Chẳng lẽ doanh nghiệp chịu ôm hàng tồn vì không thể khuyến mãi vượt trần quy định?

Trần Quí Thanh


Việc đặt ra quy định khống chế khuyến mãi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh:  TÚ UYÊN

Nghị định 37/2006 về hoạt động xúc tiến thương mại ban hành 10 năm qua, có nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, cụ thể là quy định khuyến mãi với hạn mức tối đa chỉ 50%.

Doanh nghiệp có quyền tự quyết về hoạt động kinh doanh của mình, trong đó có hoạt động khuyến mãi. Có những mặt hàng không bán được, tồn kho, doanh nghiệp cần giải phóng, thu hồi vốn để đầu tư vào mặt hàng khác, đây là việc hết sức bình thường.

Đối với các mặt hàng có tuổi thọ rất ngắn như hàng may mặc, “hót” theo mùa. Hết mùa thời trang là rất khó bán, vì vậy doanh nghiệp phải hạ giá, hạ đến khi nào bán hết sản phẩm cũ thì thôi. Họ cần thu hồi vốn để đầu tư thiết kế mẫu mã mới, cho ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.  Nếu bị giới hạn mức 50%, doanh nghiệp không xử lý được hàng tồn kho, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chẳng lẽ doanh nghiệp chịu ôm hàng tồn vì không thể khuyến mãi vượt trần quy định.

Hoạt động kinh doanh không phải khi nào cũng suôn sẻ, mà gặp những thất bại khi cho ra một sản phẩm không ăn khách. Doanh nghiệp không thể tiếp tục theo đuổi mặt hàng đó, phải tìm cách giải phóng để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới, thì việc hạ giá đến mức nào là quyền của doanh nghiệp, đó là tiền bạc, là kế hoạch kinh doanh của họ, không thể ngăn cấm.

Nền kinh tế thị trường có những nguyên tắc bắt buộc doanh nghiệp phải tuân theo, không thể duy ý chí, do đó  không thể có mức nào giới hạn để bắt buộc thị trường phải tuân theo giá cả do doanh nghiệp đặt ra, vì vậy, quy định khuyến mãi mức 50% là đi ngược lại với quy luật của thị trường.

Nghị thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 37 có thay đổi, đó là thương nhân có thể giảm giá tối đa 70% trong các trường hợp khuyến mãi theo các chương trình tập trung (tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, tuần lễ khuyến mãi, ngày khuyến mãi…) do Nhà nước chủ trì tổ chức hoặc khuyến mãi theo các chương trình xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định. Nhưng đối với các trường hợp khuyến mãi khác vẫn duy trì hạn mức tối đa là 50% như hiện nay.

Đồng ý nhà nước phải có công cụ để quản lý, ngăn chặn những trường hợp dùng các chiêu khuyến mãi để cạnh tranh không lành mạnh, đó cũng là cách để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, hãy cứ đưa ra những quy định cấm những điều doanh nghiệp không được làm, còn lại hãy để cho doanh nghiệp tự quyết tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân.

Tui đồng ý với ý kiến của luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, đó là cần bổ sung thêm nhiều trường hợp khuyến mãi chứ không nên cố định vài hình thức. Mặt khác, chỉ nên đưa ra những trường hợp khuyến mãi bị cấm, còn doanh nghiệp được tự do khuyến mãi với nhiều hình thức.

Sài Gòn 5/8/2017

TQT

Link bài: Muốn bán hàng rẻ cũng không được

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *