Tấn Dũng/ Trung tâm truyền thông
—–
Có những cuốn sách chỉ cần đọc lướt qua cho biết, nhưng có những cuốn sách mà các bạn học sinh cần đọc đi đọc lại, đọc ngấu nghiến, đọc nghiền ngẫm mới có thể hiểu được. Vậy làm thế nào để chọn sách cho đúng?
Trước những băn khoăn trong việc lựa chọn của các bạn học sinh, những nhà lãnh đạo nổi tiếng đã có những chia sẻ về những cuốn sách yêu thích làm thay đổi cuộc đời trong chương trình Leader Talk – “Tủ sách của những lãnh đạo” được tổ chức vào ngày 19/5 tại Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA.
Chương trình có sự hiện diện của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, 100 doanh nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế cùng hơn 600 phụ huynh, học sinh tham dự. Đây là cơ hội để các em biết đến những cuốn sách yêu thích của các doanh nhân nổi tiếng, bổ sung vào tủ sách tri thức của mình, tạo nền tảng khởi đầu vững chắc cho tương lai.
Có mặt từ rất sớm, rất nhiều phụ huynh và học sinh háo hức, mong muốn được gặp các cô chú doanh nhân thành đạt. Trong đó có doanh nhân Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, doanh nhân Dương Quốc Nam – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hoàng Nam Group, doanh nhân Lê Mai Linh – Phó chủ tịch điều hành – Quan hệ đối ngoại và truyền thông của Central Group, doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát…
Mở đầu sự kiện, các bạn nhỏ đến từ Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA đã có những tiết mục văn nghệ đáng yêu dành tặng khán giả, không khí của hội trưởng trở nên vui nhộn hơn.
Tiếp đến chị Đoàn Huệ Dung – giám đốc điều hành Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA cảm ơn các doanh nhận nổi tiếng đã đến tham gia chương trình và khẳng định tầm quan trọng của sách như một người bạn cung cấp nguồn kiến thức vô tận và bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho học sinh.
Á Hậu Thu Hương cũng đã đến tham dư chương trình với tư cách MC cho biết, tủ sách của những nhà lãnh đạo đang được trưng bày ở trường, các bạn học sinh và phụ huynh có thể thăm quan. Bên cạnh đó, chị Hương cho biết, tại sự kiện này, mỗi doanh nhân sẽ có 2-3 phút chia sẻ cuốn sách “gối đầu giường” của mình.
Người đầu tiên đó chính là anh Dominic Vigil – Hiệu trưởng chương trình Mỹ của Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA chia sẻ rằng: “Tôi không phải là doanh nhân, tôi là thầy giáo và rất yêu sách.”
Anh cho biết, xã hội ngày càng phát triển với sự xuất hiện của mạng xã hội, công nghệ thông tin làm cho thế giới ngày càng thay đổi. Tại Việt Nam, văn hóa đọc thua hẳn người nước ngoài, trẻ con thay vì đọc sách thì lại chơi game.
Anh khằng định không thể tách văn hóa học ra khỏi văn hóa đọc. Đọc là phải suy tư, học hỏi. Đọc trở thành một kỹ năng nền tảng cho các em khám phá về cuộc sống xung quanh, cũng như là một phương pháp bổ trợ rất hữu ích cho việc học của bất kỳ môn nào.
Sau phần chia sẻ đầy quý báu của Anh Dominic Vigil, để thay đổi không khí, MC đã nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ về cuốn sách mang tên tập đoàn của gia đình mình.
Chị Phương cho biết rất vinh dự khi được nhận lời mời của Ban tổ chức. “Tôi vừa mới họp với Google tuần trước và bất ngờ biết được thông số của các nước phát triển đọc 20 cuốn sách trên một đầu người trong khi ở Việt Nam chỉ dừng lạị ở 1.8 cuốn sách”, chị Phương chia sẻ.
Chị cũng bày tỏ sư cảm ơn đến ban tổ chức vì đã cho ngồi gần hai em học sinh là Phương và Hải. Hai em có tò mò hỏi: “Cô ơi! cô giỏi văn hay sao mà viết sách ạ?”.
Trước câu hỏi thú vị này, nữ doanh nhân cho biết chị viết cuốn sách kể về trải nghiệm thực tế có được trong quá trình sinh hoạt, làm việc, sống trong một tập đoàn gia đình. Với những câu chuyện trong cuốn sách, chị hy vọng các bạn học sinh có thể nhìn và hiểu thêm bố mẹ mình. Họ là những người cho mình ăn học, cho cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay, chia sẻ cho các bạn về mong đợi xã hội, quan niệm về gia đình. Bởi với con mắt của một con, chị Phương cho biết cũng như các bạn học sinh ở đây, đều có nhu cầu đòi hỏi ở bố mẹ mà không hề quan tâm mình có những đóng góp gì cho gia đình. Mãi khi vào vị trí lãnh đạo, chị mới cảm nhận được bố mẹ mình đang vào giai đoạn khác thì mới mạnh dạn viết cuốn sách và đây là cuốn sách đầu tiên kể về một doanh nhân ở Việt Nam.
Trong lúc này, cả hội trường dường như im lặng, đồng cảm với quan điểm của chị Phương.
“Chuyện nhà Dr Thanh” là cuốn tự truyện kể về cuộc đời sóng gió của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát – Trần Quí Thanh, những góc khuất đằng sau sự thành đạt và hùng mạnh của một gia tộc doanh nhân. Câu chuyện có nhiều tình tiết bất ngờ cuốn hút người đọc theo những biến cố trong cuộc đời ông. Tháng 6 tới đây cũng là thời gian đánh dấu sự kiện cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” tròn một năm.
Chia sẻ về sách “gối đầu giường của mình, Anh Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ rằng : “Có những cuốn sách đã ra đời hàng trăm năm, vẫn còn nguyên giá trị, đó là những cuốn sách góp phần làm nên những nhà lãnh đạo, tạo nên nhân cách của con người, hướng đến sự cao cả, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ.”
Đối với anh, cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” của nhà văn người Ý, Edmondo De Amicis, đã ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến phong cách sống cá nhân của ông. Sức ảnh hưởng của cuốn sách này nằm ở những điều bình dị nhất, sự tử tế và đánh thức tâm hồn cao thượng trong mỗi người.
Sau những chia sẻ quý báu của các doanh nhân, em Nguyễn Ngô Quốc Thịnh, đại diện cho tất cả học sinh của Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA đã có lời cảm ơn bằng tiếng anh dành đến các doanh nhân.
Em cho biết, đây là dịp để các em học sinh được giao lưu, đối thoại cùng những doanh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực và nhận được những cuốn sách vô cùng giá trị do các doanh nhân trao tặng để thêm vào hành trang “vươn ra biển lớn”.
Kết thúc chương trình, khách tham dự đã được tặng những đầu sách bổ ích do ban diễn giả khách mời bình chọn và giới thiệu. Sau nhiều chương trình, rất nhiều em học sinh chia sẻ rằng mình đã được truyền lửa và cảm thấy ngày cáng hứng thú đọc sách.