Để thu phục nhân tài

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

………………..

Thưa chú,

Vợ chồng cháu rất vui mừng được chú trả lời rất sớm trên blog của chú. (Bài “Cha ông ta đã nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đấy ạ). Điều đó đã động viên vợ chồng cháu rất nhiều. Bây giờ chúng cháu lại hỏi chú thêm một câu nữa:

Tân Hiệp Phát lớn mạnh như ngay này là nhờ chú thu phục nhân tài khắp Sài Gòn (có thể là khắp đất nước) về với chú. Xin chú bật mí cho chúng cháu biết nghệ thuật thu phục nhân tài của chú. Làm sao nhân tài có đến mà không có đi.

Chúc chú luôn mạnh giỏi.

Kính chú

Đức Tâm – Minh Hiệp ( Biên Hoà): ductam_minhhiep09@gmail.com

………………………..

Hai cháu Đức Tâm – Minh Hiệp mến!

Có một chân lý bất biến, đó là con người làm nên tất cả, cho nên mời được nhân tài về với mình coi như đã thành công một nửa.

Trên thế giới và ngay cả Việt Nam, đã có những công ty săn đầu người (headhunter) là vì vậy. Nhiều tỉnh, thành của Việt Nam tổ chức trải thảm đỏ đón nhân tài, đưa ra chính sách lương cao, cấp nhà ở để thu hút các giáo sư, tiến sĩ về địa phương làm việc.

Theo quan niệm của chú, người có học hàm, học vị chưa hẳn là nhân tài, cho nên trước hết các cháu phải nhận định được ai là người tài thật.  Đừng tin vào các loại bằng cấp mà có ngày thất vọng, thậm chí mang họa. Sai về đánh giá người tài coi như đã hỏng từ đầu vào.

Có được nhân tài mới chỉ là một công đoạn, thứ hai là giữ được nhân tài và thứ ba là phát huy được tài năng của họ.

Muốn giữ được nhân tài thì phải đặt niềm tin vào họ, coi họ là cộng sự thân tín, là người tâm phúc để chia bùi sẻ ngọt. Năm xưa Lưu Bị “tam cố thảo lư”, khi mời được  Ngọa Long tiên sinh xuống núi, Lưu Bị tin tưởng bằng cả tấm lòng và giao quyền điều binh khiển tướng. Cảm cái nghĩa này, cả đời Khổng Minh cung cúc tận tụy lo cho nhà Thục đến kiệt lực mà quy tiên.

Nhân tài thực sự bao giờ cũng có chí khí, nghĩa khí, vì vậy phải đặt việc đúng tầm và đãi ngộ tương xứng với sự cống hiến của họ. Người làm chủ phải có trách nhiệm với cộng sự, thường xuyên chăm sóc, hỏi han và hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của họ. Người làm chủ phải có cái tâm lớn, cái tình lớn và quan trọng nhất là đối xử công bằng. Yêu người này ghét người khác theo cảm tính thì không trước cũng sau, nhân tài sẽ xách gói ra đi.

Cuối cùng là phát huy tài năng. Đó là tạo điều kiện tối đa để nhân tài thể hiện tài năng, suy nghĩ, thực hiện ý tưởng sáng tạo của họ. Đừng tiếc công, tiếc tiền, bởi vì một sáng kiến thành công đem lại lợi ích bằng cả vạn công lao động. Và phải hiểu rằng, cái sướng của người tài là thực hiện được khát vọng chinh phục của họ, không phải đơn giản chỉ là tiền.

Và không có tài năng nào là đỉnh cao, cho nên cần phải tạo điều kiện để các nhân sự chủ chốt tham gia các chương trình đào tạo nâng cao. Họ càng giỏi thì doanh nghiệp càng có thêm giá trị gia tăng, và đó cũng là cách giữ chân người tài.

Chúc hai cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *