Ngọc Đồng / Tuổi trẻ
Nghiện Phây dễ bị mắc bệnh trầm cảm – Ảnh: HỮU KHOA
“Đã có nhiều trường hợp bị tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần, trầm cảm được xác định có sử dụng Facebook (Face, Phây) với tần suất cao.” Nghe dễ sợ. Cái gì nghiện ngập đều không hay, nghiện Phây chẳng nhưng không hay mà còn nguy hiểm. Thấy rõ người già dễ mù, trẻ con dễ trầm cảm. Tham gia mạng xã hội rất có lợi cho bản thân, có ích cho xã hội. Nhưng nghiện ngập thì vừa hại bản thân vừa hại xã hội.
Trần Quí Thanh
Nếu như bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Face mà không thành công, cảm thấy bồn chồn nếu như bị cấm lên Face, hoặc dùng nhiều đến nỗi bị ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, công việc… thì rất có thể bạn đã nghiện!
Co giật vì không được vào Face
Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tổ chức buổi hội thảo báo chí về nghiện Face vào chiều 21-7 sau khi có nhiều trường hợp bị tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần, trầm cảm điều trị tại viện này trong thời gian gần đây được xác định có sử dụng Face với tần suất cao.
Sau khi điều trị thành công bệnh lý tâm thần, người bệnh đã hết nghiện Face.
Theo các bác sĩ, hiện nay chưa có bệnh nào được gọi là nghiện Face nên không có thuốc để điều trị, việc điều trị vẫn chủ yếu là liệu pháp tâm lý và điều trị các dấu hiệu bệnh lý tâm thần đi kèm (nếu có).
Ông Nguyễn Doãn Phương, viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cách đây ba tháng, bệnh viện đã điều trị một bệnh nhi nam (14 tuổi, ở Hà Nội) có cơn co giật phân ly do bị cha mẹ tịch thu điện thoại, không cho vào mạng.
Gia đình cho biết một thời gian dài em đã sử dụng điện thoại để vào Face khoảng 10 tiếng/ngày. Cứ mỗi lần đi học về, em đều chui lên phòng chơi Face mà không để ý đến xung quanh dẫn đến học hành sa sút, rối loạn thời gian ăn ngủ… Khi bị tịch thu điện thoại, em trở lên thu mình và lên những cơn co giật thường xuyên.
Khi đến viện thăm khám, em được xác định bị rối loạn phân ly, có ảo thanh xui khiến phải chơi Face thường xuyên.
Sau khi được điều trị hết tình trạng trên đồng thời em cũng hết nghiện Face.
Nghiện Face liên quan… tự ti
ThS Lê Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, kể từng có một sinh viên khoảng 20 tuổi học tại trường đại học lớn ở Hà Nội nghiện mạng xã hội, Internet nói chung phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm. Hậu quả của nghiện Face khiến người bệnh mất ngủ, gây ra trầm cảm hay ngược lại.
Vấn đề này cũng tạo nên một “vòng xoắn”, vì khi lạm dụng Face khiến người ta không quan tâm cuộc sống thực mà chỉ quan tâm đến thế giới ảo, rối loạn ăn uống, giấc ngủ… làm trầm trọng thêm các dấu hiệu về tâm thần.
Theo BS Hà, qua thăm khám lâm sàng, qua nhiều nghiên cứu, dường như có mối liên quan giữa tính cách trầm cảm, tự ti đối với nghiện Face.
Nguyên nhân là do những người có tính cách như vậy thường tìm đến Face như một nơi để thể hiện bản thân trong khi không dám thể hiện ở ngoài đời thực và thường có xu hướng dùng Face với tần suất cao.
Nhưng ở chiều ngược lại, Face là mạng mở, là nơi chia sẻ nên thu hút cả những người có tính cách hướng ngoại.
Theo đánh giá của BS Phương, người nghiện Facebook thường ở lứa tuổi trẻ như học sinh, sinh viên do nhóm này tâm sinh lý chưa thực sự ổn định, dễ bị lôi cuốn, xao động trong khi chưa phải lo toan cuộc sống nên có nhiều thời gian “rảnh”.
Làm sao cai nghiện?
Theo các bác sĩ, hiện chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng Face nhưng khi sử dụng Face hằng ngày, thường xuyên mà không có mạng hoặc bị ngăn cấm thì có cảm giác bồn chồn, khó chịu, hoặc vào Face mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi đang làm việc, đang học và việc sử dụng Face ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập… thì nên dừng lại.
Theo BS Hà, hệ lụy của chứng nghiện Face là khiến cho người dùng mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do sống “ảo”, hiệu suất công việc hay học tập giảm, có thể dẫn đến sử dụng chất nghiện, chất kích thích…
Tuy nhiên, nghiện Face có các biểu hiện chung giống như các dạng nghiện hành vi khác nên không dễ từ bỏ ngay mà cần phải từ từ, cắt giảm, điều chỉnh từng chút một.
Có thể lên lịch hoạt động cụ thể trong ngày, tuân thủ lịch hoạt động đó. Trong đó, quy định số giờ sử dụng Face trong ngày, ghi lại số giờ mình sử dụng trong ngày để kiểm soát.
Nếu như thấy việc cắt giảm Face khó khăn có thể đóng tài khoản, xóa tài khoản, tìm đến những hoạt động khác lấp đầy thời gian trống.
(Xem tiếp>>>)
Link bài: Nghiện Phây ảnh hưởng thần kinh