Tân Hiệp Phát ngày càng nhìn thấy trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng, với xã hội. Đó cũng là một phần giá trị cốt lõi mà con người Tân Hiệp Phát luôn nghĩ đến và gây dựng.
NĐT: Bài toán công nghệ trong kinh tế tuần hoàn chưa bao giờ là bài toán dễ dàng. Vậy khi Tân Hiệp Phát làm việc với những đối tác công nghệ hàng đầu thế giới, trở ngại khó khăn có lớn không?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Cho đến bây giờ khi chúng tôi chia sẻ về bài toán công nghệ trong mô hình kinh tế tuần hoàn thì mọi người bắt đầu nhận ra sự thú vị.
Thời điểm Tân Hiệp Phát đi mua dàn máy Aseptic thì gặp rất nhiều cản trở. Khi tham quan tại hội chợ ở châu Âu, không ai tin một doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam lại dám đầu tư công nghệ thiết bị hàng đầu thế giới.
Còn nhớ khi đàm phán về một dàn máy Aseptic, chúng tôi phải thương lượng hợp đồng đến 37 lần, hai bên cứ làm việc qua lại với nhau như vậy. Ngay cả cũng đối tác đắn đo việc chúng tôi có tiền để trả hay không, chính họ cũng đặt ra thắc mắc rằng chúng tôi tại sao phải đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới về một thị trường địa phương…
Chúng tôi làm thật nhưng người ta có tin hay không thì đó lại là một câu chuyện khác. Người tiêu dùng uống một sản phẩm giá 10.000 đồng, chắc chắn họ sẽ không quan tâm và hỏi những câu hỏi phức tạp như vậy. Là một nhà sản xuất, mình đưa ra nhiều tiêu chí, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng lại khác… Vì vậy, trước khi có được kết quả cuối cùng của bản hợp đồng, thì đó là quãng thời gian mà ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã tính toán, cân nhắc, bàn lên tính xuống rất nhiều.
NĐT: Thời điểm này khi nói ra cuộc thương lượng 37 lần cho 1 bản hợp đồng cuối cùng thì dễ, nhưng chính xác nó diễn ra trong bao lâu? Và sau bản hợp đồng đó, Tân Hiệp Phát học được bài học gì khi làm việc với các đối tác nước ngoài?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Việc phải thương lượng hợp đồng đến 37 lần và kéo dài khoảng vài năm, bài học của Tân Hiệp Phát rút ra cuối cùng vẫn là cứ đi rồi sẽ tới. Nếu như thời điểm đó, sẽ có rất nhiều câu hỏi và cả câu trả lời mà ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát đặt ra khi triển khai hợp đồng với đối tác nước ngoài:
– Mình có cần sự tham vấn của chuyên gia nước ngoài không? – Cần chứ!
– Mình cần máy móc thiết bị hiện đại không? – Cần chứ!
– Nhưng mà họ cần mình không? – Không! Vì khách hàng họ ưu tiên luôn là các tập đoàn đa quốc gia.
– Họ có tin mình không?? – Không!
Bởi vậy, những gì mà Tân Hiệp Phát rút ra được bài học chính là “Tân Hiệp Phát có thể làm được”.
NĐT: Cũng trong câu chuyện phát triển doanh nghiệp xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần sự tiếp sức từ Nhà nước cũng như các tổ chức tài chính. Tân Hiệp Phát có chung mong muốn này không?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Với doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước là luôn luôn cần thiết. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ thì mỗi doanh nghiệp sẽ có những cái khó riêng. Xây ra được thương hiệu là một chuyện, những giữ được thương hiệu lại là câu chuyện khác.
Tân Hiệp Phát năm nay đã bước sang năm 28 và chúng tôi còn nghĩ đến chuyện xây dựng để tồn tại hàng trăm năm. Song, mục tiêu cuối cùng của Tân Hiệp Phát chính là phục vụ người tiêu dùng, đem lại những sản phẩm tốt nhất với giá thành phải chăng nhất.
NĐT: Như chị chia sẻ thì Tân Hiệp Phát đã tồn tại 28 năm và trên thị trường nước giải khát, cũng phần nào khẳng định tên tuổi với những sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng. Chị đánh giá thế nào về ngành hàng này?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Có rất nhiều ý kiến trái chiều của chuyên gia, nhà quan sát nói về ngành nước giải khát. Nhưng tựu chung, đầu tư vào ngành nước giải khát chưa bao giờ câu chuyện dễ dàng.
Đây là ngành hàng có sự kiểm soát của rất nhiều bộ ngành, chính vì vậy làm đúng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn được đưa ra đã rất khó, chưa kể chi phí đầu tư rất lớn.
Là ngành hàng tiêu dùng nhanh, tỉ lệ thành công của ngành này chỉ khoảng 20%. Nói cách khác thì nếu đưa ra thị trường 10 sản phẩm thì xác suất chỉ có 2 sản phẩm thành công, còn 8 lần sẽ thất bại. Và để có được 20% sản phẩm thành công, doanh nghiệp sẽ phải bỏ đi rất nhiều sản phẩm không phù hợp, và Tân Hiệp Phát cũng không ngoại lệ.
NĐT: Đến thời điểm này, Tân Hiệp Phát có tự tin đã thực sự hiểu rõ tâm lý tiêu dùng của người Việt?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Không ai có thể nói rằng mình hiểu rõ ai cả, nhưng Tân Hiệp Phát đã chi trả nhiều chi phí và có nhiều nghiên cứu để hiểu được nhu cầu của thị trường là như thế nào, độ lớn ra làm sao và người tiêu dùng đòi hỏi mức độ chấp nhận thế nào.
Tân Hiệp Phát đã trải qua 28 năm phát triển, đây không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng không phải là thời gian ngắn để Tập đoàn có được sự hiểu biết về người tiêu dùng để tạo nên những kết quả nhất định.
NĐT: Vậy nếu đặt bài toán để so sánh với những “gã khổng lồ” đa quốc gia trong ngành nước giải khát, chị thấy Tân Hiệp Phát đang kém hơn về mặt nào?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Nếu nói Tân Hiệp Phát kém vào thời điểm này, thì Tân Hiệp Phát sẽ còn kém hơn nữa của 28 năm về trước. Cho nên, Tân Hiệp Phát sẽ không nhìn thấy những điểm mình kém để biến nó thành nỗi sợ, mà chúng tôi thấy điều có thể phục vụ thị trường.
Câu hỏi chúng tôi đặt ra đó là “Cung cấp cái gì cho thị trường?”, “Nên đáp ứng nhu cầu gì?”. Và đó là kim chỉ nam mà Tân Hiệp Phát hướng đến, chứ không phải là chuyện so sánh tốt hơn công ty này, kém hơn công ty kia. Quan trọng là nếu có tốt mà người tiêu dùng không chọn thì cũng không giải quyết được bài toán gì cả, không thể tồn tại và phát triển được.
NĐT: Tôi đặt câu hỏi như vậy là bởi Tân Hiệp Phát không chỉ muốn giành thị phần trong nước mà còn có khát vọng toàn cầu. Ông Trần Quí Thanh – ba chị từng đặt những mục tiêu đưa thương hiệu ra châu Á và thế giới. Vậy Tân Hiệp Phát tại thời điểm này cho mục tiêu này thì đang được thực hiện như thế nào?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Khát vọng đi ra thế giới, đầu tiên là mình phải có sản phẩm để cạnh tranh. Và đó chính là yếu tố Tân Hiệp Phát chọn sản phẩm ngay từ đầu. Tập đoàn lựa chọn các sản phẩm có từ thiên nhiên, các sản phẩm là biểu trưng của châu Á.
Thị trường mà Tân Hiệp Phát đang đi, nói theo ngôn ngữ của giới marketing thì đó gọi là “thị trường ngách”. Chúng tôi không chọn thị trường nước uống chỉ là giải khát, mà phải là nước giải khát có lợi cho sức khoẻ.
NĐT: Tân Hiệp Phát tự tin đang có điều gì để thực hiện được mục tiêu này?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Hiện nay với các sản phẩm Tân Hiệp Phát đang có thì chúng tôi tự hào với sản phẩm Trà thảo mộc Dr Thanh. Đây là sản phẩm rất đặc trưng của người châu Á. Sản phẩm thứ hai là trà xanh. Trà xanh của Việt Nam vị rất khác so với các sản phẩm nước ngoài. Điều đáng mừng là sản phẩm đi đến đâu cũng có sự chấp nhận tương xứng.
Và như tôi đã chia sẻ, khởi điểm là con số 0 thì hiện nay khi nói đến Tân Hiệp Phát, các công ty đa quốc gia có sự công nhận.
NĐT: Vậy thị trường mà Tập đoàn hướng đến ở nước ngoài là những thị trường nào?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Hiện nay ở đâu có nhu cầu thì chúng tôi sẽ phục vụ. Nếu điểm qua thì Tân Hiệp Phát đang có sản phẩm có mặt tại Nhật Bản, Singapore, Hà Lan, Anh, Mỹ, Đức, Úc…
NĐT: Nhân tiện câu chuyện nước ngoài thì tôi muốn nhắc đến xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) khá phổ biến và nhiều nhà đầu tư ngoại tấn công vào Việt Nam. Các công ty trong nước có nguy cơ bị mất thương hiệu hoặc phai nhạt bản sắc. Tân Hiệp Phát cũng đã từng từ chối thương vụ chuyển nhượng trị giá 2,5 tỷ USD của Coca-Cola vào năm 2012. Với vai trò là Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, chị thấy thế nào về định giá đó, và con số đó đem lại ý nghĩa gì cho Tân Hiệp Phát?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Quay lại câu chuyện vào năm 2012, định giá khi đó của Coca-Cola là con số lớn, nhưng cũng cho Tân Hiệp Phát một suy nghĩ về mặt chiến lược, rằng thực sự mình muốn gì. Và cái điều mà mình muốn đó – mình có sẵn sàng trả giá bằng nỗ lực của mình hay không.
Tân Hiệp Phát đi được cho đến hôm nay là đã 10 năm kể từ năm 2012 sau cuộc trao đổi gần 6 tháng của hai bên. Tôi nhận thấy những gì đi tiếp sau giai đoạn đó là rất nhiều khó khăn. Suy cho cùng, chặng đường nào cũng đòi hỏi rất nhiều mồ hôi và nước mắt, nhưng cho đến bây giờ nhìn lại, với tư cách là một trong những người đứng đầu của Tân Hiệp Phát, tôi cảm thấy rất tự hào.
Một trong những điều tôi cảm thấy tự hào là nếu Tân Hiệp Phát còn giữ được thương hiệu Việt – đó sẽ là bài học cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tân Hiệp Phát thời điểm này chưa phải là tập đoàn hàng đầu châu Á nhưng đây là một tổ chức ổn định và ở nơi đó mọi người được cho cơ hội, được thôi thúc để phát triển.
NĐT: Trong các công ty gia đình lớn ở Việt Nam, giờ mới là thế hệ thứ 2. Là thế hệ F2 của một Tập đoàn lớn, chị có gặp khó khăn gì trong công việc mình đảm nhận?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Chuyện F2, F3 hay chuyện con cái làm việc trong công ty gia đình là một đề tài rất rộng và mọi người cũng rất quan tâm.
Làm việc tại Tân Hiệp Phát, với tôi, chuyện công việc sẽ giải quyết tại công ty, chuyện cha con giải quyết tại nhà. Khi làm việc chắc chắn sẽ có quan điểm trái ngược nhau, không đồng thuận. Nhưng sau rất nhiều lần như vậy, bài học rút ra là lắng nghe quan điểm của nhau, kiên nhẫn đặt câu hỏi để đi tìm điểm chung. Bởi mục tiêu chung là đưa Tân Hiệp Phát đi lên, phát triển hơn.
NĐT: Quan điểm của Tân Hiệp Phát về thế hệ thứ 3 sẽ như thế nào?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Tân Hiệp Phát không hình dung chuyện thế hệ kế cận phải là máu mủ. Tân Hiệp Phát hiện vẫn luôn tìm kiếm, tìm những CEO không phải là người trong gia đình ông Trần Quí Thanh. Với tốc độ phát triển và luôn mở rộng, để phục vụ nhu cầu sản xuất thì hiện không đủ người nhà của ông Trần Quí Thanh để làm (cười).
Những người kế cận cần là những người có mục tiêu, ý chí đưa Tân Hiệp Phát ngày càng cất cánh và đi lên. Đó cũng có thể là những nhân viên của Tân Hiệp Phát và cũng có thể là những chuyên gia, cố vấn ở trong khu vực…
NĐT: Sự ảnh hưởng của Chủ tịch Trần Quí Thanh hiện nay tại Tân Hiệp Phát được thể hiện như thế nào?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Đối với nhà sáng lập Tân Hiệp Phát, đó chính là tinh thần, là giá trị cốt lõi. “Tinh thần” ở Tân Hiệp Phát mà chúng tôi vẫn nói đùa đó là “cựu thanh niên”, vì khi chỉ cần nhìn vào sếp thì mọi người sẽ có một động lực khác. Một người đàn ông ở độ tuổi 70 vẫn đến văn phòng làm việc, vẫn cống hiến thì không có cớ gì những thế hệ 25, 30 tuổi lại nghĩ đến chuyện nghỉ hưu cả.
NĐT: Vậy tôn chỉ của chị khi làm việc là gì?
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Lắng nghe – đó là tôn chỉ tôi luôn thực hiện đầu tiên. Bởi mình cần nhiều ý kiến, nhiều ý tưởng của tập thể, của cấp dưới, không ai hiểu rõ chuyên môn bằng những người đang trực tiếp làm công việc đó.
NĐT: Chị là một trong những minh chứng điển hình phủ nhận định kiến xã hội về phụ nữ làm kinh doanh. Nhìn lại những gì mình đã trải qua, thành công và thất bại, chị nghĩ gì về con đường mà mình lựa chọn? Và có một câu tôi rất muốn hỏi chị: “Chị có cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình?”
Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Mỗi ngày được làm việc, được cống hiến thì tôi cảm thấy đó là động lực cho một ngày có ý nghĩa. Cuộc sống là chuỗi của nhiều ngày. Mỗi ngày được làm việc hết mình, cống hiến hết sức, đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó cũng là một trong những điều bản thân tôi rất trân trọng. Có thể nói, Trần Uyên Phương thời điểm này – là người phụ nữ rất hạnh phúc và tin tưởng với lựa chọn của mình!
NĐT: Cảm ơn chị đã dành thời gian quý báu để chia sẻ!
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/e-vong-doi-cua-chai-nuoc-10-000-dong-va-tu-duy-ty-do-o-tan-hiep-phat-a574438.html