Khởi nghiệp ngay khi mới bước vào làm thuê


Nguồn: Internet

 
Kính gửi bác Trần Quí Thanh,
 
Nhóm Moto Startup của chúng cháu kết bạn với nhau để giúp đỡ nhau lập nghiệp. Câu hỏi đặt ra là: Những điều kiện nào để startup thành công? Chúng cháu tranh luận rất nhiều vẫn chưa ngã ngũ. Rất mong được bác chỉ giáo ạ.
 
Kính bác
 
Moto Startup (Sài Gòn): motostartup2017@gmail.com

—–
 
Nhóm Moto Startup thân mến,
 
Hiện nay bác thấy có nhiều người nói về khởi nghiệp, hình như trở thành phong trào. Thế cũng tốt, nhưng trong phong trào ồn ào đó ít nhất cũng có vài nhân tố thành công, chỉ phong trào thôi chán lắm.
 
Bác đã nói chuyện với sinh viên nhiều lần về đề tài khởi nghiệp, và nhấn mạnh một điều rất cơ bản, không phải cứ ra mở một công ty hay cơ sở kinh doanh là khởi nghiệp. Chính vì cách nghĩ này mà nhiều bạn trẻ cứ hay lên mạng hỏi, “tôi có ý tưởng này, tôi có ý tưởng kia nhưng tôi thiếu vốn, làm cách nào để tôi có vốn khởi nghiệp đây?”.
 
Khởi nghiệp ngay từ khi mình bước vào làm thuê. Làm một nhân viên cho một công ty, bắt đầu từ ngày đầu tiên chập chững, nếu có ý thức học tập, rèn luyện, tích lũy thì đó đã là khởi nghiệp.
 
Sở học có được từ nhà trường là vốn liếng ban đầu sẽ giúp tiếp cận công việc nhưng chưa đủ, mà phải học thêm từ quá trình làm việc. Học từ quy chế quản lý điều hành của doanh nghiệp, học từ sự hướng dẫn của sếp, học từ sự giúp đỡ của đồng nghiệp. Người có chí lớn, nhìn xa trông rộng sẽ ghi lại, hệ thống thành các bài học kinh nghiệm, để sau này khi có cơ hội, sẽ tham khảo để xây dựng mô hình quản trị cho riêng mình.
 
Thế giới không đứng yên cho nên khoa học về quản trị cũng thay đổi, vì thế các cháu phải tiếp tục tìm tòi các tài liệu, giáo trình về quản lý hoặc kiến thức liên khác quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình để  nghiên cứu, ghi danh theo học các khóa đào tạo chuyên đề để cập nhật kiến thức, kỹ năng. Không học sẽ lạc hậu,  về sau khi làm chủ doanh nghiệp, sẽ mất khả năng kiểm soát khi doanh nghiệp phát triển tầm quốc gia, thậm chí quốc tế.
 
Muốn đi xa, trở thành doanh nghiệp lớn, ông chủ lớn, không thể không có tầm nhìn lớn và cái tâm lớn. Đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội không thể xây dựng trên nền tảng của lừa gạt, gian dối, lưu manh, mà phải từ một cá nhân có tâm đức. Tâm đức càng dày thì nền móng càng sâu càng vững, lúc đó mới xây dựng được lâu đài, vương quốc, đế chế. Ngược lại chỉ xây được lâu đài trên cát mà thôi.
 
Các cháu thấy đó, Bill Gates đã xây được đế chế như thế nào, và ông ấy là đại diện cho một trong những nhà khởi nghiệp có tâm đức lớn mang tầm nhân loại.
 
Xã hội luôn vận động vì thế không có chiến lược kinh doanh nào bất biến. Cho nên những bước đầu tiên của quá trình khởi nghiệp sẽ phải thay đổi theo sự biến chuyển của xã hội, có khi rất đột ngột. Những ai không có những dự cảm tốt về sự thay đổi đường hướng kinh doanh phù hợp, thì sẽ bị đào thải khỏi thương trường. Ví dụ, cũng trong cùng lĩnh vực sản xuất, thế giới đã có những dây chuyền công nghệ mới, mình vẫn ôm cái máy cũ mèm để sản xuất thì sản phẩm đó không thể cạnh tranh được.
 
Nhà khởi nghiệp có tâm và có tầm là phải biết tạo ra giá trị cho khách hàng, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng hoặc hơn kỳ vọng của họ. Nếu như chỉ biết thu lợi mà không mang lại giá trị cho khách hàng thì coi như tự chặn con đường tiến lên của mình. Bác xin lấy ví dụ, sản phẩm nước uống của Tân Hiệp Phát dứt khoát phải đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khỏe cho người sử dụng, vì vậy Tân Hiệp Phát mới được bà con ủng hộ.
 
Cuối cùng, bác đã đọc đâu đó, một tỉ phú từng nói, muốn thành công thì phải làm việc chăm chỉ và đừng quên bỏ tiền vào đầy túi của các cộng sự của mình.
 
Chúc nhóm các cháu ai cũng có tiền đầy túi.
 
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
 
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *