Cần một chiến lược phát triển ngành nhượng quyền tầm quốc gia

Trần Quí Thanh

Thực tế đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hiện thực hóa được mong muốn đưa sản phẩm, mô hình kinh doanh mang thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường nhượng quyền. Ảnh: Minh Tâm, chú thích ảnh TBKTSG.

Tui nhớ cả chục năm nay, báo chí đưa ra một slogan rất mạnh mẽ, đó là “Vươn ra biển lớn”. Tui thích slogan này vì nó chứa đựng khát vọng chinh phục thế giới của công dân Việt Nam.

Vươn ra biển lớn mang nhiều ý nghĩa, cả lịch sử và hiện tại.

Năm xưa, nhà Nguyễn cửa những hải đội đi biển, điển hình là đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, để con cháu có một vùng chủ quyền rộng lớn trên biển Đông ngày hôm nay. Tính từ đó đến nay, chúng ta đã có đội tàu nào hùng mạnh, chinh phục được biển Đông, đi đến 5 châu 4 biển hay không? Thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa làm được, đau hơn là chúng ta có bờ biển dài 3.200 km để vươn ra đại dương.

Cho nên, ý nghĩa trước hết của vươn ra biển lớn là chính phục nền kinh tế biển, bằng khai thác dầu khí, bằng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, bằng kinh tế hàng hải.

Vươn ra biển lớn còn là hội nhập vào các nền kinh tế thế giới bằng chính sức mạnh, nguồn lực và sản phẩm của chính mình. Điểm lại, mấy chục năm sau đổi mới, chúng ta có hội nhập, có mở cửa, nhưng đón họ vào hơn là chính chúng ta đi. Hàng hóa, sản phẩm của các quốc gia đến Việt Nam thì Việt Nam là thị trường để họ khai thác, còn sản phẩm của Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều. Có thể nói là hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam chưa vươn tới được thị trường thế giới.

Nói cho công bằng là có, nhưng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, dù có khi xuất siêu đạt 7 – 8 tỉ USD/năm, nhưng quá nhỏ bé so với nhập siêu ở các mặt hàng thuộc các lĩnh vực khác.

Về tham vọng “mang chuông đi đánh xứ người”, có nghĩa là “hội nhập” được ở mức đặt chân đến các quốc gia, làm ăn ở xứ người, bán được hàng hóa sản vật của Việt Nam cho dân bản xứ thì còn quá ít. Có một vài thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm đến được thị trường thế giới, nhưng không nhiều và chỉ dừng lại ở mức mở quán, đưa vài ba cái biển hiệu Việt lên, chưa có được nhiều thương hiệu được nhượng quyền để tăng lợi thế và hiệu quả kinh doanh.

Nghịch lý và yếu thế là ở chỗ, trong những năm qua, Việt Nam mua nhiều thương quyền từ nước ngoài nhưng chưa làm được điều ngược lại. Nhượng quyền là xuất khẩu giá trị, từ đó kéo theo lợi ích khác, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế. Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền quốc tế đánh giá: “Qua nhượng quyền, các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu nội địa sẽ được xuất khẩu thông qua hệ thống với giá trị cao hơn rất nhiều lần so với việc chỉ bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến hay bán sức lao động giá rẻ như lâu nay”.

Việt Nam chưa phát huy được nguồn tài nguyên này vì chưa nhận thức một cách đầy đủ về ngành nhượng quyền đối với nền kinh tế của đất nước. Trong lúc nhiều nước trong khu vực đã xem nhượng quyền thương mại là ngành chủ đạo để nâng cao giá trị xuất khẩu thương hiệu quốc gia.

Muộn còn hơn không, chúng ta phải bắt tay vào, phải thay đổi, phải nỗ lực để khai thác tối đa nguồn lực này. Doanh nghiệp phải nỗ lực, tạo được sản phẩm chất lượng cao, có uy tín ở trong nước, thuyết phục được khách hàng và thị trường các nước.

Nhưng nhà nước có vai trò chủ đạo, vạch ra chiến lược mang tầm quốc gia và có các kế hoạch hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Vươn ra biển lớn không thể không có sự chèo vững vàng của thuyền trưởng, ở đây chính là nhà nước.

Sài Gòn ngày 02/05/2018

TQT

Đọc thêm bài, Link: Để đưa thương hiệu Việt đi xa

(http://www.thesaigontimes.vn/271794/de-dua-thuong-hieu-viet-di-xa.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *