Hơn một năm kể từ lần bị xoáy vào những sự cố bất ngờ giáng mạnh tới khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm châu Á, CEO Trần Quí Thanh đã nỗ lực cải tổ triệt để mọi hoạt động của Tân Hiệp Phát theo định hướng cốt lõi phục vụ khách hàng, nâng tầm thương hiệu Việt. Chỉ sau một thời gian ngắn hãng giải khát này bước vào một khởi đầu mới với tốc độ phát triển ấn tượng.
Thoát khỏi gót chân Achilles công ty gia đình
Là một công ty gia đình, Tân Hiệp Phát bắt buộc phải giải bài toán về phương thức quản trị tập trung – gót chân Achilles mà hầu hết các “đế chế” gia đình trên thế giới phải đối mặt.
Bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng hệ thống quy trình, thuê các chuyên gia hàng đầu quốc tế tham gia xây dựng mô hình quản trị mới, ông Trần Quí Thanh – nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đã tìm ra lời giải bằng cách tự tay xóa bỏ phương thức quản trị cũ, “coi đây như một sự khởi đầu mới. Xé nháp câu chuyện khởi nghiệp 20 năm trước”, theo cách mà ông nói.
Chỉ trong 6 tháng, hơn 6.000 quy trình trong lĩnh vực mua hàng, giao vận và thanh toán được chuẩn hóa. Thời gian giao hàng rút ngắn tới 50% và sắp tới là 80% để “tối ưu hóa sự thỏa mãn khách hàng” như mục tiêu của ông Thanh.
“Mô hình đã thực sự thay đổi, không còn cách vận hành ‘một người quyết định’, thay vào đó là sự phân cấp, phân quyền và giám sát, đánh giá thưởng phạt”, bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát cho biết chỉ sau một năm, hiệu quả vận hành đã tăng lên 25%.
Tuy nhiên, việc thoát khỏi gót chân Achilles về quản trị chỉ là bước đầu cuộc cải tổ. Để vươn ra thế giới, họ cần các đối tác đồng hành tin cậy.
Lập nên một “Apec thu nhỏ của ngành giải khát”
“Hãy tháo dây, nhổ neo ra khơi để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió”. Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 9/2016, Tân Hiệp Phát đã tổ chức ngày hội kết nối giao thương, một sự kiện chưa từng có doanh nghiệp Việt nào tổ chức trước đó dành cho hàng ngàn đối tác kinh doanh.
Với vị thế là thương hiệu giải khát Việt tỷ đô, Tân Hiệp Phát có hơn 2.500 đối tác trong và ngoài nước với số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp này lên tới hơn 100.000 người. Đây là tiền đề cho doanh nghiệp này tổ chức “Ngày hội kết nối giao thương”, một sự kiện mà nhiều người ví von là “Apec thu nhỏ của ngành giải khát” giúp các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, mở ra cơ hội kinh doanh hướng tới mục tiêu cùng phát triển, phục vụ người tiêu dùng.
“Tân Hiệp Phát không thể vươn ra biển lớn nếu thiếu các đối tác và chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối để các đối tác cùng tiến ra thế giới một cách bền vững, tạo ra khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt”, bà Trần Uyên Phương khẳng định. Và tất nhiên, ngày hội kết nối giao thương sẽ liên tiếp được mở ra trong thời gian tới theo cam kết của bà Phương.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự đoàn kết của các doanh nghiệp nói riêng và hội nhập cộng đồng kinh tế thế giới nói chung là mệnh lệnh khẩn thiết để các doanh nghiệp phát triển. “Ngày hội kết nối giao thương” giúp Tân Hiệp Phát quy tụ được sức mạnh từ hàng ngàn đối tác, tạo lợi thế trong cuộc đua với các công ty đa quốc gia trên hành trình vươn tầm châu Á.
Quyết tâm phủ kín miền Trung – Tây Nguyên
Giữa lúc sự cố bất ngờ “từ trên trời rơi xuống” liên quan tới ngân hàng tưởng là đòn chí mạng giáng vào kế hoạch đầu tư nhà máy, mở rộng sản xuất để phục vụ người tiêu dùng, Tân Hiệp Phát vẫn cho thấy sự kiên cường đáng kinh ngạc khi họ nỗ lực đưa nhà máy Number One Chu Lai vào hoạt động trong sự ngỡ ngàng của giới quan sát vào cuối tháng 3/2017.
Number One Chu Lai được biết đến là nhà máy duy nhất tại Việt Nam sở hữu dây chuyền chiết Aseptic theo công nghệ tiệt trùng khô hiện đại nhất thế giới (Aseptic Blow Fill – ABF) do hãng GEA Procomac (Ý) phát triển và được FDA – Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vô trùng các sản phẩm có độ acid thấp như sữa.
Ngay khi đi vào hoạt động, nhà máy Number One Chu Lai trở thành mắt xích quan trọng đưa Tân Hiệp Phát trở lại ấn tượng qua việc nâng cao sản lượng tiêu thụ với công suất lên tới 48.000 chai sản phẩm/giờ/dây chuyền để phục vụ nhu cầu thị trường miền Trung – Tây Nguyên và xuất khẩu.
Điều này cho thấy nỗ lực của Tân Hiệp Phát giữa muôn trùng khó khăn vẫn quyết tâm phát triển nhà máy, đầu tư công nghệ, nâng cao sản lượng lên tới vài triệu lít mỗi ngày theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất, không chất bảo quản, màu nhân tạo và tuyệt đối vô trùng của người tiêu dùng.
Tương tác trực tiếp với người tiêu dùng
Nếu điều kiện cần là sự cải tổ phương thức quản trị, hội tụ sức mạnh đối tác và nâng cao công nghệ tạo ra chất lượng sản phẩm chuẩn quốc tế thì nỗ lực phát triển kênh bán hàng và tiếp thị trên nền tảng số là điều kiện đủ giúp Tân Hiệp Phát có những bước trở lại ấn tượng như hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia Digital marketing, Tân Hiệp Phát là một trong số ít những doanh nghiệp tiên phong thay đổi phương thức tiếp thị và bán hàng sang nền tảng đa phương tiện để đáp ứng thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Kết quả, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, kênh bán hàng hiện đại của doanh nghiệp này tăng 157% (gấp 3 lần) so với cùng kỳ năm 2016, theo tiết lộ của chính CEO Trần Quí Thanh trên trang cá nhân tranquithanh.com
Nỗ lực tiếp thị theo xu hướng trải nghiệm, tương tác trực tiếp với người tiêu dùng cũng được Tân Hiệp Phát đẩy mạnh tạo nên sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng. Chính sự tương tác mới lạ, gần gũi và hấp dẫn này giúp Tân Hiệp Phát trở thành thương hiệu có sự nhận biết tốt nhất với người tiêu dùng trong năm qua và dẫn đầu ngành hàng nước giải khát có lợi cho sức khỏe. Điều này đã trực tiếp đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Tân Hiệp Phát trên thị trường giải khát Việt.