Thủ tướng: “Thể chế, thể chế và thể chế”

Tư Giang/ Báo TBKTSG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018.

—–

Những cải cách thể chế trong năm qua thực tình mà nói, mới chỉ là trên lý thuyết, bởi vì  cần có thời gian để thẩm thấu chính sách. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực tư nhân, sự chờ đợi quá dài để được thụ hưởng chính sách không chỉ là mất đi nguồn lực và sự tích lũy, mà còn mất đi thời cơ trong kinh doanh.

Chính vì vậy, cải cách thể chế kinh tế không phải là một slogan, mà là một đòi hỏi tất yếu của thời đại, là sự sống còn của nền kinh tế đất nước.

Trần Quí Thanh

—–

Phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức đã diễn ra những mẩu hội thoại rất thú vị về đường hướng phát triển của Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trường Đại học Fulbright trong vai người dẫn chương trình đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông có giải pháp, quyết sách nào để tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài có thể thấy trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại phần trả lời trực tiếp dài, đã viện dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson và nói: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo (họ nêu) là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”.

Thủ tướng khẳng định các chính sách phải huy động được mọi người dân cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ông Phúc trả lời trực tiếp trước hàng trăm thính giả đến từ nhiều nhóm, bổ sung thêm, phải nâng cao năng suất lao động của Việt Nam vốn còn thấp trong ASEAN, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

“Tôi đã gặp Jack Ma. Riêng thanh toán thương mại điện tử của ông ta đạt 1.000 tỉ đô la. Làm thế nào Việt Nam phải cải thiện được nền kinh tế số?”, ông nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh hơn; tiếp tục giảm chi phí hơn nữa từ chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp; chống tham nhũng để tập trung nguồn lực cho phát triển; và cải cách giáo dục và dạy nghề.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh kết luận lại phiên thảo luận nói: “Tôi rút ra một điều là phải tăng cường nội lực mới chống chịu tốt các cúc sốc bên ngoài, nội lực là dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trước đó, ông Anh đặt câu hỏi với Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, làm sao để tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững?

Ông Bình khẳng định, thành tựu kinh tế trong 30 năm qua là ấn tượng, nhưng còn phải cố gắng hơn nữa mới đáp ứng được mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, và theo kịp với các quốc gia hiện đại khác.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, để phát triển nhanh và bền vững thì nội dung quan trọng là Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động.

“Muốn có năng suất lao động tốt phải có trình độ khoa học công nghệ và nền giáo dục tương thích. Đó là nội dung cơ bản của đề án của Đảng về phát triển nhanh và bền vững tới đây”, ông nói.

Phiên thảo luận còn có sự tham gia của đại diện từ các cơ quan như Quốc hội, WB, ADB…

Trong phần khai mạc diễn đàn trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á”.

Thủ tướng nêu rõ. “Tôi nhất trí với cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ), tôi nhấn mạnh phải phấn đấu để trở thành một con hổ kinh tế, tại sao lại không và phải làm gì để đạt được mong mỏi này đối với quốc gia Việt Nam”.

 

Nguồn: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài:Thủ tướng: “Thể chế, thể chế và thể chế”

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *