Người trẻ thường hay trách người lớn không hiểu mình, cấp dưới thầm trách sếp không hiểu mình, con cái cũng trách cha mẹ không hiểu mình. Hóa ra, để thấu hiểu được người khác là điều không phải dễ.
Tui cũng suy nghĩ về điều này, đặt biệt là với vai trò chủ một doanh nghiệp, trong đó cấp dưới không chỉ là nhân viên tuyển dụng từ bên ngoài, mà còn là vợ mình, con mình, bạn bè thân của mình. Tui đã thấu hiểu hết họ chưa, tui nghĩ chắc còn phải cố gắng nhiều.
Hôm nay, tìm đọc được bài “Thấu hiểu người khác” của tác giả Nguyễn Thanh Lâm trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, tui ngộ ra được nhiều điều, mong được chia sẻ với mọi người.
Tác giả viết: “Một nền tảng đầy khoan dung là rất quan trọng để hiểu được người khác, cũng chính là giúp hiểu chính mình hơn”. Tui tâm đắc với từ “khoan dung”, tui nghĩ phải có tấm lòng, có tình yêu thương mới sẵn sàng lắng nghe, tìm thấy cái tốt, cái đẹp ở người khác. Còn ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết cái tôi của mình thì không bao giờ nghe ai, hiểu ai. Như tác giả viết: “Để có thể thấu hiểu, đôi khi bạn phải “yêu” những gì “có thể đáng ghét” và không nên ghét những gì thật ra “có thể đáng yêu”.
Bài viết có những lời khuyên rất có ích cho những người làm quản lý, làm lãnh đạo. Với một nhân viên, thấu hiểu người khác đôi khi chỉ vì nhu cầu chia sẻ và được chia sẻ. Còn với người lãnh đạo, thấu hiểu người khác liên quan đến việc chung, thành công chung của một tổ chức, một doanh nghiệp. Vì vậy, nó không chỉ là nhu cầu mà là một kỹ năng cần rèn luyện.
Tui luôn tâm niệm, điều rất nguy hiểm của người lãnh đạo, của ông chủ là thường nghĩ mình luôn đúng, cho nên xử ép người dưới, nghĩ không thấu hết nhân viên, không khai thác hết nguồn tài nguyên con người. Hiểu sai về nhau thì không bao giờ tập hợp và gắn kết được sức mạnh.
Tui thấy cần suy nghĩ sâu sắc ý này của tác giả: “Thấu hiểu người khác vừa là yêu cầu vừa là mục đích, cũng vừa là phương cách tuyệt vời để xử lý tình huống và đưa ra các quyết định đúng, là khởi đầu cho mọi thái độ và hành động tốt, mọi hiệu quả dẫn đến thành công và hoàn thiện bản lĩnh”.
Hiểu được người khác đòi hỏi phải có trái tim nhưng là trái tim không mềm yếu, trái tim của một người có bản lĩnh.
Link bài: Thấu hiểu người khác
Hình sưu tầm từ Internet