Tạo nền tảng để nền kinh tế tự vận hành

Nguyên An / Báo đầu tư


Bên cạnh những vấn đề cụ thể, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tạo nền tảng cho nền kinh tế, bắt đầu từ việc định danh toàn bộ tài sản của nền kinh tế, bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt và công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Qua 2 ngày thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách của Quốc hội, rất nhiều vấn đề cấp bách của nền kinh tế đã được đặt ra. Là một trong số các vị đã đăng ký mà không còn thời gian đăng đàn, ông có vấn đề nào khác định nêu không?

Tôi cho rằng, những vấn đề cụ thể được đặt ra để giải quyết là rất cần, nhưng bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra nền tảng cho xã hội, cho nền kinh tế tự vận hành, tự tiến bộ. Bắt đầu từ việc định danh toàn bộ tài sản của nền kinh tế gắn với tổ chức và công dân, cùng với việc quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với một số dịch vụ thiết yếu.

Làm như thế để buộc mọi công dân phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình khi ra ngoài xã hội, nếu không sẽ bị thiệt hại ngay về kinh tế. Chẳng hạn, một người lấn chiếm đất nông nghiệp, bình thường phải cho hết các đoàn thể ra vận động, nhưng nếu đã có nền tảng như trên, thì không cần vận động nữa. Khi đó, chủ tịch UBND xã ra quyết định phạt; nếu ông không chấp hành thì sẽ có cơ chế để ông buộc phải chấp hành, vì mọi tài sản của ông đã được định danh. Và nếu không thực hiện nộp tiền phạt, thì sẽ không thực hiện được việc thanh toán một số nhu cầu thiết yếu như tiêu dùng, điện, nước, phí đường bộ…

Tương tự, các giao kết dân sự sẽ được tuân thủ, sẽ hạn chế tối đa việc anh vay tiền tôi, nhưng anh cứ chây ì không trả, mặc dù anh có khả năng trả được. Hiệu lực của giao kết dân sự cho thấy mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, công dân trong xã hội, tạo sức sống, sự năng động cho hoạt động kinh tế.

Như vậy thì lý tưởng, nhưng việc định danh toàn bộ tài sản của nền kinh tế có phải là ý tưởng khá xa vời với xã hội quen dùng tiền mặt như chúng ta không?

Không có gì là xa vời cả. Nếu quyết tâm thì chỉ cần khoảng 6 tháng là có thể làm được, bởi hiện nay, các tổ chức quản lý về tài sản như bất động sản, động sản, tiền và các giấy tờ có giá như chứng khoán, bảo hiểm… đều đã có dữ liệu. Việc cần làm là ban hành quy định chuẩn dữ liệu về mặt tài sản gắn với chủ tài sản để những dữ liệu đó được đổ vào một trung tâm quản lý dữ liệu tập trung. Và điều đó chỉ cần quy định ở mức nghị định là được.

Nhưng việc sử dụng dữ liệu liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân và điều đó phải được quy định ở luật, chứ không phải ở nghị định, thưa ông?

Tôi đồng ý là phải bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân, nên toàn bộ dữ liệu đó ở dạng đóng, chứ không phải ai muốn biết là có thể truy cập. Việc khai thác, sử dụng phải có quy trình chặt chẽ, chỉ phục vụ việc xác minh thông tin khi có yếu tố cần xác minh và quy định rõ cấp nào được yêu cầu đến đâu và gắn với trách nhiệm khi sử dụng dữ liệu.

Bên cạnh định danh tài sản, thì quy định thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế, theo tôi, cũng khả thi khi nền kinh tế đã có trên 100 triệu tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại và có 127 triệu số thuê bao di động chuyển ngay lên được thanh toán theo hình thức Mobil Money. Việc thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều dịch vụ cũng đã được bộ phận lớn người dân thực hiện.

Tuy nhiên, để tạo nền tảng tốt, còn cần cả việc công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính để các tổ chức hội xã hội – nghề nghiệp, công dân giám sát, phản biện và hiến kế.

Ý ông là không gian cải cách thủ tục hành chính vẫn còn lớn?

Đúng vậy. Các đại biểu cũng đã phát biểu, đánh giá cao những cải cách gần đây của Trung ương. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là giữa các cơ quan nhà nước, vẫn còn không gian để cải cách. Chúng ta nên phân cấp mạnh hơn và đồng bộ, với nguyên tắc việc gì cấp dưới có khả năng làm, làm tốt thì giao cho cấp dưới và gắn trách nhiệm người đứng đầu; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Như vậy, cơ quan Trung ương đang “ôm” quá nhiều quyền, thưa ông?

Đúng thế. Hiện vẫn còn nhiều việc có thể phân cấp được như các đại biểu đã nêu tại kỳ họp. Vì thế, nếu có thời gian phát biểu, tôi sẽ phản ánh ý kiến của cử tri rằng, năm 2023, mong Chính phủ tiếp tục có những bước tiến thiết thực trong thủ tục hành chính, nhất là thủ tục giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Để có nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ nên thực hiện công khai tiến độ, quy trình giải quyết trên môi trường mạng Internet, mời các tổ chức hội xã hội – nghề nghiệp, công dân giám sát, phản biện và hiến kế.

Việc đó có thể sẽ làm mất quyền lợi của người này, người kia, nhưng phải để nhân dân giám sát, phản biện thì xã hội mới tiến bộ được.

Nhà nước thì quyền lực tự thân và nếu không có sự thúc đẩy từ sự giám sát, phản biện của nhân dân, thì tự mình tiến bộ sẽ chậm chạp hơn.

Tất nhiên, để tạo được nền tảng tốt cho xã hội tự vận hành và tốt lên, cũng vẫn cần có thời gian nhất định. Nhưng định danh toàn bộ tài sản của nền kinh tế, công khai tiến độ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính và bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt là việc trong tầm tay, chỉ cần quyết tâm là làm được.

Nguồn: https://baodautu.vn/tao-nen-tang-de-nen-kinh-te-tu-van-hanh-d176667.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *