Hồng Sâm/ Báo Công Luận
Nhìn lại hành trình 23 năm hình thành và phát triển của Tân Hiệp Phát, vượt qua muôn vàn thử thách để khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành nước giải khát Việt Nam, người sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Quí Thanh gọi đó là hành trình chinh phục những giới hạn của một nhà vô địch. Nhưng, ông cũng tâm niệm: “Trở thành nhà vô địch đã vô cùng khó, giữ vững ngôi vô địch còn khó bội phần”.
Phát triển “thần tốc” từ tâm thế “không gì là không thể”
Sau 23 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, THP giờ đây có thể tự hào là doanh nghiệp (DN) thuần Việt (xin nhấn mạnh hai chữ thuần Việt) hiếm hoi cạnh tranh được với các đại gia về đồ uống tầm cỡ thế giới đang có mặt tại Việt Nam. Hành trình phát triển của THP hoàn toàn không ngoa nếu gọi đó là hành trình phát triển “thần tốc”. Từ công suất 1 triệu lít 1 năm thời kỳ đầu, đến năm 2014 Tân Hiệp Phát đã đạt 1 tỷ lít 1 năm. Từ 1 % thị phần ngày mới thành lập, Tân Hiệp Phát hiện tại đứng thứ nhất về thị phần nước giải khát không gas có lợi cho sức khỏe, là 1 trong 3 công ty dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nước uống đóng chai.
Sản lượng tăng trưởng bình quân từ năm 2007 đến năm 2010 là 40%, luôn dẫn đầu trong thị trường nước giải khát trong nước. Những sản phẩm mang thương hiệu THP ngay sau khi tung ra thị trường đều giành được niềm tin yêu của người tiêu dùng. Đặc biệt 3 sản phẩm: nước tăng lực Number 1, Trà xanh Không Độ, Trà thảo mộc Dr Thanh còn được mệnh danh là “bộ ba sản phẩm huyền thoại của THP” khi không chỉ chiếm thị phần “khủng” (theo thống kê của VietinbankSC, năm 2012, sản phẩm Trà xanh không độ chiếm 35,7%, Dr Thanh giữ 13%), tăng trưởng lên đến mức 3 con số (năm 2008, Trà xanh Không độ tăng 800%, Trà thảo mộc Dr Thanh đã đẩy tối đa công suất vận hành lên tới 600.000/chai/ngày cũng chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu) mà còn được công nhận là thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Điều này giúp THP đã thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm (năm 2016 vừa qua, con số doanh thu được ghi nhận là 4869 tỷ đồng). Ở tuổi 23, THP vững vàng trên vị thế một trong những tập đoàn giải khát lớn nhất Việt Nam, sản phẩm được xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới.
Bài toán thành công không hề có đáp án chung cho tất cả. Đường đến thành công không hề là con đường bằng phẳng với bất cứ DN nào. Với THP, tâm thế “Không gì là không thể” được trao truyền từ chính người sáng lập- Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Quí Thanh – là yếu tố cốt lõi giúp THP vượt qua những thời khắc khó khăn nhất trên hành trình phát triển 23 năm qua. “Không gì là không thể” nên người sáng lập THP đã “chẳng xá gì” khi đặt những bước chân đầu tiên vào ngành bia rượu nước giải khát đầy những “đại gia tầm cỡ” chỉ với vài chục nhân viên và một phân xưởng sản xuất nhỏ trong tay; chẳng lấy làm bi quan, chẳng hề chùn bước, thậm chí xem đó là những trải nghiệm kinh doanh đáng giá (như “kinh doanh phải gắn với rủi ro. Rủi ro càng lớn, hiệu quả kinh doanh càng cao”) trước những thất bại “để đời” của những sản phẩm như bia tươi Laser, Café VIP… Cũng chính tâm thế “Không gì là không thể” đã giúp “người THP” bình tâm đứng vững trước “cơn bão” khủng hoảng xảy đến hồi năm 2014 (khủng hoảng về mất tiền/về sản phẩm bị dư luận tẩy chay/về sức khỏe người lãnh đạo) … THP đã “thực sự trưởng thành” và giành được những thành công vang dội nhờ tâm thế ấy.
Trang bị kỹ càng trên hành trình mang thương hiệu quốc gia vươn tầm thế giới
“Thành công lớn chỉ đến khi thuyền căng buồm tiến ra biển lớn. Không có thành công nào đến nếu thuyền chỉ mãi ở lại con sông”. Và, “Vượt qua trăm ngàn đối thủ cũng không khó bằng chiến thắng chỉ một người là chính mình” – đó là tâm niệm cũng là nỗi khao khát không giấu diếm của Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Quí Thanh. Nhà lãnh đạo THP, dù đã bước sang tuổi lục tuần từ lâu, nhưng bản lĩnh, nghị lực, tư duy, tầm nhìn kinh doanh vẫn hừng hực như thuở nào. Với ông, chẳng ngại ngần gì mà không dám khẳng định THP đã là một trong những nhà vô địch trên thị trường giải khát Việt. Nhưng, điều quan trọng hơn là: “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”, khát khao bỏng cháy còn là việc sản phẩm, thương hiệu THP vươn tầm châu lục, mang tính toàn cầu.
Thuyền ra khơi xa, sóng to, gió lớn đe dọa dập dình, cũng là lẽ đương nhiên. Thách thức chỉ là làm thế nào để thuyền vững chãi mà rẽ sóng tiến bước. “Con thuyền THP” trước mục tiêu “thương hiệu Việt tầm vóc Châu Á với doanh thu 3 tỉ USD trong vòng 10 năm tới” cũng vậy. Để “chiến đấu” và chiến thắng, không gì khác là THP phải trang bị cho mình những “vũ khí” giàu sức cạnh tranh nhất có thể.
Trong cuộc đua tranh giành thị trường nội địa, THP đã thành công và chiến thắng bởi những sự khác biệt: Không cung cấp cho thị trường những sản phẩm mình có, chỉ cung cấp những sản phẩm thị trường cần, thì nay, trên “hành trình ra biển lớn” chinh phục thị trường quốc tế, THP xác lập ngay từ đầu việc đầu tư cho công nghệ để tạo ra chất lượng sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất. Nói như Tổng giám đốc Trần Quí Thanh, “công nghệ sẽ tạo ra giá trị khác biệt cho mỗi sản phẩm”. Công nghệ đó, THP hiện đang gọi tên Aseptic.
Dây chuyền công nghệ Aseptic được các nhà khoa học đánh giá là phát minh của thế kỷ 21 bởi khả năng đột phá trong việc tạo ra sản phẩm vô trùng và đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm tuyệt đối, là “niềm mơ ước” của bất kì một DN ngành hàng tiêu dùng nào trong việc tạo dựng một sản phẩm 3 không: không chất bảo quản, không màu công nghiệp, không chì, hoàn toàn tinh khiết, đặc tính vô trùng được tăng lên mức tối đa. Tuy nhiên, Aseptic là giấc mơ không dễ trở thành hiện thực bởi công nghệ này quá đắt đỏ với ngay cả doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Việt Nam, Aseptic vì thế vẫn còn là cái tên còn khá xa lạ với người Việt, với DN Việt. Nhưng THP, công nghệ Aseptic giúp giữ gần như trọn vẹn các dưỡng chất và hương vị tự nhiên từ nguyên liệu, tạo nên khác biệt về chất lượng sản phẩm đã tối ưu hóa mọi lợi thế của THP, vì thế là “vũ khí hữu dụng” mà THP cần trong công cuộc chinh phục những thị trường mới. Bởi thế, từ nhiều năm qua, THP đã không ngại tốn kém đã bỏ ra tới 300 triệu đô để sở hữu 10 dây chuyền công nghệ tại 4 nhà máy. Mới đây nhất, tháng 3/2017 vừa qua, Nhà máy NGK Number One Chu Lai chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 và vận hành dây chuyền công nghệ chiết Aseptic ABF có công suất lớn nhất thế giới hiện nay, cho phép xuất xưởng 48.000 chai/giờ/dây chuyền. Với Tổng giám đốc Trần Qúi Thanh: “nếu để đong đếm giữa chi phí bỏ ra và sức khỏe người Việt có lại thì cái giá 300 triệu đô cho dây chuyền Aseptic vẫn là quá rẻ”.
Trên chặng đường phát triển hướng đến mục tiêu “Trở thành Tập đoàn hàng đầu châu Á”, “doanh nghiệp tỷ USD”, không chỉ trang bị cho mình công nghệ tiên tiến ưu việt nhất, THP chú trọng việc “quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế”. Bắt đầu từ quản trị nhân sự. Ít có DN nào dám bỏ ra chi phí không nhỏ để tầm sư giỏi trên thế giới về đào tạo cho sự phát triển nội bộ THP. Các cán bộ, những “con em trong đại gia đình” được đào tạo bài bản về Hệ thống quản lý, Hệ thống báo cáo, Hệ thống Kiểm soát nội bộ cũng chỉ có ở THP. Được học các chương trình như Cresscom, MRP.2,… đặc biệt là Supper MAN một chương trình mà sau khi đào tạo đã tạo nên nhiều sự đột phá thành công trong mỗi con người và trong DN THP với khẩu hiệu “Không gì là không thể”.
Bên cạnh đó, với tinh thần làm chủ trong công việc, Tổng giám đốc Trần Quí Thanh luôn mong muốn mỗi nhân viên của THP phải xem công ty chính là nhà, là tài sản của chính mình. Thậm chí, mỗi nhân viên còn có thể khởi nghiệp ngay chính tại tập đoàn THP. “Ngoài người THP”, THP cũng liên tục chiêu mộ những chuyên gia hàng đầu thế giới về vận hành công ty gia đình để làm cố vấn cấp cao cho bộ máy lãnh đạo trong việc xây dựng mô hình quản trị và vận hành các quy trình, với mục tiêu mà ông Thanh gọi là ‘tối ưu sự thỏa mãn của khách hàng’. Trong đó có thể kể đến Diana Fottit, sáng lập viên kiêm CEO của Artemis Associates Limited, người từng hoạt động 20 năm tại Hongkong và là chuyên gia hàng đầu về tư vấn quản trị và chiến lược cho các công ty gia đình.
Hiện nay, Tân Hiệp Phát đã có HĐQT, ban cố vấn, hệ thống kiểm toán nội bộ, quản lý chất lượng và hàng vạn quy trình được chuẩn hóa. ‘Mô hình đã thực sự thay đổi, không còn cách vận hành “một người quyết định”, thay vào đó là sự phân cấp, phân quyền và giám sát, kiểm toán, đánh giá thưởng phạt”- Phó TGĐ Trần Uyên Phương khẳng định. Nữ “thuyền trưởng” của THP cũng thừa nhận rằng chỉ trong thời gian một năm, hiệu quả vận hành đã tăng lên 25%.
THP cũng từng bước nâng cao chuẩn mực quản trị, trước mắt là cuộc cải tổ triệt để khâu mua hàng, hậu cần và các khía cạnh chuỗi cung ứng từ nguồn cho đến tay người tiêu dùng.“6 tháng, chúng tôi tối giản 6.000 quy trình”- Phó TGĐ Trần Uyên Phương hé lộ.
Công nghệ ưu việt, nhân sự chất lượng, quản trị mang tầm quốc tế… Đó chưa phải là tất cả thế mạnh của THP trên hành trình chinh phục thị trường nước giải khát châu lục và quốc tế. Một thế mạnh, có thể gọi đó là “vũ khí đặc biệt” của THP là sức mạnh đoàn kết từ một “công ty gia đình, một “gia tộc doanh nhân”. Ở tuổi ngoại lục tuần, có lẽ Tổng giám đốc Trần Quí Thanh và người vợ- bà Phạm Thị Nụ,người đang sở hữu gần 55% vốn và giữ ghế Phó Tổng Giám đốc tại Tân Hiệp Phát – cũng cảm thấy mãn nguyện khi đã truyền được ngọn lửa nhiệt huyết, bản lĩnh, hoài bão, khát khao và cả bản lĩnh, tâm thế của cả một đời làm doanh nhân đến các con. Các con ông bà, đặc biệt là hai cô con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đã ngày càng chứng tỏ họ hoàn toàn có thể tiếp nối trọn vẹn những gì cha mẹ đã tâm huyết, thấu hiểu được một cách rõ ràng: “Kế thừa một DN không phải là một đặc lợi, mà là một trọng trách” và rằng, “Làm công ty gia đình, không được đội nhầm nón. Việc sở hữu công ty, quan hệ gia đình với Tổng Giám đốc và việc điều hành theo quy chế là các mặt khác nhau, không thể nhầm lẫn nếu không muốn tự mình phá vỡ các quy trình và chuẩn mực mà công ty xây dựng”.
Với việc nắm bắt những “vũ khí hữu dụng” trong tay cùng tâm thế “không gì là không thể”, hoàn toàn có thể tin rằng “con thuyền THP”, với tâm thế của “một nhà vô địch” sẽ vững vàng rẽ sóng, chinh phục những đỉnh cao phía trước.
Theo báo Công Luận
Link bài: Tân Hiệp Phát- 23 năm và khát vọng cháy bỏng của “nhà vô địch”