Để chính phủ điện tử không chỉ là giấc mơ

Phan Thị Ngọc Thắng / TBKTSG

Nguồn: internet

……………………………….

“Chính phủ Điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để các cơ quan của Chính quyền từ trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.” (Theo Wikipedia). Bất kì doanh nghiệp nào cũng sợ phải xây dựng trên môi trường quan liêu mệnh lênh. Vì thế  đây là chính phủ mơ ước của các doanh nghiệp. Mong sao giấc mơ lớn này trở thành hiện thực.

Trần Quí Thanh

………………….

 

Chính phủ muốn xây dựng một chính phủ điện tử, doanh nghiệp mơ ước được thực hiện thủ tục hành chính bằng một cú nhấp chuột. Chính phủ và doanh nghiệp đang ở đâu trên con đường này?

Chính phủ đã đi được nhiều bước trên chặng đường

Năm 2000, Chính phủ ký kết Hiệp định khung E-ASEAN cam kết xây dựng Chính phủ điện tử. Từ đó đến nay, đã rất nhiều nghị quyết của Chính phủ và nhiều văn bản quy định về dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay dịch vụ công trực tuyến được chia thành bốn mức độ. Mức độ 1: cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó. Mức độ 2 là dịch vụ mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 3 là dịch vụ mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 4 là dịch vụ mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử ngày 14-10-2015 lấy mốc 1-1-2017 cho nhiều mục tiêu để thực hiện Chính phủ điện tử. Cho đến thời điểm này, nhiều bộ đã ban hành văn bản quy định về dịch vụ công trực tuyến của riêng mình. Các bộ và nhiều tỉnh, thành đã vận hành trang web dịch vụ công trực tuyến. Nhiều sở, cơ quan hành chính khác cũng đã triển khai thủ tục hành chính công trực tuyến, trong đó phân cấp các thủ tục hành chính theo từng cấp độ khác nhau.

Phía Nhà nước đã từng bước một tạo ra những cổng giao dịch trực tuyến. Bước đi có chậm nhưng đang dần tiến về phía trước. Tuy nhiên một thực tế phát sinh là các trang web vẫn đang chạy ì ạch và còn trong tình trạng thử nghiệm khiến cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến gặp nhiều bất tiện. Một phiền phức khác là có nhiều trang web na ná liên quan đến thủ tục hành chính khiến cho người dùng cảm thấy rất bối rối khi truy cập.

 

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng được. Một mình Nhà nước không thể độc hành xây dựng nên Chính phủ điện tử được. Một mình doanh nghiệp không thể thực hiện được giấc mơ cú nhấp chuột thần thánh để thực hiện các thủ tục hành chính được.

Doanh nghiệp đứng ở đâu trên chặng đường này?

Với những thủ tục hành chính đơn giản, các cơ quan nên áp dụng ngay dịch vụ mức độ 4 để doanh nghiệp thấy được những bước tiến trên con đường xây dựng Chính phủ điện tử. Trong ảnh: Doanh nghiệp là thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: QUỐC HÙNG

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực tạo ra các trang web dịch vụ công trực tuyến, việc khai trương các trang web này cũng được báo chí đưa tin nhưng dường như thông tin này chưa đến được nhiều doanh nghiệp. Đâu đó vẫn còn thấy tình trạng việc Nhà nước thì Nhà nước làm, việc doanh nghiệp thì doanh nghiệp làm. Nhà nước nỗ lực để tạo ra một chính phủ điện tử mang đến tiện lợi cho doanh nghiệp với hy vọng giảm bớt chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng một chính phủ điện tử để được thực hiện các thủ tục hành chính bằng cái nhấp chuột. Hai bên cùng chung một mục tiêu nhưng dường như đang đi trên hai đường thẳng song song.

Về phía Nhà nước, đôi khi vì không có tương tác từ phía doanh nghiệp mà cảm thấy mọi nỗ lực của mình như dã tràng xe cát. Phía doanh nghiệp truy cập vào trang web thấy không được như ý thì tự ghim cho mình một định kiến là web chỉ để là web chứ không phải để tương tác, hoạt động. Rồi từ đó, doanh nghiệp không còn kỳ vọng vào Chính phủ điện tử và quên đi khái niệm Chính phủ điện tử mà chọn cho mình con đường an toàn nhất là thực hiện thủ tục theo truyền thống.

Tại sao lại có lệch pha như thế này? Nhà nước hay doanh nghiệp đều tìm những lý do cho riêng mình. Một điều rất quan trọng là cần tuyên truyền cho mỗi doanh nghiệp biết về Chính phủ điện tử và nỗ lực tương tác trên các trang web. Nhiều ý kiến cho rằng không thể xây dựng được Chính phủ điện tử trên nền tảng thực tế như hiện nay vì rất nhiều yếu kém. Nhiều ý kiến lại ngại sự đình trệ công việc khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến như hiện nay. Nếu những ý kiến như vậy còn tồn tại thì Chính phủ điện tử mãi mãi chỉ là giấc mơ của cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không tương tác, phối hợp với Nhà nước sẽ không giúp cho hệ thống website vận hành thông suốt được. Nó như cỗ máy, cần được vận hành để thấy khiếm khuyết mà điều chỉnh để ngày một hoàn thiện. Nếu cứ để nó nằm yên như thế thì sẽ trở thành hoang phế rồi chết yểu. Như vậy, bao nhiêu ngân sách đổ vào đó sẽ trở thành vô nghĩa, lãng phí. Ngân sách đó cũng là một phần đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chung tay khởi động “cỗ máy” này thì cũng tựa như tự tay mình bỏ đi những đồng tiền quý giá do mình vất vả kiếm được.

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng được. Một mình Nhà nước không thể độc hành xây dựng nên Chính phủ điện tử được. Một mình doanh nghiệp không thể thực hiện được giấc mơ cú nhấp chuột thần thánh để thực hiện các thủ tục hành chính được.

Trong khi Chính phủ điện tử đang dò dẫm đi từng bước một thì Nhà nước, doanh nghiệp cần cùng nhau đi những bước đơn giản nhất rồi bước những bước phức tạp hơn để đến ngày có thể đi nhanh hơn. Với những thủ tục hành chính đơn giản, các cơ quan nên áp dụng ngay dịch vụ mức độ 4 để doanh nghiệp thấy được những bước tiến trên con đường xây dựng Chính phủ điện tử. Doanh nghiệp cũng nên chọn những thủ tục đơn giản, ít ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu có sự chậm trễ do hệ thống dịch vụ công trực tuyến gặp sự cố để thực hiện trực tuyến. Điều này sẽ tạo sự tương tác lẫn nhau để cơ quan nhà nước thấy được sự ủng hộ từ phía doanh nghiệp cũng như tự chịu trách nhiệm về những hoạt động của mình. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ biết được Nhà nước có thực sự mong muốn và đang xây dựng một Chính phủ điện tử như các nghị quyết của Chính phủ và các quy định pháp luật được ban hành ngày càng nhiều hay không.

…………………….

  • VNACCS là viết tắt của Vietnam Automated Cargo And Port Consolidated System (Hệ thống thông quan hàng hóa tự động)

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Để chính phủ điện tử không chỉ là giấc mơ

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *