Bạn phải biết mình là ai trên thị trường lao động

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Đã có nhiều tranh luận liên quan đến chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam, khen chê đủ cả, có người còn lạc quan so sánh bằng các nước tiến bộ trong khu vực. Thôi thì mỗi kênh đo theo một tiêu chí, còn tui đo theo tiêu chí thực tế, khi sinh viên tốt nghiệp đến thực tập hay thử việc tại công ty.

Nhiều bạn có cái bằng đại học, với bảng điểm tốt, thì tưởng mình là nhân tài đến nơi. Khi phỏng vấn, đề xuất mức lương cao, trong khi chưa biết mình sẽ làm được gì cho doanh nghiệp.

Tự tin về mình là tốt, tự tin ra giá về mình cũng không có gì sai, nhưng vấn đề ở chỗ là mình phải biết mình là ai, chất lượng của mình trên thị trường lao động. Lao động là hàng hoá, vậy thì chất lượng hàng hoá của bản thân thuộc cấp độ nào, tự mình đã phân loại mình một cách khách quan hay chưa. Xin thưa, muốn làm được điều đó, cần có nhiều năm kinh nghiệm, mới ra trường chưa thể nói gì được.

Đa số sinh viên mới ra trường không đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hiện nay, các bạn phải vừa làm vừa tự học và doanh nghiệp tạo điều kiện đào tạo bổ sung. Doanh nghiệp không lo sinh viên còn hạn chế kiến thức, bởi vì sẽ tạo điều kiện để bổ sung kiến thức, nhưng doanh nghiệp ngại nhất là nhận thức thái độ của của sinh viên mới ra trường. 

Trong giới doanh nghiệp tụi tui, có những đánh giá chung về lực lượng lao động thuộc nhóm trí thức trẻ là, đa số còn thụ động trong công việc, ít chịu khó tìm tòi, học hỏi mà tưởng mình biết rồi. Ý thức chấp hành kỷ luật lao động thấp, nghĩ tới lợi ích trước khi cống hiến. Đây là một thực tế được chứng minh rõ ràng, đó là năng suất lao động của lao động Việt Nam thấp quá xa so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân của nó là do đào tạo, nguồn nhân lực này là sản phẩm của các trường đại học, cho nên phải xem lại chương trình và quy trình, phương pháp giảng dạy. Một nền giáo dục từ chương, áp đặt một chiều, ghi chép nhiều hơn tranh luận, khai thác sức nhớ hơn tư duy tưởng tượng, thì kết quả cho ra những trí thức thụ động và hạn chế năng lực sáng tạo.

Các trường có chương trình đào  tạo 4 năm, nhưng dành nhiều thời gian cho các giáo trình không còn phù hợp, lý thuyết dày đặc nhưng thiếu các môn cho rèn luyện các kỹ năng để áp dụng trong thực tế. Cho nên khi đi làm, cái gọi là thực học không mấy, không thể hoà nhập được với môi trường làm việc đòi hỏi kỹ năng cao.

Tui viết những ý này để đặt vấn đề về mối quan hệ giữa đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nếu như có dự báo tốt về thị trường lao động, có thông tin về yêu cầu từ thực tế cộng đồng doanh nghiệp thì mới đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

 

Sài Gòn 05/04/2018

TQT

Đọc thêm: Link: Hướng nghiệp o bế

(https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/huong-nghiep-o-be-3728785.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *