Ý thức về an toàn của người Việt mình rất kém

Trần Quí Thanh

Vẫn diễn ra nhiều hội thao PCCC nhằm nâng cao ý thức an toàn PCCC trong đội ngũ cán bộ và nhân dân nhưng hầu như chỉ là hình thức (Ảnh: Trần Việt- Báo Vũng Tàu, chú thích ảnh: TQT)

Ông bà mình nói “cháy nhà ra mặt chuột” chớ có sai. Sau vụ cháy tòa nhà Carina Plaza, các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra mới lòi ra toàn chữ “không”. Còi báo động không kêu, cửa thoát hiểm không đóng nên khói tuồn vào, không có thiết bị phòng cháy chữa cháy đảm bảo yêu cầu…

Những chữ “không” đó là câu trả lời cho nguyên nhân hỏa hoạn, và những chữ “không” đó được đổi với giá của 13 mạng người, chưa kể nhiều người bị thương và tài sản bị thiêu hủy.

Ở các nước văn minh, đứa bé vào xe hơi phải có ghế riêng và thắt dây an toàn, trong siêu thị, đưa trẻ em đi cũng đặt vào xe đẩy và thắt dây an toàn. Người ta rèn cho công dân có ý thức chấp hành các quy định về an toàn từ khi còn bé, cho nên khi trưởng thành, việc chấp hành đó trở thành tự nhiên như bản năng.

Tui quan sát nhiều và có kết luận rằng, người Việt rất không có ý thức về an toàn. Trước hết là rất coi thường các quy định về an toàn, trong đó có an toàn cháy nổ. Nếu như có trang bị các dụng cụ phòng cháy chữa cháy, thì đó là sự đối phó hơn là ý thức phòng ngừa. Có nhiều người không biết sử dụng bình cứu hỏa, mặc dù nó đặt ngay trong cơ quan của mình, thậm chí trong phòng làm việc của mình.

Trong nhà máy, xí nghiệp, an toàn cháy nổ là việc được đặt lên hàng tối quan trọng, bởi vì chỉ cần một vụ hỏa hoạn, coi như toi cả cơ nghiệp xét về tài sản, nếu để chết người thì chưa biết số phận của chủ doanh nghiệp đi về đâu. Thế nhưng, khi đưa ra các quy định, quy chuẩn về an toàn, các doanh nghiệp thường vấp phải sự phản ứng của công nhân, họ cho rằng gây khó dễ cho sinh hoạt của họ, ví dụ như cấm hút thuốc lá trong nhà máy.

Ngay cả quy định về an toàn giao thông, không chỉ vi phạm luật, phóng nhanh vượt ẩu, mà cả quy định để bảo vệ cái đầu của mình cũng không chịu chấp hành. Khi đưa ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, có cả một làm sóng phản đối. Tui thấy tức cười, luật ban hành để bảo vệ mạng sống của mình mà mình phản ứng thì quá lạ. Về sau cũng phải chấp hành, nhưng lại đối phó, nhiều người đội mũ bảo hiểm kiểu cách, cho đẹp, cho khỏi bị cảnh sát bắt hơn là ý thức tự bảo vệ mình.

Trở lại vụ hỏa hoạn tại TPHCM, ngay sau đó, đã có một đợt kiểm tra an toàn cháy nổ ở một số chung cư trên địa bàn, và kết quả là nhiều tầng hầm chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và nhiều thứ khác vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tui nói thiệt, đến nhiều chung cư, thấy bà con buôn bán hàng ăn, nấu nướng khói lửa quanh các lối vào. Ở chung cư mà đốt vàng mã, van vái thoải mái, không cháy là còn phúc.

Dân không có ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu? Kiểm tra thường xuyên, nhưng không phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, để hậu quả xảy ra, mới thấy cái giá của sự tắc trách được trả quá đắt.

Hay tin ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đi kiểm tra phòng cháy chữa cháy ở các chung cư, tui mừng trong bụng, vì tin rằng ông này sẽ làm quyết liệt.

Sài Gòn ngày 03/04/2018

TQT

Đọc thêm, Link: “Dẹp loạn” yếu kém về phòng cháy chữa cháy là cứu người đó, thưa ông Hải!

(https://laodong.vn/dien-dan/dep-loan-yeu-kem-ve-phong-chay-chua-chay-la-cuu-nguoi-do-thua-ong-hai-598180.ldo)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *