Hồng Thuỷ/ Báo GDVN
—
Đức Phật tu 6 năm trên núi Khổ Hạnh vẫn không thành đạo. Về sau ngồi dưới cội bồ đề và chứng ngộ. Sau đó là hành trình du hoá, từ vườn nai, trúc lâm đến núi Linh Thứu, không nơi nào có căn nhà để ở, chỗ an trú chính là sự bình an trong tâm hồn.
Thời nay, nhiều người tự xưng là Phật tử, nhưng đã không sống theo tinh thần khó nghèo của Đúc Thế tôn, và tìm chân lý theo đạo pháp.
Kinh sách, giáo lý bị biến tướng theo phàm trần, ngày càng sa đọa, đó không chỉ là mối đe doạ về một sự lệch lạc của pháp, mà gây nhiều tệ nạn mê tín dị đoan trong cộng đồng xã hội.
Tôn giáo đã lên tiếng, chính quyền phải chấn chỉnh, đồng thời ngành giáo dục phải tham gia với trách nhiệm xây dựng con người có sự trưởng thành về nhận thức và tư duy khoa học.
Trần Quí Thanh
—
Giáo dục mới làm được việc bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong cộng đồng. Một khi ánh sáng tri thức, trí tuệ lan tỏa thì bóng tối vô minh sẽ lùi xa.
Ngày 22/2 Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 31 đề nghị, các vị trụ trì tự viện trên cả nước hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Công văn lập tức gây chú ý trên truyền thông, vì đúng thời điểm này nhiều nơi, nhiều người tổ chức / tham gia cúng sao giải hạn, xin ấn, xin lộc đầu xuân như một thói quen tín ngưỡng nhiều năm qua, phổ biến từ quan chức đến thứ dân, từ thành thị về nông thôn.
Chúng tôi cho rằng, công văn nói trên rất có ý nghĩa và cần thiết, nhưng sẽ chỉ như nước đổ lá khoai nếu không bắt đầu từ cải cách nền giáo dục nước nhà.
Một mình tôn giáo khó làm thay đổi mặt bằng nhận thức quốc gia
Từ khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng tiếp biến, đồng hành và trở thành chỗ dựa vững chắc cho đời sống tinh thần và tâm linh của cộng đồng dân tộc.
Phật giáo Lý – Trần đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển nền văn hóa Đại Việt rực rỡ.
Nếu chỉ dừng ở mặt nghi lễ, có lẽ các vị Hoàng đế Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã không bỏ cả cuộc đời tham cứu và ứng dụng Phật pháp;
Đặc biệt là Đức vua Trần Nhân Tông đã không bỏ ngai vàng để tìm về miền non thẳm, lập nên thiền phái Trúc Lâm có một không hai.
Các bậc vua chúa khác thì tìm cầu đủ thứ để có thể giúp họ “trường sinh bất lão”, nhưng riêng ba vị vua Trần thì lại xem ngai vàng như áo rách;
Vì trọng trách lãnh đạo quốc gia, dân tộc xây dựng đất nước và bảo vệ non sông trước họa ngoại xâm mà các ngài phải gắng giữ cơ đồ.
Tiếc rằng nhiều con cháu của các ngài ngày nay không tìm thấy “hạt châu trong chéo áo” như các ngài đã từng tìm thấy, đó là lẽ sống, là con đường hướng thiện và hướng thượng, thấy được lẽ thật, giải thoát phiền não.
Sinh thời, các bậc tôn túc trưởng lão lãnh đạo Phật giáo đã nhiều lần cảnh báo về các tín ngưỡng dân gian xa rời mục tiêu giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não và đẩy con người ngày một lún sâu vào bóng tối của si mê đã len lỏi vào đời sống thiền môn.
Chúng tôi được biết, cố Hòa thượng Thích Tố Liên lúc sinh tiền, ngay từ năm 1952 đã có bài viết “Nguyên nhân tục đốt vàng mã” đăng trên báo Đuốc Tuệ, phân tích khá cặn kẽ. Ngài kêu gọi tín đồ Phật tử và đồng bào bài trừ các hủ tục này khỏi đời sống. [1]
Cố Hòa thượng Thích Minh Châu sinh thời đã bỏ cả cuộc đời tìm hiểu kinh điển Phật giáo nguyên thủy với nỗ lực tìm về những lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni được kết tập gần với thời Đức Phật còn tại thế nhất.
Tinh thần hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa vào chính mình, hãy tự mình thể nghiệm chân lý chứ đừng vội tin bất cứ điều gì, mà Phật Tổ tuyên thuyết, đã được Hòa thượng Thích Minh Châu nhiều lần nhắc nhở. [2]
Hòa thượng Thích Thanh Từ, người khơi lại mạch nguồn dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của ngài Trần Nhân Tông, trong sách “Bước đầu học Phật” cũng đã không ngại chỉ thẳng, nói thẳng những biểu hiện của mê tín dị đoan và tri giác sai lầm đã len lỏi và ngày càng phổ biến trong chùa chiền và đời sống cộng đồng tu sĩ, Phật tử.
Nhưng năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán là báo chí và bây giờ là cả mạng xã hội liên tục xuất hiện thông tin, hình ảnh, video về lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, người dân ngồi chật kín cả Ngã Tư Sở, Hà Nội.
Mới nhất là hình ảnh nhiều người đổ xô đi mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài, cho dù có thể lỗ ngay sau khi mua được một miếng vàng “may mắn”.
Sau những hình ảnh chen lấn, xô đẩy đến nghẹt thở để có được trong tay lá ấn ở Đền Trần, Mỹ Lộc, Nam Định mỗi mùa lễ hội để cầu thăng quan tiến chức, lá ấn đang dần trở nên phổ biến ở nhiều cơ sở thờ tự từ cũ đến mới.
Thậm chí có lúc người ta còn định đúc hẳn một chiếc ấn dành riêng cho hoàng thành Thăng Long để đáp ứng nhu cầu cầu may trong dân chúng, và ngay cả quan chức, trí thức.
Để cầu may, ngoài việc sắm sửa lễ vật thì một thứ không thể thiếu trong các nghi lễ nói trên là vàng mã, với đủ loại mẫu mã, chủng loại và giá cả theo đúng quan niệm trần sao thì âm vậy.
Chúng tôi không có số liệu thống kê nên khó so sánh được thực trạng, mức độ sử dụng vàng mã ở Việt Nam so với các nước Á Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như thế nào.
Nhưng thực tế, những doanh nhân và tỉ phú hàng đầu thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây, chúng tôi chưa bao giờ nghe nói họ phải dựa vào thánh thần, vào lá ấn, vào cúng sao giải hạn, di cung hoán số …để có thể đạt được những điều họ mong muốn, nhất là về vật chất, công danh và học thức.
Khi thành đạt, cách họ tri ân xã hội cũng khác với chúng ta.
Họ làm từ thiện trực tiếp hoặc thành lập các quỹ từ thiện, khuyến học khuyến tài, các giải thưởng khuyến khích sáng tạo và phục vụ cộng đồng. Đó là những lựa chọn thường thấy của các doanh nhân thành đạt phương Tây.
Những triệu phú, tỉ phú này có nhiều người xây trường, xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc đầu tư vào giáo dục phi lợi nhuận, khiến cho đất nước họ đã phát triển lại ngày một cường thịnh.
Nhìn lại chúng ta, những việc làm thiện nguyện như vậy cũng có, nhưng còn ít. Nhiều người thành đạt lựa chọn xây chùa hơn là xây trường.
Mỗi người có một lựa chọn và niềm tin, đó là quyền của họ. Chúng tôi chỉ thấy buồn, và bất giác nhớ đến lời dạy của cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ:
“Sự học đâu cần chùa to cảnh lớn; Giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập, hành trì.” [3]
Như thế có thể nói, từ các bậc tu hành thạc đức cho đến tổ chức hành chính giáo hội đều không thiếu những lời khuyên răn nhắc nhở, khuyến tấn hàng tu sĩ, Phật tử học và ứng dụng đúng chính pháp;
Nhưng tại sao mê lầm không bớt, người ta vẫn cứ đổ xô đi làm những điều ngược lại?
Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân có nhiều, nhưng phần lớn và chủ yếu nhất là do giáo dục mà nên.
Giáo dục tri thức thiên văn, lịch pháp và khoa học triết học đã bị xem nhẹ dẫn đến các niềm tin và hành động cầu may
Báo Nhân Dân ngày 2/6/2004 có dẫn lại bài báo “Thiên văn – ngành học “viển vông”” trên báo Thể thao Văn hóa. Tác giả bài báo cho biết:
“Vào trước những năm 1950, ở bậc trung học chuyên khoa, với các ban Toán, Lý, Hóa, ban Vạn vật và ban Văn, Sử cũng đã đưa môn thiên văn học vào chương trình giảng dạy.
Thiên văn học được coi là môn học chung, là một trong những môn học cung cấp kiến thức cơ bản cho mọi đối tượng học sinh, chứ không phải là môn học chuyên ngành chỉ thuộc về khối khoa học tự nhiên như bây giờ ta vẫn tưởng.
Và học sinh cũng được tiếp xúc với thiên văn học rất sớm, chứ không phải chờ đến bậc đại học mới được “cưỡi ngựa xem hoa” như một môn phụ.
Tuy nhiên, sau này, khi ngành giáo dục tiến hành đợt cải cách chương trình theo hướng tinh giản một số môn học, chỉ tập trung vào những môn học phục vụ mục tiêu xây đựng, phát triển đất nước, thiên văn học cũng nằm trong diện tinh giản.
Và từ đó đến nay, môn học này vắng bóng hẳn trong nhà trường phổ thông, dễ đến hàng chục năm qua” (tính đến 2004, và đến nay vẫn thế!). [4]
Chúng tôi cứ ao ước, giá kể từ 1950 đến nay Thiên văn học và khoa học Triết học vẫn được dạy trong nhà trường phổ thông, thì có lẽ đã không có tình trạng đổ xô đi cầu may, xin ấn, cúng sao giải hạn…cho đến đốt vàng mã lan tràn như ngày nay.
Vì sao? Vì khi con người ta hiểu được Giáp, Ất, Bính, Đinh…hay Tí, Sửu, Dần, Mão…chỉ là cách đánh số của người Trung Hoa và các nước trước đây bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hoa Hạ trong việc ghi lại các sự kiện ngày tháng, thì người ta đã không gán cho nó những ý nghĩa tốt – xấu.
Nếu người ta hiểu được cách làm lịch (dương lịch cũng như âm – dương lịch / nông lịch) dựa vào mối quan hệ giữa Mặt Trời – Trái Đất – Mặt Trăng để tính ngày tháng và mùa màng, nông vụ thì đã những nhận thức về ngày tốt, ngày xấu đã không phổ biến như thế. [5]
Khi được học thiên văn, biết được các vì sao, chòm sao, các thiên thể trong vũ trụ bao la, những quan niệm về sao tốt, sao xấu sẽ ngày càng giảm bớt.
Rồi đến khoa học triết học, tại sao nhiều nước tiên tiến đưa vào dạy từ bậc trung học phổ thông như Cộng hòa Liên bang Đức, vì cùng với Thiên văn học, Triết học cung cấp cho con người ta những kiến thức cơ bản nhất hình thành nên thế giới quan khoa học.
Có lẽ con người là sinh vật duy nhất trên trái đất này biết đi tìm ý nghĩa của sự sống, và luôn theo đuổi những câu hỏi về ý nghĩa của sự sống.
Về mặt tâm linh, câu hỏi sau khi chết con người còn hay mất, con người đi về đâu được không ít người đặt ra. Về mặt khoa học, con người cũng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, ta là ai khi cha mẹ chưa sinh?
Trên con đường tìm kiếm chân lý, các tôn giáo đều góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nhân sinh quan, thế giới quan cho tín đồ không ngoài mục đích giúp con người sống hướng thiện và hướng thượng.
Nhưng một mình tôn giáo không làm được việc này, nếu như giáo dục thiếu đi những tri thức khoa học phổ thông, thường thức và cơ bản về thiên văn, triết học (khoa học triết học).
Chúng tôi được biết, Thiên văn học đã được đưa vào chương trình môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6, Vật lý ở lớp 10 trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là kết quả của những nỗ lực không nhỏ và rất đáng ghi nhận của một nhóm nhà khoa học tham gia xây dựng chương trình môn Vật lý, tuy nhiên mới chỉ là bước đầu.
Để thay đổi mặt bằng nhận thức, để nâng tầm một dân tộc không thể không cải cách giáo dục, nhưng phải trả việc này cho các nhà khoa học chứ không phải các nhà khoa học đi làm thuê cho những dự án sử dụng ngân sách, thì may ra.
Vì vậy chúng tôi thiết nghĩ, chỉ có giáo dục mới làm được việc bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong cộng đồng. Bởi một khi ánh sáng tri thức, trí tuệ lan tỏa thì bóng tối vô minh sẽ tự lùi xa.
Cải cách giáo dục hay đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là để giải quyết những vấn đề từ thực tiễn như thế, để nâng tầm vóc và trí tuệ người Việt, để nâng dân tộc lên một tầm cao mới. Có như vậy, cải cách mới thành công.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://phatgiao.org.vn/phong-tuc-tap-quan/201401/Chuyen-ve-mot-dam-tang-khong-vang-ma-theo-nghi-thuc-chinh-thong-Phat-giao-o-vung-Tay-Bac-13277/
[2]http://phatgiao.org.vn/loi-phat-day/201401/Hay-tu-minh-thap-duoc-len-ma-di-13331/
[3]https://vov.vn/xa-hoi/phong-su/lao-nong-tang-trong-ngoi-co-tu-204482.vov
[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/9005002-.html
[5]https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%B4ng_l%E1%BB%8Bch
Nguồn: Theo Báo Giáo dục Việt Nam online
Link bài: Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn
(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc