Trần Quí Thanh
…………………………..
Anh Thanh ui,
Cảm ơn anh đã trả lời cho em rất lẹ, nhất là nhớ được Phương lùn, hi hi. Em không muốn chọc quậy sự bận rộn của anh, nhưng vừa đọc bài báo thấy năng suất lao động Việt Nam thua Sing đến 15 lần, thua luôn cả Lào mà sợ quá anh ui. Người Việt Nam siêng năng cần cù thông minh lắm mà, sao vậy hả anh?
Quí anh,
Lê Kim Phương : phuongsaigon1958@gmail.com
Lê Kim Phương mến!
Anh hỏi em hen, dân mình siêng năng cần cù còn dân người ta lười biếng chắc? Cần cù lao động hay thông minh không phải do mình tự nói về mình, mà hãy dể cho sản phẩm được tạo ra trong xã hội lên tiếng.
Siêng năng cần cù lao động nhưng năng suất lao động thua Singapore 15 lần, thua luôn cả Lào. Thông minh nhưng không có sản phẩm máy móc, dây chuyền công nghệ nào phục vụ cho sản xuất, gần như phải nhập khẩu toàn bộ.
Với những gì mà chúng ta đang có, có thể khẳng định rằng, chúng ta không cần cù siêng năng bằng các nước, và không thông minh bằng họ. Cứ nói vậy cho nó chính xác, đừng hoang tưởng thêm nữa.
Hoặc giả, chúng ta siêng năng, thông minh, nhưng không phát huy được nguồn lực con người.
Bàn cái tổng quát như vậy, còn đi vào cụ thể, anh phân tích thế này:
Đa số người lao động, công nhân trong các nhà máy có nguồn gốc từ nghề nông, nên khi bước vào công ty, nhà máy, chưa quen với tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Gặp đơn vị quản lý không tốt, sẽ sinh ra tình trạng đi trễ, lười biếng, ăn gian, ăn cắp. Anh làm doanh nghiệp mấy chục năm, hiểu quá rõ điều này.
Cho nên, để tăng năng suất lao động, đừng chờ đợi sự thay đổi ở đâu từ trên trời rơi xuống, từ các chuyên gia suốt ngày ngồi nói lý thuyết và thống kê, mà tự thân mỗi doanh nghiệp phải vận động.
Trước hết là khai thác tối đa khoa học công nghệ để quản trị, giảm được nhân sự và tăng được hiệu quả công việc. Ít người tất nhiên quỹ lương sẽ được chia cao hơn trên đầu người, khi nhận được lương cao, người lao động sẽ cố gắng làm việc để khỏi bị mất “job”. Như vậy, năng suất lao động sẽ tăng.
Thứ hai, đầu tư trang bị máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại nhất có thể. Chính dây chuyền này sẽ đào thải những loại lao động lười biếng, máy móc thay thế cho con người. Những công nhân được đào tạo để điều khiển dây chuyền công nghệ cũng phải làm đúng và đáp ứng theo hoạt động vận hành của dây chuyền. Lười biếng sao được.
Thứ ba, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mọi người được nâng cao nhận thức, tác phong công nghiệp, ứng xử phù hợp trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiện đại. Thường xuyên huấn luyện, đào tạo, tập huấn để đội ngũ lao động của công ty tiếp cận với kiến thức mới, kỹ năng mới.
Vậy nhé em. Có gì cứ meo cho anh
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)