Cuộc chiến không cân sức giữa gã khổng lồ và chàng tí hon. Và cái kết bất ngờ. (Nguồn: Internet)
Kính thưa bác Dr Thanh,
Thưa bác cháu đã hơn ba chục tuổi, bắt đầu khởi nghiệp bằng sản xuất hàng nông sản. Cháu đọc bài bác viết: “Nhân sữa Việt quyết “so găng” với hàng ngoại”, lại đọc lời bình của bác ở bài Xá Xị Chương Dương, thấy bác đang cổ xuý doanh nghiệp Việt dám lớn để đối đầu với hàng ngoại. Cháu ủng hộ bác 100% nhưng vẫn e ngại tâm lý sùng ngoại của dân mình bao đời nay. Chỉ một ly cà phê thôi, các bạn trẻ vẫn thích cà phê ngoại hơn cà phê nội, nói gì đến việc khác. Hơn nữa doanh nghiệp Việt trước sau vẫn là những gã David tí hon, thắng làm sao mấy ông Goliath khổng lồ?
Bác cho cháu biết suy nghĩ của bác về vấn đề này được không ạ?
Cháu Huệ mến,
Nhận được mail cháu từ trưa nay nhưng kẹt việc chưa trả lời cháu được, nay bác trả lời đây.
Cháu ạ, tâm lý sùng ngoại thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Ở ta càng nhiều. Cháu nói đúng, “chỉ một ly cà phê thôi, các bạn trẻ vẫn thích cà phê ngoại hơn cà phê nội”. Thì vậy đó. Với nhiều người, phải ngồi nhâm nhi ly cà phê thương hiệu ngoại mới là dân sành điệu. Hình như họ nghĩ, một tay lướt iphone, tay kia cầm ly cà phê có chữ ngoại mới là mốt.
Bác cũng đi uống thử, không dám nói ngon dở vì đó là cảm nhận riêng của mỗi người, nhưng bác thích cà phê Việt Nam vì nó đậm đà và rẻ hơn nhiều. Còn một điều nữa, bất cứ sản phẩm gì mà hàng Việt Nam có, chất lượng tương đương thì bác chọn hàng Việt Nam. Tính bác xưa nay vậy.
Bác tin các bạn trẻ theo cà phê ngoại riết rồi cũng chán, bởi vì như bác nói đó, cà phê Việt đậm đà và giá phù hợp, cho nên nhiều người bỏ dần các tên tuổi sang trọng, trở về với thực tế và thực túi tiền. Chính vì vậy mà hàng loạt tên tuổi như Gloria Jean’s Coffees, NYDC (New York Dessert Café) và Illy rời khỏi thị trường Việt Nam sau 10 năm tham gia. Caffé Bene đến từ Hàn Quốc đang gặp khó khăn, dự định mở khoảng 300 cửa hàng cafe tại Việt Nam nhưng nay đã phải hạ xuống con số 100.
Các hãng cà phê nổi tiếng đó rút khỏi Việt Nam cho thấy một điều, nếu sản phẩm của Việt Nam có chất lượng, giữ vững thị trường, có kỹ năng marketing, xây dựng thương hiệu thì sẽ đủ sức cạnh tranh.
Làm sao những start-up có thể tồn tại và chiến đấu cùng với những công ty lớn? (Nguồn Internet)
Khi làm chủ được thị phần trên thị trường nội địa, không dám tự cho mình là David thắng Goliath, nhưng bác tự tin hẳn lên, vượt qua mặc cảm “thân phận nhược tiểu”. Có được niềm tin ấy nên THP đã mở cửa ra khỏi biên giới, xuất khẩu sản phẩm THP ngày càng nhiều dù phải vượt qua những hàng rào tiếng đồn gây hại.
Trở lại câu hỏi của cháu, để gã David nội thắng Goliath ngoại trên thương trường thì gã David nội phải có đủ niềm tin chiến thắng, đủ lòng kiên trì để đi tới đích. Đó là yếu tố tiên quyết. Nhưng gã David nội nhỏ bé muốn thắng được Goliath khổng lồ không chỉ cần niềm tin và lòng quyết tâm mà sau lưng họ phải có lực lượng hùng hậu người tiêu dùng yêu nước. Bên cạnh đó họ phải được Nhà nước hỗ trợ bằng những chính sách tích cực và bằng những chế tài để dẹp bỏ các loại cạnh tranh xấu theo kiểu “bỏ bóng đánh người” như trong bóng đá. Được vậy thì các gã David nội mới dám “so găng” Golitath ngoại với niềm tin tất thắng cháu Huệ ạ.