Nguồn: Internet
Anh Thanh mến (và nhớ!)
Em Minh Hoà, “gian thương” Nha Trang nè anh. Em đã kiến diện anh hồi anh ra xem thi hoa hậu. Chắc anh quên rồi. Em được con cháu chỉ cho blog của anh. Đọc thấy vui, tự nhiên có nhu cầu tâm sự.
Anh ui, tình hình nhiều doanh nghiệp người Việt mình “bán mình” cho doanh nghiệp nước ngoài là sao anh. Có phải vì doanh nhân Việt chán kinh doanh không anh?
Hỏi anh câu này, nếu anh hồi âm, thư sau sẽ viết dài hơn.
Mạnh giỏi nghen anh
Thái Thị Minh Hoà (Nha Trang): thaiminha2007@gmail.com
—–
Chào Minh Hoà
Lâu rồi không gặp em, dạo này làm ăn thế nào mà lại quan tâm đến lĩnh vực M&A (Mergers và Accquisitions – Mua lại/thâu tóm) vậy em. Chuyện này không phải mới xảy ra, cái thời mà Coca Cola nuốt chửng Chương Dương giới doanh nghiệp ai cũng biết, nhưng loại hình hợp tác rồi thâu tóm đó chỉ là một phần của hoạt động dành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp mà thôi.
Thời nay việc mua bán hoặc thâu tóm đa dạng hơn, tùy thuộc vào tình trạng hoặc chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Anh không khẳng định doanh nghiệp Việt chán kinh doanh, “bán mình” cho các ông chủ nước ngoài, nghĩ như thế tiêu cực quá.
Tạm thời anh chia ra ba lý do, trao đổi xem em nghe có lọt tai không nha. Thứ nhất là một số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu khá vững vàng, nhưng đã đụng nóc so với năng lực vốn và khả năng quản trị của mình. Nếu muốn mở rộng hơn, đi xa hơn, không chỉ chinh phục thị trường trong nước và còn vượt biên giới, thì cần có sự hợp tác với các tập đoàn mạnh cùng lĩnh vực ở nước ngoài. Sự hợp tác này trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, các nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt được chi phí và tránh được thủ tục hành chính, còn doanh nghiệp Việt Nam không những mở rộng được thị trường, chia sẻ lợi nhuận, mà còn khai thác ở đối tác kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, rất có lợi cho lực lượng cán bộ và nhân viên người Việt. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng cho xã hội trong tương lai.
Thứ hai, quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp luôn có sự chọn lọc và đào thải, hiểu theo nghĩa tích cực là sự thay đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và năng lực của bản thân, cũng giống như quá trình của chọn lọc tự nhiên vậy. Một số doanh nghiệp phát triển nhanh, có tích lũy tài sản vật chất và tài sản thương hiệu, nhưng năng lực khai thác kinh doanh đến mức giới hạn, đang dịch chuyển theo hướng hình sin chiều xuống, vậy là họ có quyết định thực hiện thương vụ M&A để có nguồn vốn dầu tư kinh doanh sang một lĩnh vực khác. Mục đích của doanh nhân, doanh nghiệp là làm sao để mang lại lợi nhuận, còn mô hình nào không quan trọng, “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”.
Cuối cùng là những người có cách nhìn cuộc sống theo quan điểm của họ, xây dựng doanh nghiệp có thương hiệu, mở rộng được thị trường, nhưng không muốn tiếp tục nữa. Họ bán lại doanh nghiệp, ôm một cục tiền bự, chỉ để lại một số cổ phần trong công ty. Họ dành thời gian đi du lịch, hưởng thụ, tiêu tiền cho nó sướng. Đó cũng là cách lựa chọn, chúng ta cần tôn trọng quyết định của mọi người, xã hội có người này kẻ khác, có gì đâu mà lạ phải không em.
Ngoài những doanh nghiệp tham gia thương vụ M&A, Việt Nam còn có những doanh nghiệp độc lập chơi tới bến, quyết tâm xây dựng thương hiệu quốc gia, trong đó có Tân Hiệp Phát. Lựa chọn này cũng là cách thức thời của một trang tuấn kiệt.
Vậy nhe em, chúc khoẻ.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)