Hà Nguyễn / Báo Đầu Tư
Chỉ còn 2 tháng nữa, năm 2022 sẽ kết thúc. Nền kinh tế cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong chặng đua nước rút này.
Đua chặng nước rút
Nếu coi quý IV là chặng đua nước rút để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch năm 2022, thì có thể nói, kinh tế Việt Nam đã có bước khởi đầu khá thuận lợi trong chặng đua cuối cùng này.
Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô có thể được viện dẫn để chứng minh cho điều này. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, cán cân thương mại thặng dư tới 9,4 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhập siêu 0,63 tỷ USD, hỗ trợ tích cực cho cán cân thanh toán quốc tế.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp phục hồi khá, với Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2022 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng tăng 9%.
Đáng chú ý, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2022 ước tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 20,2%, loại trừ yếu tố giá tăng 16,1%. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh, khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 18,8 lần cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ, hứa hẹn cả năm sẽ được kiểm soát dưới mức 4%. Thu ngân sách nhà nước cũng rất tích cực, 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, không chỉ góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong ngắn hạn, mà còn giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới…
Không những thế, hoạt động của doanh nghiệp cũng khả quan, với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng qua đạt gần 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô trên đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2022. Theo khẳng định của Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
“Trong những tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế Việt Nam có triển vọng khá khả quan”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, cùng với hoạt động sản xuất – kinh doanh khởi sắc, đạt được kết quả toàn diện trên nhiều mặt, việc nền tăng trưởng quý IV/2021 ở mức thấp, có thể kỳ vọng tăng trưởng của quý IV/2022 sẽ đạt mức cao. Nếu vậy, tăng trưởng GDP của cả năm cũng sẽ ở mức cao.
Vượt thách thức để về đích
Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô sau 10 tháng là tích cực, song một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra một loạt thách thức, khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; là diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine cũng như xu hướng thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trước bối cảnh lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; là việc giá cả nhiều mặt hàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng gây nhiều áp lực lên giá cả đầu vào sản xuất tại Việt Nam…
Chưa kể, các vấn đề về sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc tiếp tục đóng cửa biên giới; hay áp lực tỷ giá USD/VND… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế.
Trên thực tế, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy ở mức cao, nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch Covid-19, mức bình quân 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019.
Chẳng hạn, Chỉ số IIP bình quân 10 tháng của 3 năm 2020-2022 mới đạt 3,4%, trong khi cùng kỳ giai đoạn 2016-2019 là 10,2%. Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 1,2% (cùng kỳ giai đoạn 2016-2019 là 11,9%); xuất khẩu chỉ tăng 6,3% (cùng kỳ giai đoạn 2016-2019 tăng 9%).
Trong khi đó, các yếu tố liên quan đến nền tảng ổn định vĩ mô, những khó khăn trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được cho là những vấn đề nổi cộm của nền kinh tế. Thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề này.
“Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành tín dụng, điều chỉnh biên độ tỷ giá lên mức cao nhất trong lịch sử. Điều này kéo theo chi phí vốn tăng cao, sức ép lạm phát, giá cả đầu vào đang tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân”, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đã nói như vậy và nhấn mạnh, phải thẳng thắn nhìn vào thực tế là tính bền vững của tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức chống chịu của nền kinh tế cũng còn yếu.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng là làm sao giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay.
“Cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, cần hết sức tránh việc cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây ra các hệ lụy tiềm ẩn như nợ xấu, kéo lãi suất và tỷ giá tăng cao, tạo ra những bất ổn cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Một cách rất rõ ràng, việc có đại biểu Quốc hội đứng giữa hội trường đặt câu hỏi: “Vì sao tăng trưởng kinh tế cao mà doanh nghiệp khó khăn?” là rất đáng chú ý. Nếu không sớm giải quyết thách thức này, hệ lụy tới nền kinh tế là không nhỏ, bởi sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế.
Hơn nữa, vấn đề cần phải giải quyết không phải chỉ cho chặng đua nước rút của năm nay, mà còn cho năm 2023 sắp tới, một năm được dự báo là cả kinh tế toàn cầu và Việt Nam đều sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nguồn: https://baodautu.vn/kinh-te-2022-chang-dua-nuoc-rut-d176861.html