‘Chuyện nhà Dr. Thanh’ lan dài những hy vọng

Cuốn tự truyện của cô cả nhà Dr.Thanh dày hơn 200 trang, viết trong vòng gần chục năm trời, do đặc thù công việc của một Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát một phần, nhưng nhiều phần chắc do việc thu thập tài liệu dài dặc từ đời ông cố nội đến đời mình, và do việc nắn nót từng chữ, từng câu.

Gia đình nhà Dr. Thanh.

Hơn 200 trang, gần 10 năm viết ấy, đọc vẹn trong 2 tiếng buổi tối, âu cũng là đủ lâu để nhấn nhá của người đọc, vì nhiều bất ngờ, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ kia, bất giờ về chuyện gia tộc thuộc loại đình đám hàng đầu Việt Nam được hé lộ là một, bất ngờ về khả năng văn chương, chữ nghĩa, dìu người ta đi qua từng trang, qua từng chương, tới khi hết lúc nào không biết là hai. Bất ngờ nữa khi những câu chuyện đao to búa lớn, những vật lộn sống chết thương trường, chuyện khởi nghiệp và dựng xây một đế chế gia đình từ nhỏ tới lớn, tới lớn mạnh và tới vươn tầm thế giới; lại được kể nhẹ tênh, ung dung tự tại lạ.

Đã có 8.000 cuốn sách được bán ra.

Chuyện gồm 10 chương, không hẳn theo thứ tự thời gian, mà là sự chắp nối những câu chuyện, giống những mảnh ký ức của Trần Uyên Phương thì đúng hơn. Mảnh ký ức về ông nội qua lời kể của ông, của mẹ Nụ- người được ông coi là bạn tâm giao vào những ngày cuối đời ; mảnh ký ức của cha- Dr Thanh, Trần Quí Thanh- qua lời kể của bạn bè, của chính ông… mảnh ký ức về mẹ, mảnh ký ức về mình, về hai em trong nhà.Có những mảnh ký ức là của rất riêng Uyên Phương, qua lăng kính của cô. Có những mảnh ký ức, đương nhiên là của những người trong cuộc, nhưng được cô chắp nối lại, phản ánh lại, theo cách của mình. Đôi lúc, thấy rõ là cảm xúc của một người viết xưng tôi, nhưng đôi lúc, thấy rõ là cảm xúc của người kể chuyện…

Điều đáng nói, dù ở lúc nào, vẫn thấy một cái tỉnh táo của người phụ nữ cũng đầy can trường và đầy hiểu biết, nói về gia đình mình, nói về mình- đầy yêu thương, đầy nâng niu, luôn có cái nhìn nhân hậu, độ lượng; nhưng lại đảm bảo không quá thiếu khách quan, đôi khi là tách ra để mà nhìn câu chuyện nhà mình, với đủ đầy những cung bậc buồn vui, có yêu có giận, có lúc hiểu lầm, có lúc nhận ra.

Cuốn sách dành cho những ai muốn khởi nghiệp, muốn kinh doanh và muốn hạnh phúc.

Điều này quan trọng lắm, bởi tự truyện rất dễ bị cái chủ quan, cái tôi lấn lướt; khiến câu chuyện thiếu sức thuyết phục. Tự truyện, mà khiến người ta thấy thuyết phục, thấy là đang nghe đúng sự thật, được phản ánh khách quan, đó mới là đạt, là thành công.Và ở đây, trong 10 chương ấy, những câu chuyện có khi to tát, là cả một mảnh đời dài, một góc khuất của người đàn ông cả đời bươn chải, là sự khởi đầu của một cơ nghiệp bây giờ, với cái tên Hiệp Phát từ thời ông nội, đến Tân Hiệp Phát thời cha và giữ vững tới hôm nay; hay là cái dòng chảy của cây gậy “quyền trượng” sẽ truyền từ đời này sang đời sau, mà ai nhận trọng trách cũng hiểu nó là vinh quang, nhưng cũng là cay đắng, là vật lộn, là mang vác trên vai cả một đế chế, với bao thân phận, cuộc đời…

Câu chuyện truyền đến nghị lực sống cho người đọc.

Với “Chuỵên nhà Dr. Thanh”, để học chiêu kinh doanh, để học cách vượt qua khủng hoảng; sẽ khó học, vì mọi chuyện đều được kể rất thoang thoáng, không sâu. Nhưng ở cái thoang thoáng, không sâu ấy, vẫn có một chút gì như động lực, như niềm lạc quan, như việc hãy coi nhẹ tênh mọi chuyện để vượt qua; khiến người ta, dường như có một chút niềm tin nào đó để bấu vào, nếu nhưng đang gặp khó. Bởi, ở đó có con đường đi lên từ những ngày có thể coi là đen tối, là lầm lạc của Trần Quí Thanh, đến lúc tìm được con đường sáng, đến lúc tìm được người đàn bà “vượng phu” cả đời của mình; là hành trình từ những ngày vác đường tới nhô cả xương vai của Madame Nụ, đến khi trở thành “trụ cột” của một đế chế, mà bà Nụ còn thì Tân Hiệp Phát còn, bà Nụ mất thì Tân Hiệp Phát mất. Những hành trình ấy, chưa bao giờ từng dễ, nhưng với bản lĩnh, với nỗ lực của mình, thì đích đến sẽ là thành công.Cũng ở đấy, có câu chuyện về những đứa con nhà giàu, nhưng chưa từng được nuông chiều, tự lập tự nhỏ, tự lớn, tự phấn đấu, rồi khi trưởng thành mới có thể về bên cha để cống hiến cùng cha, cùng gia tộc, hoặc giả là tự xây dựng doanh nghiệp của riêng mình, như cậu con trai tên Dũng. Còn nhớ, câu ông Thanh thong thả nói với con gái cả: “Mấy đứa học dốt, muốn trốn thi đại học, sợ rớt mới phải du học”, “ Học lắm quá thành thợ học đó nghe con”. Mấy người đã thành danh, tiền tài, danh vọng dồi dào, mà vẫn vững vàng để cho con tự lớn, tự lập, tự khẳng định được như thế.

Vậy nên, có những cuốn sách làm thay đổi cuộc đời bạn, không to tát khi nói như vậy. Bởi rất nhiều bạn trẻ, đã đọc sách, đọc những trang viết đôi khi rất văn chương cuốn hút này của con gái cả nhà Dr. Thanh, rồi chợt ngộ ra con đường của mình, chợt thấy vững bước hơn trong hành trình khởi nghiệp và nhắn tin cho Trần Uyên Phương, rằng chị à, nhờ có sách của chị, có chuyện cua bác, mà em thấy lạc quan hơn, thấy có thể quyết tâm khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, non nớt ban đầu, với hy vọng vào một thành công có thể đến.

Câu chuyện về “Chuyện nhà Dr. Thanh “ là thế. Đồng hành cùng với nó là việc mỗi cuốn sách được bán sẽ trích ra 20.000 đồng dành cho Quỹ học bổng Khuyến học, kéo dài đến hết ngày hôm nay- Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; mà đến thời điểm này, số tiền được trích ra đã lên tới 160.000.000 đồng, tương đương với 8.000 cuốn sách. Khát khao của Trần Uyên Phương, là đạt trọn vẹn con số 200 triệu cho đến cuối ngày hôm nay và 500 triệu cho tới cuối hành trình trích tặng tiền từ sách này.

Và cũng cùng với nó, là cái ấp ủ sắp thành sự thật của Dr. Thanh và con gái cả: Mỗi tháng, người đàn ông tạo dựng đế chế Tân Hiệp Phát sẽ dành một buổi cho các sinh viên trẻ và doanh nhân mới khởi nghiệp, trò chuyện, chia sẻ, đồng hành và nâng bước. Các thông tin cụ thể của từng chương trình, sẽ được cập nhật trên trang tranquithanh.com; cho những người thật sự cần và thật sự muốn từ đây, có một bệ đỡ cho mình, về tinh thần, để khởi nghiệp.

TT/ Báo Tin Tức

Link bài: ‘Chuyện nhà Dr. Thanh’ lan dài những hy vọng 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

0 Comments

  • · Edit

    Rất hay, rất cô đọng, rất chân thực "Chuyện nhà D.R Thanh" đã thể hiện được khá rõ nét về một gia tộc kinh doanh thành đạt và có đẳng cấp. Tôi là người khá kỹ khi nghe âm nhạc, cách thể hiện lời ca trong nhạc phẩm của ca sĩ cũng như cách hành văn và dùng từ trong các cuốn truyện, các bài thơ. Tôi đã đọc xong hai lần cuốn sách "Chuyện nhà D.r Thanh", càng đọc, càng thấy thấm thía, nhưng trên hết chỉ có những ai đã làm việc trực tiếp trong THP thì lại càng thấy sống động hơn.
    Cách hành văn tự sự ngắn gọn, khúc chiết không hoa mỹ mà súc tích thể hiện toát ra được điều mà tác giả muốn gửi gắm vào đó.
    Các chương đều phân tích rõ và làm nổi bật đầy đủ tính chất, hoàn cảnh xảy ra, sự việc sẽ đến và đã đến. Lời văn giản dị, chân thành, khắc họa được chân dung nhân vật và hoàn cảnh của các vấn đề.
    Nếu đẩy cao mâu thuẩn của các xung đột lên đến đỉnh điểm nữa thì theo tôi sẽ rất thú vị.
    Cách giải quyết mâu thuẩn về các vấn đề rất ôn hòa, có hậu, thể hiện được tính bao dung, vị tha, tính quân tử của những doanh nhân thành đạt. Tôi chỉ minh chứng hai ví dụ thôi: Một là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai người bác của D.R Thanh khi xưa đã gây ra nhiều sóng gió đến mức "tày trời" với cha con ông "Tám Hiệp Phát". Họ vẫn trở lại thăm nom, hỏi han người em đã là có hậu. Hai bên gặp gỡ hỏi han nhưng không tỏ ra thân thiện hay vồ vập, đó mới là đúng cho yếu tố tâm lý và diễn biến trong lòng mỗi người. Vừa thể hiện sự mừng vui khi gặp lại nhau vừa có chút ân hận, ngại ngùng vì khi xưa tưởng như không còn thân thuộc, máu mủ mặc dù họ đều sinh ra từ một người mẹ tài giỏi đã quá cố. Cách giải quyết khá là đúng đắn và thâm hậu, đó là cái hay của cuốn truyện. Hai là: Khi bị Ngân hàng xây dựng mà ông Phạm Công Danh là người gây ra thất thoát 5.190 tỷ vnd cho THP, ai cũng lo lắng thì Madam Nụ khi đó đang điều trị bệnh tại Nhật, bệnh tình "cẩn tử, nhất sinh", tôn kém không nhỏ mà vẫn có câu động viên chồng con là " mình làm lại được mà, đừng quá bận tâm". Tôi quá ngưỡng mộ. Ở đây tôi muốn nói là tại sao một người phụ nữ đang trong tình trạng bệnh tình có thể không qua khỏi, rất nguy hiểm mà có cả một nghị lực, một niềm tin về sự thắng lợi quá lớn lao như vậy dám chấp nhận mất đi cả một tài sản đồ sộ đó để chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn. Chỉ có đó là một người quá giỏi về quản trị, quá giàu về kinh nghiệm, và một sự tự tin mãnh liệt vào chính nghĩa trong kinh doanh mới làm được điều đó. Câu nói này cũng được thể hiện ngay sau đó là bệnh tình của chị cũng thuyên giảm đáng kể, nhà máy THP Chu Lai khánh thành đúng tiến độ trong khi mọi người nghỉ đó là mơ. Đúng là “không gì là không thể”. Tôi chỉ đưa ra hai ví dụ để nói lên cách giải quyết vấn đề của cuốn truyện.
