Không thể giáo dục theo kiểu áp đặt và nô lệ tri thức giáo điều

Trần Quí Thanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dồn sức xây dựng Đại học Fulbright xứng tầm” (Theo Zing.vn)

………………

Chào bác Trần Quí Thanh.

Cháu là một trong những người được bác trả lời từ khi blog của bác mới lập (Hình như tháng 3 tháng 4 cho chi đó.) Nay cháu lại viết thư hỏi bác. Đó là chuyện “Khóa cử nhân đầu tiên của ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) dự kiến nhập học vào mùa thu năm 2018. Sinh viên được tuyển chọn thông qua bài luận, phỏng vấn, chứ không phải thi cử.”. Chuyện này ở những nơi chuộng thi cử bị coi là chuyện khôi hài. Bản thân cháu thú thật cũng không biết sai đúng hay dở thế nào nên mới viết thư hỏi bác.

Bác trả lời cháu nhé!

Kính

Lê Văn Lạng – lvl.ham@gmail.com

…………….

Cháu Lê Văn Lạng mến!

Thế giới này luôn vận động và thay đổi, chính vì thế không có khuôn mẫu nào là bất biến, vậy thì chuyện tuyển đầu vào đại học cũng sẽ thay đổi. Lối thi cử khoa bảng, từ chương bao nhiêu năm nay tưởng đã không còn phù hợp, vậy thì con người ta phải tìm một cách mới.

Cách tuyển chọn truyền thống là ra đề thi, thí sinh nào đạt điểm cao thì đậu đại học, cách đó cũng tốt thôi, nhưng liệu đã là tốt nhất và phù hợp với điều kiện và đòi hỏi của thời đại hôm nay. Câu hỏi đó phải được đặt ra, thế giới cần có những tư duy khác, nghĩ khác và làm khác.

Bác cho rằng, cách tuyển sinh viên đầu vào của Đại học Fulbright Việt Nam là hay, làm thay đổi não trạng thi cử nặng nề đã thống trị bao nhiêu năm nay không chỉ riêng đối với Việt Nam.

Một thí sinh dự phỏng vấn, trước một nhóm chuyên gia, đó là không gian, cơ hội bộc lộ rõ nhất năng lực tư duy, trình độ tiếng Anh, kỹ năng trình bày và chỉ số thông minh của một cá nhân. Điều đó quá đủ hơn cả một cuộc thi truyền thống.

Các chuyên gia không cần quan tâm bảng điểm của các cô cậu học sinh, mà từ thực tế trước mắt, họ tuyển chọn đúng người cần chọn. Đầu vào là một sinh viên thông minh, tự tin, năng động thì học cái gì mà chẳng được. Còn hơn đủ thứ điểm số cao, danh hiệu tiên tiến, xuất sắc, nhưng chưa chắc đã là năng lực thật, hoặc có người học giỏi, nhưng khiếm khuyết các tiêu chuẩn quan trọng khác như sự tự tin, kỹ năng trình bày, phản ứng trước những tình huống bất ngờ.

Và với cách tuyển chọn như vậy, Đại học Fulbright Việt Nam cũng sẽ đưa ra mô hình đào tạo khác biệt, như Tiến sĩ Ryan – Talbot, giám đốc học thuật của trường nói: “Chương trình đào tạo đại học tại FUV sẽ không phải là sản phẩm mang tính áp đặt từ các giảng viên mà sẽ là kết quả của những trao đổi, thảo luận tích cực giữa giảng viên và sinh viên, trong đó tiếng nói của sinh viên đóng vai trò quan trọng.”.

Muốn đào tạo một con người toàn diện cho thế giới năng động và phát triển của thời đại ngày nay thì không thể giáo dục theo kiểu áp đặt và nô lệ tri thức giáo điều.

Đã xa rồi cách học khai thác trí nhớ, tầm chương trích cú, mà phải thay vào đó phương pháp gợi mở đánh thức tư duy sáng tạo.

Bác cũng trao đổi thêm với cháu, tuyển chọn nhân viên đầu vào của Tân Hiệp Phát cũng theo phương pháp này, bác không chú trọng về bằng cấp, mà qua phỏng vấn, phát hiện ra được người có thực tài. Có không ít người bằng cấp đầy mình nhưng khi vào thực tế chẳng làm nên trò trống gì cả.

Cám ơn cháu vẫn luôn theo dõi trang web của bác, chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *