Phận chợ
Chợ truyền thống, về cơ bản, bao giờ cũng được thiết lập trên những khoảnh đất trống, thường thì ở ngoài làng nhằm đề phòng kẻ lạ, tránh những sự thâm nhập không cần thiết vào nội bộ làng, bên trong làng. Đình và chùa thì không thế, luôn ở trong làng, dù là phần phía trong tiếp giáp với cái bên ngoài, gọi là rìa làng, nhằm phô trương những kiến trúc mang tính tượng trưng cho sức mạnh và truyền thống của làng với kẻ khác. Thành ngữ dân gian thường nói: trong làng ngoài chợ.
Chợ, không gian của cái dung tục, của những nhu cầu vật chất thường ngày, bị gạt ra bên ngoài, cùng với nghĩa địa, không gian lạnh lẽo của sự chết chóc. Tự điều đó đã hàm nghĩa chợ không-quan-trọng bằng đình hay chùa, những không gian thiêng trong làng. Chợ, vì thế, là một kiến trúc “phi kiến trúc”, tức là một tập hợp hỗn độn, bẩn thỉu của lều lá, thậm chí chẳng có cả lều lá, chỉ có sự tụ bạ mua bán của lố nhố một đám đông người, thường là dân đội nón, mặc váy1, nói cách khác, chợ là thế giới ngoại biên, của phụ nữ2.
Việc thờ thần đất ở Việt Nam, vốn đặc biệt quan trọng, được chia ra nhiều cấp độ. Nhà thì thờ Thổ công. Làng thì thờ Thành hoàng. Nước thì thờ Xã Tắc. Chợ được đặt trên một khoảnh đất cụ thể thì chắc chắn phải thuộc phạm vi cai quản của một vị thần nào đó, một cách mơ hồ như chính logic dân gian, thì cứ gọi là Thổ công. Nếu chợ gần chùa, đình, am hay miếu thì phần nhiều là các vị Phật, thần, thành hoàng, hay thần chủ đền, am, miếu cũng chính là các thần được các bà, cô đi chợ cầu cúng, coi đó như thần cai quản chợ. Còn nếu tính riêng một vị thần cai quản chợ, hay liên quan đến chợ búa, có danh tính xác định, có thể, đó chính là Thổ kỳ như học giả Toan Ánh đã nói đến:
Trên bài vị để thờ Thổ công: “hàng ở giữa là Đông Trù tư mệnh táo phủ thần quân là vua bếp, hàng bên tay phải là thổ địa long mạch tôn thần là vị thần săn sóc việc nhà, còn hàng bên trái là ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần, đây là Thổ kỳ săn sóc việc chợ búa”3.
Sách Thổ thần khảo chính tăng bổ4 cũng cho biết, Thổ địa có nhiều tên: ở đền chùa gọi là Thổ Địa Long Thần, Thổ Địa Phật; ở nhà thì gọi là Thổ Thần; ở ngoài đồng gọi là Xã Thần; ở đình gọi là Thành Hoàng Thổ Địa. Thổ kỳ là thần ở các gò đất giữa các bãi bằng phẳng. Kết nối ý nghĩa, chợ thường họp ở nơi bãi đất bằng phẳng ngoài làng, có thể suy ra, đất chợ chính là phần đất thuộc sự cai quản của Thổ kỳ hay thần chủ của chợ.
Thờ thần chủ chợ
Mọi sự cầu cúng sự sinh, buôn may bán đắt, tiền đẻ ra tiền là ước vọng dễ hiểu của người đi chợ. Khát vọng đó là lí do để chúng ta xem xét một trong những tục “lạ” thuở xưa của những người đàn bà Chợ Mơ – Hà Nội. Chợ Mơ có miếu nhỏ Trung Hiền, các bà các cô muốn đắt hàng khi đi qua miếu vào buổi sớm phải vén váy lên… hướng vào miếu. Sự kiện này, tồn tại trong nó có lẽ là nhiều lớp tín ngưỡng đa tạp. Xem xét từ tín ngưỡng thờ thần chủ sự sinh sôi ở chợ, có thể hiểu hành vi “vén váy” tượng trưng cho sự phô bày “cửa sinh nở” với thần nhằm cầu mong sự bán buôn sinh đàn sinh lũ.
Thần trong miếu Trung Hiền có thể nào là một vị thần chủ của chợ? Và hành vi vén váy là ma thuật tượng trưng như lối ra mắt thần để vào chợ? Khi không khảo được lai lịch vị thần này, chúng ta chỉ có thể tạm bằng lòng khớp nối các nguyên lý của sự thờ phụng sinh sôi ở chợ như một mô hình lý giải hành vi “lạ” này. Đồng thời, khẳng định giả thuyết, Thổ kỳ có thể là một thần đàn bà – hay chắc hơn – là mang nguyên lý nữ, phù hộ cho việc sản sinh giống vật trong gia đình và ở chợ là thần bảo trợ buôn bán. Hành động “vén váy” như thế, sẽ như là một nghi thức ma thuật cộng cảm, chào hỏi của “đám chị em” với vị thần “đàn bà” đồng giới của mình.
Sự phát hiện bà chúa Chợ không phải là điều gì đó đặc biệt, vì đã có một mạng lưới khá phong phú những bà chúa Chợ tồn tại rải khắp, phổ biến ở nhiều nơi. Sơ bộ có thể kể ra như bà chúa Chợ Đồng Xuân, bà chúa Chợ Phủ Quốc Oai (Hà Nội); bà chúa Chợ Kế (Bắc Giang); bà chúa Chợ Hành Thiện (Nam Định),… Đây là những vị thần chủ mang giới tính đàn bà thuộc hệ thống tín ngưỡng Mẫu, chi phối mạnh mẽ tâm thức bình dân Việt Nam, được xác lập bởi những người đàn bà chạy chợ.
Khá thú vị là trường hợp đền Tả Phủ ở chợ Kỳ Cùng, Lạng Sơn (họp phiên vào ngày 2 ngày 7 hằng tháng) thờ ngài Thân Công Tài là tướng trấn nhậm biên viễn có công mở chợ Kỳ Lừa cho dân Việt – Trung giao lưu buôn bán. Dân 13 phường Trung Quốc và bảy phường bản quốc (Việt Nam) đã lập đền thờ, khắc bia (1683) ghi nhớ công đức ngài. Từ đấy, Thân Công Tài trở thành thần thương mại, bảo trợ bán buôn cho tiểu thương và người đi chợ Kỳ Lừa. Ngày nay, vào các dịp lễ lớn và ngày mùng Một hằng tháng, dân trong chợ vẫn thường đến đền lễ bái; mọi việc cầu mua, cầu bán, đòi nợ… cũng đều xin, lễ ở đền. Ngoài các ngày lễ lớn trong năm của đền (âm lịch: Lễ Thượng Nguyên 16.1; Hội cầu pháo 22.1; Lễ vào hè 16.4; Lễ ra hè 16.7; Lễ giỗ 11.8…) còn có một ngày lễ khá đặc biệt là ngày lễ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10 dương lịch). Như thế, sự kiến tạo mới về tính chất nghi lễ thương mại gắn với Ngày Doanh nhân Việt Nam ở đền Tả Phủ, và được giới doanh nhân Lạng Sơn hưởng ứng, đã khiến tính chất vị nhân thần chợ Kỳ Lừa Thân Công Tài ngày càng trương nở quyền năng, trở thành thần thương mại cấp vùng, cấp tỉnh.
Và những ma thuật khác
Sau tín ngưỡng thờ thần chủ chợ là hàng loạt những hình thức tín ngưỡng khá rõ nét, tồn tại xuyên suốt từ xưa đến nay ở chợ, mà tiêu biểu và độc đáo hơn cả có lẽ là tục đốt vía, đánh vía. Ở chợ quê, đối với người buôn bán, theo P.Huard và M.Durand5 cho biết, có một thực tế rất phổ biến, đó là việc thực hành ma thuật “đốt vía đốt van”. Người hàng chợ quan niệm khách hàng có thể có vía lành, vía tốt hay vía xấu, vía dữ. Nếu khách mở hàng chẳng may lại rơi đúng vào kẻ vía xấu, vía dữ thì điều đó thật tệ hại bởi nó sẽ đưa đến bất lợi cho buôn bán trong ngày, sự ế ẩm hay thua thiệt. Những lúc như thế, những người buôn bán ở chợ đành phải thực hành một dạng ma thuật thương mại là đốt vía, giải vía kẻ xấu. Huard và Durand bình luận thêm, lòng mê tín cùng cực ấy của người buôn bán ở chợ quê Việt Nam có thể ví như sự cuồng tín của những kẻ cướp biển mỗi khi dong buồm hoạt động sẽ giết chết ngay kẻ đầu tiên dám kháng cự! Sự kiện mà Huard và Durand cung cấp nhằm vào hoạt động thương mại của người dân quê Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Trái lại, mở hàng gặp người vía tốt, vía mát thì lại may mắn, bởi nó “lây nhiễm” sự may mắn ấy đến các khách hàng đến sau, nhờ đó mà hàng bán đắt như tôm tươi. Ở chợ, vì thế, những người được cho là vía tốt – tức những khách dễ tính, xông xênh, không mấy khi mặc cả – bao giờ cũng là thượng khách mỗi khi họ xuất hiện. Mở hàng là một hình thức thuộc các nghi lễ khai mở phổ biến trong văn hóa Việt Nam như khai bút của nhà nho đầu xuân, khai ấn của quan lại, mở luống cày, lễ động thổ, lễ đóng tàu hay khai trương cửa hàng… Mở hàng thuộc một sự khai mở bắt đầu cho chu kỳ buôn bán thường là cấp ngày.
Sự tiến triển trong các hình thức linh thiêng của chợ, vì thế, có thể nói luôn rất đa dạng. Người ta tìm đủ mọi cách để “lấy lòng” các thế lực linh thiêng ở chợ , “đúc rút” hàng loạt cấm kỵ, cũng như nghi thức mang nhiều màu sắc tinh thần nhằm đem lại sự buôn may bán đắt. Người ta kiêng làm gãy đòn gánh. Người ta sợ ngày đi chợ ra khỏi cửa mà gặp người xấu vía, dữ vía, những lúc như thế tốt nhất là quay về đợi một lúc nữa mới bước chân ra “đi lại”. Người ta cố gắng thuyết phục khách hàng trả hai giá nếu buộc phải bán rẻ lúc mở hàng để lấy may…
Mọi hành vi cầu cúng, rồi kiêng kỵ cũng chỉ cốt thiết lập mối “quan hệ tốt” với linh thiêng, giảm thiểu rủi ro để cho bán mua thuận lợi, trong đó đặc biệt phải kể đến tín ngưỡng bà chúa Kho. Đầu năm, chính lễ, các đền bà chúa Kho bắt đầu đông người. Ở đền nổi tiếng như đền bà chúa Kho Cổ Mễ (Bắc Ninh) thì cảnh tượng đông đúc kinh hoàng. Người đi lễ vay lớn thì trả lớn (các món vay -trả được tượng trưng bằng cây tiền, cành vàng, lá bạc…). Mật ước là phải giữ đúng lời hứa, nếu không sẽ gánh tai họa với linh thiêng. Một hình thức vay-trả tâm linh khá đặc biệt của người Việt với bà chúa Ngân hàng địa phủ.
Tính linh thiêng ở chợ truyền thống Việt Nam còn tiến triển thành một hình thức đặc biệt, khi yếu tố kinh tế hạ thấp đến tối đa còn yếu tố tín ngưỡng lại đẩy lên đến cao độ, đó là hình thức chợ âm phủ, nơi âm và dương hòa hợp, nơi người sống và người chết gặp lại nhau. Có thể xa xưa, có vô cùng nhiều cái chợ âm phủ như thế trên đất Việt Nam, mà ngày nay, còn biết đến – đúng hơn là nhớ đến – có chợ Viềng (Nam Định); chợ Ó, chợ Chằm (Bắc Ninh); Chợ 19 tháng 12 (Chợ Âm Phủ) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội; ít được biết hơn như chợ đình Cao Thượng (Bắc Giang)… mỗi năm họp một lần.
Nguyên tắc “trần sao âm vậy”, “âm dương đồng nhất lý” cho phép logic dân gian tin tưởng vào việc người dương và người âm có thể gặp lại nhau, mà gặp gỡ nhau ở chợ là hình thức phổ biến nhất, vì chợ có chức năng chính là giao lưu, gặp gỡ – một chức năng chính kiểu Việt Nam, kiểu các xã hội tiền hiện đại, bên cạnh chức năng thương mại của chợ. Thế nên, một phiên chợ đặc biệt, nơi âm dương có thể hòa hợp thì người âm và người dương sẽ gặp lại. Ở Việt Nam, chết không phải là hết. Chết là sống một cuộc đời khác. Người sống kẻ chết trên đất nước này chưa bao giờ lìa hẳn nhau. Kẻ sống vẫn luôn nỗ lực gặp lại người chết. Đánh đồng thiếp gọi hồn, thờ cúng tổ tiên, táng mộ phong thủy và đi chợ âm phủ là những hình thức tôn giáo nặng về tính bản địa mà người Việt Nam tin rằng sẽ giao kết trở lại với tổ tiên đã khuất bóng.
***
Như ta biết, sau thế kỷ XIV, đình nổi lên cùng với tầng lớp nho sĩ, đại diện cho sự lựa chọn Hán hóa mạnh mẽ của nhà nước quân chủ. Đình trở thành biểu tượng kiêu hãnh của làng, vì thế, luôn được chăm chút và làng có trách nhiệm chi ra một khoản phí tổn không nhỏ để duy trì và nâng cấp đình6. Trái lại, nhà sư mất địa vị lịch sử khiến chùa rơi vào tình trạng đìu hiu, thuộc về thế giới các bà7. Chùa muốn tồn tại phải tìm cách tự chủ được một phần về kinh tế. Trong nhiều cách thức tạo của ở nhà chùa như dựng bia hậu, canh tác ruộng chùa, công đức thập phương… thì quản lý, chi phối và đánh thuế từ chợ cũng là một nguồn lợi quan trọng. Điều đó lý giải cho tổ hợp chợ chùa phát triển hơn chợ đình rất nhiều8.
Bản chất của các tổ hợp kinh tế – tôn giáo này sẽ cần được bàn luận kỹ hơn ở một bài viết khác.
Nguyễn Mạnh Tiến
—-
* Tác giả bài viết cũng là tác giả cuốn “Sống đời của chợ”, một biên khảo về chức năng của chợ trong làng Bắc Bộ truyền thống, vừa được Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn phát hành vào tháng 8.2017.
1 Cũng có những chợ có kiến trúc thực thụ, nhưng rất ít, như loại hình chợ cầu, hoặc khác nữa là quán, đình, trạm ở chợ. Hoặc nữa, kiến trúc chợ cơ bản là đình chợ, chỉ ở những chợ kiên cố mới có. Đình là kiểu nhà trạm có mái che làm nơi nghỉ chân che mưa nắng cho người hàng chợ và khách bộ hành. Dân gian có câu ca : “Anh chưa có vợ như chợ chưa có đình/ Trời mưa dông đôi ba hột biết ẩn mình vô mô?”, đình đây chính là đình chợ che mưa nắng, nơi nghỉ ngơi, chứ không phải đình làng thờ thành hoàng.
2 Nhất là phụ nữ trẻ, chưa “sạch” (kinh). Phụ nữ đã sạch thì mới đến sinh hoạt ở chùa. Trong làng miền Bắc, chùa thuộc đàn bà, đình thuộc đàn ông. Nhưng để hiểu đúng, thì chùa là của đàn bà đã sạch, hết/tắt kinh – các bà vãi. Tùy vùng, nhưng thông thường, phụ nữ sau 50 tuổi mới tham gia hội các vãi. Đàn bà trẻ có kinh, cấm đi chùa lễ Phật, nếu lỡ đến thì kiêng không vào cửa chính điện, mà vào cửa hông.
3 Toan Ánh (2011), Các thú tiêu khiển Việt Nam – Thú vui tao nhã, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, tr.38. In đậm nhấn mạnh của NMT.
4 Thổ thần khảo chính tăng bổ (tam quyển) [土神考正增補 (三卷)] [http://www.hannom.org.vn/trichyeu.asp?param=8290&Catid=248].
5 Huard, Pierre – Durand, Maurice (1954), Connaissance du Viet-Nam, École Francaise d’extrême-orient Ha Noi, tr.144.
6 Bởi thế mà, trong nhiều trường hợp, làng không muốn chợ họp ở đình, làm mất vẻ thâm nghiêm, hư hại đình. Ngày nay, trên thực địa, tôi gặp cảnh ông từ giữ đình Phú Mỹ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên xua đuổi dân hàng chợ không cho họp trước đình, nhất là trước cửa thánh. Bất chấp, đám đông đàn bà nhẫn nại tản ra khi ông cụ sừng sộ chửi mắng đuổi đi, nhưng ngay khi ông quay đi, đâu lại vào đấy, người buôn lại nhích dần vào vị trí cũ. Thậm chí, nhiều bà rắn gan, làm mặt trơ, cứ ngồi lỳ buôn bán trước cổng đình mặc cho cụ già xua đuổi.
7 Góp thêm vào hiện tượng này, nhìn từ chợ, từ thực tế nội lực kinh tế của những người đàn bà bán buôn, tôi còn muốn nhấn mạnh thêm, vì phụ nữ có tiền hơn, sẵn tiền hơn và có cấu trúc niềm tin mãnh liệt hơn nam giới nên tìm đến những nơi tâm linh nhiều hơn và đóng góp mạnh hơn.
8 Kết luận này dựa trên sự khảo sát tư liệu văn bia, trong thực tế, chưa có số liệu thống kê các điểm thờ tự để đối chiếu và kiểm chứng.