VNExpress – Phiên An
Những nhà đầu tư nắm tổng cộng 5.000 tỷ USD đang đặt cược Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế bất chấp mọi cảnh báo ngược lại.
Nghiên cứu của Goldman Sachs với các quỹ tương hỗ và phòng hộ (có tổng tài sản gần 5.000 tỷ USD) cho biết các nhà quản lý những quỹ này vẫn đang ưu tiên các cổ phiếu nhạy cảm về kinh tế, chẳng hạn như các công ty công nghiệp và nhà sản xuất hàng hóa. Trong khi các cổ phiếu có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ suy thoái kinh tế như tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu, hiện không được ưa chuộng.
Điều này cũng tương đương với việc các nhà đầu tư này đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chế ngự lạm phát mà không tạo ra suy thoái kinh tế, một kịch bản khó đạt được và thường gọi là “hạ cánh mềm”, theo chiến lược gia David Kostin của Goldman Sachs.
Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa giới đầu tư quyết định đổ tiền vào chỗ mạo hiểm hơn. Trên thực tế, họ đã tăng nắm giữ tiền mặt hoặc tăng cường đặt cược vào việc cổ phiếu giảm giá trong năm nay khi Fed bắt tay vào chiến dịch chống lạm phát tích cực nhất nhiều thập kỷ.
Theo cách chuyên gia, vấn đề là bên dưới tư thế phòng thủ đang xuất hiện một dòng đầu tư nghiêng theo tính chu kỳ. Đó là xu hướng trái ngược với những lo ngại phổ biến rằng một đợt suy giảm kinh tế nghiêm trọng sắp diễn ra.
Dù vậy, những ván cược như thế cũng đang chứng kiến sự bấp bênh, khi các chỉ số mạnh mẽ về thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ được công bố cuối tuần trước đã thúc đẩy suy đoán rằng Fed sẽ phải duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ, làm tăng nguy cơ suy thoái.
Cuộc thăm dò ý kiến của Bank of America vào tháng trước cho biết 77% dự đoán suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra trong 12 tháng tới, tỷ lệ cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng do Covid -19 gây ra.
Có nhiều lý giải về động thái đánh cược của giới đầu tư. Ví dụ, có thể các quỹ chậm điều chỉnh danh mục của họ vì độ trễ trong nhận thức về rủi ro kinh tế; hoặc họ đang tìm cách tránh ảnh hưởng của suy thoái thông qua các chiến lược khác, chẳng hạn như tạm nắm tiền mặt, bên cạnh việc đặt cược.
Một giải thích hợp lý hơn có liên quan đến hy vọng rằng Fed có thể thiết kế một cuộc “hạ cánh mềm”. Trong trường hợp này, tin tức kinh tế xấu được coi là tốt cho thị trường vì nó cho thấy chiến dịch chống lạm phát của Fed đang phát huy hiệu quả. Và do đó, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất ít hơn.
Nó giải thích vì sao S&P 500 đã tăng hơn 10% so với mức thấp nhất trong tháng 10, mặc dù dữ liệu trong các lĩnh vực như nhà ở, sản xuất ngày càng xấu đi và ước tính thu nhập giảm.
Bây giờ, điều ngược lại đang diễn ra. Chứng khoán bị bán tháo đầu tuần sau khi chỉ số đo lường dịch vụ của Mỹ bất ngờ tăng, làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi. Nối tiếp đà đi xuống phiên cuối tuần trước, S&P 500 giảm 1,8% ngày 5/12, khi báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến đã gây ra những lo lắng về khả năng tiếp tục “diều hâu” của Fed.
Nguồn: https://vnexpress.net/gioi-dau-tu-danh-cuoc-my-se-tranh-duoc-suy-thoai-4544812.html