    Cái chương tuổi thơ dữ dội thật súc tích, đúng tính cách của một "đại ca" chuyên làm thủ lĩnh, chưa làm em ai bao giờ. Lứa tuổi học trò đã bay nhảy thật nhiều trường từ chỗ "xóa dốt, giảm ngu" đến khi thi thố làm bài tập với các bạn bè cho đến khi đậu tú tài rồi đậu luôn cái đại học bách khoa thời đó, quá siêu đúng là cả một sự vượt khó và đấu tranh tâm lý rất dữ dội. Tôi cũng thích cái tính giang hồ nghĩa hiệp này. Đồng thời tôi cũng rất bái phục ông thầy "bất đắc dĩ" Nguyễn Văn Tư kia họ là những người bạn sắt son đầy nghĩa khí. Ông D.r Thanh mang trong mình dòng máu kết hợp ba, má ông đều là những người tài giỏi trong kinh doanh, cương quyết trong xử lý và rất nghĩa hiệp. Đúng là "không gì là không thể".
    Riêng tôi khi đọc xong cuốn chuyện đến hai lần, tôi thành thật xin lỗi tác giả và các nhân vật, tôi con băn khoăn vài điều mà tôi nghĩ là không nhỏ. Tôi xin chân thành góp ý: Thứ nhất câu chuyện chưa nói hết được cái năng lực tiềm ẩn bên trong con người phụ nữ Madam Nụ, đúng ra phải viết thật nhiều về chị hơn nữa, bởi vì theo tôi mới chỉ vài thể hiện trong cái chương "má tôi" như vậy thì chưa thể có THP được như bây giờ trong khi người phụ nữ này lại là phó chủ tướng, là hậu thuẫn, là pháo đài vững chắc để cho ông tay chơi D.R Thanh thể hiện sự đam mê của mình trong kinh doanh và làm nên một thương hiệu Việt Nam hoàn tòa là Tân Hiệp Phát như bây giờ. Các câu chuyện hồi chị trồng mía, khai phá đất hoang ở Tây ninh, hay chuyện trông con cái nhờ người ta làm việc hộ, hay chuyện buôn bán, làm việc vượt quá sức phụ nữ, những chuyện về từ thiện, công tác xã hội đầy nhân văn, đạo nghĩa của chị v.v… còn ẩn đi đâu chưa thể hiện hết về Madam này. Thứ hai là nên bổ sung nhiều câu chuyện về hai người em của tác giả là Trần Ngọc Bích và Trần Quí Dũng cho xứng tầm của tập đoàn Tân Hiệp Phát. Mặt khác có một nhân vất thực sự đã đồng hành theo năm tháng cùng Number one (No.1) đó là anh Thanh bảo trì (hay gọi là Thanh nhỏ), đó là con người cũng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của THP. Nếu có tái bản lần sau thì nên chăng viết nhiều thêm về ba nhân vật thực tại trên cho cuốn chuyện thêm phong phú và đầy đủ hơn.
    Tôi thật vui khi tôi nói đúng suy nghĩ và tâm trạng của mình sau khi đọc xong cuốn chuyện. Tôi mạo muội viết lên vài nhận xét như vậy rất mang tính gia đình và bạn bè, đó cũng là thể hiện sự ngưỡng mộ của tôi đối với tác giả, với các nhân vật có thật trong cuốn truyện. Họ đã tạo điều kiện cho tôi qua một quãng thời gian không dài lắm (4 năm thôi) nhưng cũng đủ phần nào trong nhiều mặt cho con đường sự nghiệp của mình. Sau này tôi có thêm cuốn sách gối đầu giường, có đại ca D.R Thanh, Madam Nụ, Nguyễn Văn Tư, tác giả và những nhân vật liên quan trong THP họ luôn nói cười và nhắn nhủ tôi trong cuộc sống của mình. Có thể tôi còn có cơ hội được trở lại làm việc nơi đây hoặc là tạm biệt Tân Hiệp Phát mãi mãi đi chăng nữa thì cuộc đời tôi cũng thật vinh dự có cả khoảng thời gian bốn năm sự nghiệp ở nơi này, qua nhiều vị trí. Mà tôi cũng thật vui khi hiệu quả mình mang lại dù không lớn nhưng các việc đều trong thời kỳ bước ngoặt phát triển của THP.
    Hẹn gặp lại mọi người, tôi kính chào trân trọng
    Phạm Danh Huynh

    Reply

Bình luận

Required fields are marked *