Công bằng nhất là trả lương tương xứng với năng lực của người lao động

Trần Quí Thanh

Theo báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu, lương tối thiểu ở Việt Nam tăng nhanh qua các năm nhưng năng suất lao động thì không được cải thiện đáng kể. (Theo báo Dân trí)

………………..
Thưa anh,
Về việc tăng lương tối thiểu có nhiều ý kiến khác nhau. Trong hơn 10 năm (2004 – 2015), lương tối thiểu của Việt Nam tăng gấp 2 lần, trong khi năng suất lao động không được cải thiện đáng kể, gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã nói: “Nghịch lý ở Việt Nam: Lương tối thiểu tăng ‘thả phanh’, năng suất lao động vẫn chậm như  “rùa bò”, em thấy rất đúng. Em muốn biết ý kiến của anh về vấn đề này?
Chúc anh mạnh giỏi dài dài.

Kính.

Lê Đức Đạt (Nha Trang): duc_dat 1959@gmail.com

—–

Anh Lê Đức Đạt thân mến!

Tui là chủ doanh nghiệp, cho nên ý kiến của tui dễ bị hiểu nhầm rằng đó là tiếng nói để bảo vệ doanh nghiệp, không phải bảo vệ người lao động. Nhưng tui cũng trình bày quan điểm của mình trên tinh thần khách quan nhất, tìm được sự đồng thuận của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Tất cả mọi sự vận hành đều phải tuân theo quy luật, trái quy luật tất sẽ bị loại trừ, là không thể tồn tại. Ở đây có một sự trái quy luật, lương tối thiểu tăng cao hơn mức năng suất lao động. Các cơ quan nghiên cứu chỉ ra, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam chỉ đạt 4,4%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình lại đạt 5,8%. Trong lúc các nước trong khu vực như Indonesia, tăng năng suất lao động 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%. Các nước Singapore, Philippines, Trung Quốc đều có tỉ lệ tăng lương thấp hơn tăng năng suất lao động.

Quy luật là ở chỗ, lương sao có thể nhận cao hơn giá trị mà mình làm ra? Vậy thì doanh nghiệp không thể tồn tại, hoặc không thể có tích luỹ để phát triển dản xuất, đầu tư công nghệ để nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao hơn. Doanh nghiệp không chỉ có nghĩa vụ trả lương cho người lao động, mà có trách nhiệm với xã hội, với đất nước. Một trong những trách nhiệm đó là đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, và để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có nguồn tài chính đủ để đầu tư vào các dự án mới.

Bắt doanh nghiệp trả lương tối thiểu cho người lao động mặc dù họ không làm đạt năng suất để hưởng mức lương đó, nhưng liệu luật có điều chỉnh hết các đối tượng lao động không?

Tui lấy ví dụ nhé, nếu như người lao động tự do hoặc mở cơ sở sản xuất gia đình, nếu năng suất lao động thấp, thì tiền mà họ thu được chỉ bằng với năng suất của họ, không thể cao hơn. Một công nhân may 20 chiếc áo/ngày khác với công nhân may 5-10 áo/ngày. Còn lao động tự do, một anh xe ôm grab mở máy liên lạc với tổng đài để nhận khách suốt ngày không nghỉ thì thu nhập cao hơn anh chỉ chạy vài cuốc là tắt mạng đi uống cà phê, tối đi nhậu chứ. Vậy thì ai sẽ trả lương theo mức tối thiểu cho những người lao động tự do này?

Nhưng nếu họ đi làm cho doanh nghiệp, thì dù năng suất thấp, luật vẫn ép buộc doanh nghiệp trả cao hơn thực chất giá trị lao động. Cho nên, cách áp dụng này không chỉ không công bằng với doanh nghiệp, mà không công bằng đối với lực lượng lao động ở các khu vực khác nhau.

Công bằng nhất là người lao động được trả công tương xứng với năng lực, năng suất lao động của người lao động.

Cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để có chính sách phù hợp, đó là cách bảo vệ người lao động lâu dài và bền vững. Và đó cũng là bảo vệ nền kinh tế của đất nước.

Ý kiến của tui là vậy đó anh Đạt ạ.

Chúc anh vui khoẻ.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *