Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Trần Quí Thanh
Năm mới xin gởi tới anh câu hỏi thật cắc cớ: Mình có cần đổi mới tư duy về việc ăn tết không? Cá nhân tui thấy việc ăn tết của mình cũ xì, năm nào cũng giống năm nào, hết cúng vái tới lễ lạt, mất thời gian mà không vui. Đó là lý do vì sao chỉ có con nít thích tết còn người lớn đa phần là sợ tết. Xưa nghèo khó sợ tết là đúng, giờ kiếm đủ rồi vẫn sợ anh ạ.
Chúc anh vui khoẻ, mần ăn tấn tới.
Lê Minh Khôi A (Sài Gòn): khoiaminhle_sg@gmail.com
Anh Lê Minh Khôi mến!
Tui không ủng hộ ý kiến bỏ Tết âm lịch, vì nó mang nhiều ý nghĩa đối với người Việt từ ngàn đời, và tui nghĩ, với Tết cổ truyền, nó thực sự đem đến cho con người nhiều điều hay.
Nhưng tui không đồng ý với cách ăn Tết, chơi Tết của nhiều người, làm cho Tết mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Trước hết là thời gian nghỉ Tết.
Vấn đề không phải nghỉ Tết dài ngày theo quy định của nhà nước, mà “dài” trong não trạng và hành vi của con người. Trước Tết cả tháng đã lo chuyện Tết, nhiều việc để đó không làm với câu nói cửa miệng “thôi để ra Tết”. Nhiều người đi làm mà đầu óc nghĩ tới Tết, nào là mua sắm, sửa sang, trang hoàng nhà cửa, rồi quà cáp cho cấp trên, cha mẹ nội ngoại hai bên, có nghĩa là ăn Tết trước khi được nghỉ Tết.
Lo lắng tất bật đủ thứ như vậy nên sợ Tết là phải.
Ra Tết, đã đến ngày đi làm, nhưng kéo quân tới cơ quan cho có mặt rồi đi chơi, tiếp tục rượu chè, cờ bạc, đi lễ hội, đi viếng chùa. “Thời gian Tết” còn kéo dài trong tư tưởng, trong tâm lý, nên ngày xưa mới có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Nhưng người xưa khác, chỉ có làm đồng, theo mùa lúa, có kỳ nông nhàn. Nhưng thời nay, ăn chơi cả tháng giêng thì chỉ có mạt.
Cách ăn Tết không lành mạnh cũng đáng bị phê phán. Người nghèo, nhưng cũng ráng sức sắm sửa, chưng diện cho bằng chị bằng em, còn đàn ông thì rượu chè, cờ bạc, để sau Tết là nợ nần chồng chất. Nhiều gia đình tan nát cũng vì chuyện này, có thể xem đó là những tệ nạn của dịp Tết.
Tết mà nợ nần, rồi tai nạn, rồi nhập viện vì đánh nhau, không sợ Tết mới là lạ.
Tui thấy gần đây có nhiều người chọn cách ăn Tết khá thú vị, ví dụ như dành thời gian cho gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên nhau. Họ biết sau Tết là mỗi người phải đi một phương, hoặc tất bật vì công việc, nên họ dành tối đa thời gian nghỉ cho người thân của mình.
Có típ người Tây hơn, dành trọn mấy ngày nghỉ cho một kỳ du lịch gia đình, thăm thú một địa danh nào đó, tách rời khỏi sự quen thuộc hằng ngày, quên hẳn công việc, tận hưởng hết kỳ nghỉ để lấy năng lượng trở lại với công việc. Có ý kiến cho rằng Tết mà không ở nhà lo cúng kiếng, thăm bạn bè bà con mà trốn đi mất biệt là mất Tết, nhưng tui cho đây cũng là cách tích cực. Thời hiện đại con người ta lựa chọn cho mình cách sống khác với cái cũ cũng là lẽ đương nhiên.
Vài chia sẻ với anh, chúc anh có kỳ nghỉ Tết vui vẻ nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)