Thủ Thiêm và luật đất đai

Thiên Tường/ Báo NĐTO
Một cử tri quận 2 phản ánh bức xúc với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 9.5. Ảnh: Trung Dũng.
Không khó để nhận thấy sự lạm dụng để trục lợi lớn của các doanh nghiệp thân hữu, cánh hẩu, đối lập với sự thiệt thòi lớn của người dân mất đất, trong toàn bộ quá trình thu hồi đất này.

Trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra (21.5 – 15.6), Người Đô Thị Online có bài đặt câu hỏi Nước mắt dân Thủ Thiêm có chảy vào… Quốc hội? Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp này, Thời báo Kinh tế Việt Nam Online có bài Khiếu nại đất Thủ Thiêm đã vào báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, như một sự thở phào, reo vui.

Theo tường thuật của báo chí, khi xem xét dự thảo báo cáo này tại phiên họp tháng 5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét: một vấn đề rất nóng, được cử tri và dư luận quan tâm… nhưng không thấy đưa vào báo cáo. Đó là vấn đề đất đai ở Thủ Thiêm.

Cần nhìn lại lịch sử gần 20 năm của vấn đề ở Thủ Thiêm mà ông Lưu đề cập, để thấy rằng hành trình tiếng oan dậy đất Thủ Thiêm đến được diễn đàn Quốc hội gian truân như thế nào và vì sao lại vậy. Trong buổi tiếp xúc cử tri ngay trước kỳ họp Quốc hội này, những người dân Thủ Thiêm đã nêu ra vấn đề khiếu nại kéo dài “về việc thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm”, ý kiến gút lại vấn đề của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP.HCM vẫn chỉ là sự “ray rứt” khi sự việc đến giờ chưa được giải quyết. Đã 10 cuộc tiếp xúc như vậy, với những vụ việc được xới lên, những kiến nghị được đưa ra, người dân Thủ Thiêm đã nghe, đã tin, đã chờ đợi, thế nhưng…

Giờ đây, hai chữ “Thủ Thiêm” đã được nhắc đến tại Quốc hội, người dân Thủ Thiêm nói riêng và người dân cả nước nói chung có thể chờ đợi và hy vọng điều gì?

Ngày 19.5, trước kỳ họp Quốc hội này hai ngày, tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận: việc không đúng thì phải nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố, không vì vấn đề “nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia” mà không dám nhận lỗi…; đồng thời yêu cầu lập kế hoạch, có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc, công khai trên mạng. Phát biểu trước đó về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng…”. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong các vụ khiếu nại, tố cáo, nội dung liên quan đến đất đai chiếm đại đa số. Cũng không phải ngẫu nhiên mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội trong kỳ họp Quốc hội này cho rằng cần “Sửa Luật Đất đai để ngăn lửa bùng lên từ đất”. Giả sử sắp tới đây, vụ việc cụ thể mang tên Thủ Thiêm sẽ được giải quyết, người dân đòi được quyền lợi chính đáng, cán bộ làm sai bị xử lý, thì thật ra giải pháp gốc rễ nằm ở chỗ phải sửa Luật Đất đai làm sao để không phát sinh những Thủ Thiêm mới.

Bất cập, mà cũng là kẻ hở của Luật Đất đai hiện không chỉ nằm ở câu chuyện nóng hổi: giá đất dùng để thực hiện bồi thường khi thu hồi đất đang… không theo giá thị trường. Bất cập – kẽ hở lớn nằm ở quyền “thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, nhất là đối với trường hợp “thực hiện các dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận”, như dự án “xây dựng khu đô thị mới”, “chỉnh trang đô thị”. Không khó để nhận thấy sự lạm dụng để trục lợi lớn của các doanh nghiệp thân hữu, cánh hẩu, đối lập với sự thiệt thòi lớn của người dân mất đất, trong toàn bộ quá trình thu hồi đất này. Khổ nỗi, bản chất tước đoạt của nó đang được nhân danh vì lợi ích công cộng, mà công cụ nhân danh nhiều khi là… quy hoạch.

PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng “phải làm cho quy hoạch không là quyền đương nhiên của chính quyền, không thể tự ý quyết định thông qua một văn bản hành chính, mà phải trở thành một quy trình chính trị. Bất kỳ thế lực nào đưa ra đề xuất cũng phải công khai thảo luận, trả lời, chịu sự phản biện của toàn xã hội. Theo ông Nghĩa, “cần nhấn mạnh như thế, bởi đôi khi đứng đằng sau quy hoạch không phải là chính quyền, mà là các thế lực kinh doanh bất động sản với những toan tính riêng của họ”. 

Bằng một quy trình khép kín với động cơ trục lợi như vậy, sẽ không bao giờ có một cái giá thị trường nào cho người dân bị thu hồi đất! Cách xác định giá thị trường chính xác nhất là để doanh nghiệp thực hiện dự án thương lượng với người dân, chứ Nhà nước không đứng ra làm “trung gian” thu hồi đất như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc sửa Luật Đất đai đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Quốc hội, với chức năng chính là làm luật, sẽ đúc kết được điều gì từ lát cắt thực tiễn Thủ Thiêm? Để lửa không bùng lên từ đất, để đốm lửa nhỏ không bùng lên thành đám cháy lớn, việc sửa luật cần phải khẩn trương chứ không thể kéo dài như hành trình nước mắt dân Thủ Thiêm chảy vào… Quốc hội. “Nước xa” – khoảng cách giữa luật với thực tiễn bức xúc của đời sống sẽ không chữa được “lửa gần” – bất ổn xã hội! 

Nguồn: Theo Báo Người Đô Thị online
Link bài: Thủ Thiêm và luật đất đai
(http://nguoidothi.net.vn/thu-thiem-va-luat-dat-dai-13906.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *