Bạo lực trong xã hội và bạo lực trên mạng xã hội

Trần Quí Thanh
 


Nguồn ảnh: Internet

 
Mấy ngày nay đọc báo thấy ăn ngủ mất ngon vì quá nhiều tin bạo lực.  Thanh niên phang nhau đến bay đầu, chồng đâm vợ chết trước mặt hai con trai, PGS bác sĩ đập vỡ kính chắn gió và kính chiếu hậu ô tô vì dám đậu cản đường vào nhà…Từ côn đồ đến trí thức, nóng máu lên là sử dụng bạo lực.
 
Theo Báo Lao Động, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 20.595 vụ vi phạm trật tự xã hội với 42.785 đối tượng bị bắt và xử lý. Những con số kinh hoàng này tố cáo chúng ta đang sống quá xa với tiêu chí của một xã hội công bằng, văn minh.
 
Có nhiều ý kiến nhận định, các lễ hội đâm trâu, chém lợn, chọi trâu tràn lan đã kích thích máu bạo lực chém giết trọng cộng đồng. Tui thấy nhận định này chưa thuyết phục, bởi vì các lễ hội đó có từ lâu, nhưng trước đây dân mình có bạo lực như ngày nay đâu. Các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội nên có cách tiếp cận mới, để tìm ra câu trả lời chính xác. Không chẩn đúng bệnh làm sao điều trị hiệu quả.
 


Nguồn: Internet

 
Ngoài hệ thống trường học các cấp, chúng ta có nhiều đoàn thể, tổ chức hội để giáo dục thanh thiếu niên, các tổ chức đó đã thực sự mang lại kết quả gì?
 
Sự phân hoá giàu nghèo sâu sắc hiện nay có là nguồn cơn sinh ra bạo lực.
 
Hay là chúng ta đang có vấn đề về xây dựng các giá trị gia đình, có sự đổ vỡ trong cấu trúc tế bào xã hội cực kỳ quan trọng này?
 
Tui không phải là chuyên gia xã hội học để thực hiện một công trình nghiên cứu, nhưng với kinh nghiệm bản thân, từ nhỏ phải sống trong trại mồ côi, cho nên tui có sự trải nghiệm để hiểu được sự phát triển nhân cách và biến đổi tâm lý tiêu cực của một con người như thế nào khi thiếu vắng tình thương yêu và sự chăm sóc của gia đình.
 
Tui rất mong các nhà quản lý văn hoá và các nhà giáo dục quan tâm, đây thực sự là mối lo chung đối với đất nước, không phải là cảm xúc nhất thời của một cá nhân.
 
Tui muốn bàn rộng hơn về vấn đề bạo lực và tâm lý bạo lực ở một khía cạnh khác. Những thông tin chém giết hằng ngày đó chỉ phản ánh một phần của bạo lực. Ngành công an chỉ thống kê số lượng vụ vi phạm trật tự trị an, nhưng còn thứ bạo lực không đao kiếm vẫn thường xảy ra, vẫn tấn công con người gây tổn thương, chấn thương tâm lý nặng nề, đó là những đòn bạo lực trên các kênh truyền thông, mạng xã hội.
 
Người ta hả hê tấn công, vu cáo, ném đá, đánh hội đồng người khác, người ta say sưa vùi dập một cá nhân, đối tượng, một doanh nghiệp chỉ vì một thông tin dựng đứng. Đó cũng là hành động sinh ra từ tâm lý bạo lực.
 
Điều trị chứng bạo lực không chỉ hạn chế tình trạng đâm chém trên đường phố, mà sâu xa bền vững hơn chính là xây dựng một tinh thần nhân văn trong xã hội.
 
Khi nào con người ta nhìn cuộc sống với thái độ tích cực, nhân ái, thứ tha thì khi ấy xã hội Việt Nam mới thực sự đạt được đỉnh cao văn minh như mong muốn.
 
Link bài: Vụ chém người kinh hoàng ở Vĩnh Phúc và viên đá trên kính ôtô

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *