Quanh chuyện… bikini!

Đào Nguyên/ Báo TPO
Một đề tài nóng trên các diễn đàn mấy ngày qua: Có nên học theo tổ chức Hoa hậu Mỹ (Miss America) bỏ phần thi áo tắm khỏi cuộc thi hoa hậu? Tranh luận rôm rả nhưng theo kết quả thăm dò ở một tờ báo điện tử thu hút bạn đọc: Chỉ có 29% khán giả muốn bỏ màn thi này. Còn lại muốn giữ nguyên như cũ (tính đến sáng ngày 9/6).

Thi hoa hậu hay thi nữ sinh thanh lịch?

Một ý kiến nhận được hơn một ngàn lượt hưởng ứng: “Nếu bỏ phần thi bikini thì kém hấp dẫn. Đã là hoa hậu phải toàn diện, mặc kín từ đầu đến chân thì biết cơ thể đẹp hay xấu? Nếu chỉ chọn mỗi trí tuệ thì đầy nhà khoa học nữ trở thành hoa hậu mà không cần nhan sắc”. Những ý kiến khác ủng hộ giữ lại màn thi áo tắm: “Thế kỷ 21 rồi! Bỏ thi áo tắm thì ai xem?”;  “Mặc áo tắm để khoe đường nét. Bỏ đi ai coi nữa? Quan trọng là khâu tổ chức”…  Một số người phản ứng một cách thật thà: “Tôi phản đối bỏ phần thi bikini vì tôi rất thích xem phần này”; “Nếu bỏ bikini thì bỏ luôn cuộc thi này đi”; “Những cuộc thi đình đám như Miss Universer (Hoa hậu Hoàn vũ) có bỏ phần thi áo tắm đâu? Chẳng những thế cô gái đoạt giải Hoa hậu Biển lại thường đăng quang hoa hậu”; “Bỏ thi áo tắm thì cuộc thi hoa hậu biến thành thi nữ sinh thanh lịch ở các trường phổ thông?” v.v…

Cách đây vài tháng, tôi có dịp trò chuyện cùng “ông trùm hoa hậu”, nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong và hoa hậu Việt Nam đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, chị Bùi Bích Phương. Cả hai người cùng gợi lại những kỷ niệm đẹp cách đây gần 30 năm khi Bùi Bích Phương còn là một thí sinh sáng giá của cuộc thi “Hoa hậu Hội báo Tiền Phong”. Màn thi khiến chị cũng như các thí sinh ngày ấy bối rối nhất chính là màn thi trang phục áo tắm. Theo anh Dương Kỳ Anh, ban tổ chức đã nhờ một mỹ nhân có nhan sắc thuộc hàng “chim sa cá lặn” thời ấy, ca sỹ  Ái Vân  mặc áo tắm dắt vài thí sinh ra tới mép sân khấu để tăng tự tin, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Trải qua 30 năm, với bao nhiêu biến thiên của thời gian và thời cuộc, thí sinh thi hoa hậu hôm nay đã tự tin với màn thi áo tắm, không còn bỡ ngỡ, ngượng ngùng như thời của hoa hậu Bùi Bích Phương năm xưa. Nhìn vào hành trình đó, mới thấy thanh niên Việt Nam hôm nay đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn, biết trân quí hơn vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng. Đó là tín hiệu đáng mừng!

Trước cuộc tranh luận hiện nay, tôi đặt câu hỏi với nhà thơ Dương Kỳ Anh: “Theo anh, có cần thiết bỏ màn thi áo tắm khỏi cuộc thi hoa hậu không?”. “Ông trùm hoa hậu” không cần suy nghĩ, đáp ngay rằng: “ Đã 7, 8 tờ báo hỏi tôi câu này và tôi luôn khẳng định quan điểm, không cần thiết phải bỏ phần thi áo tắm. Vì đây là cuộc thi hoa hậu, thi hoa hậu trước hết là thi về vẻ đẹp hình thể, tất nhiên hình thể đẹp phải hài hòa với các phẩm chất khác như vẻ đẹp về sự hiểu biết, về văn hóa ứng xử… Người ta nói, đẹp như hoa hậu mà”. Còn chuyện ở Mỹ bỏ phần thi áo tắm theo Dương Kỳ Anh: “Họ bỏ phần thi này là việc của họ, không nhất thiết người ta làm gì ta theo đó. Cho dù người ta văn minh, phát triển nhưng ta có cách làm của ta, nếu bỏ phần thi áo tắm thì công chúng khó mà đánh giá được vẻ đẹp hình thể hoa hậu một cách chính xác…”. Quan điểm của nhà thơ Dương Kỳ Anh trùng với quan điểm của số đông khán giả.

Một trong những người kịch liệt phản đối bỏ màn thi áo tắm khỏi cuộc thi hoa hậu, chính là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Dũng Art: “Thi hoa hậu để chọn người con gái đẹp nhất, cái đẹp phải là tổng hòa từ trí tuệ, nhan sắc, hình thể. Thiếu 1 trong 3 tiêu chí này không đủ để đánh giá cái đẹp. Cho rằng thi áo tắm là không phù hợp, là động chạm đến chuẩn mực đạo đức, là gợi những suy nghĩ xấu về dục vọng, là coi thường phụ nữ… Tất cả những cái đó theo tôi là thánh thiện “dởm”. Không phải vô lí mà người ta nói “nhất dáng, nhì da, thứ ba là nét”, không phải vô lí mà chị em ta đi tập gym, tập bất cứ môn nào chỉ nhằm có được hình thể cân đối, đẹp mắt nhất”. Tuy nhiên, theo nghệ sỹ Dũng Art: Chấm thi áo tắm gắn với không gian thiên nhiên, bãi biển, bể bơi, sông suối… sẽ hợp cảnh hơn là chấm “dưới ánh đèn sân khấu sáng lòa”.

Á hậu Thanh Tú trong trang phục bikini tại Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016

Tự tin với hình thể đẹp là điều tốt đẹp

Tôi tiếp tục mang câu hỏi trên gặp siêu mẫu Hà Anh, cô là người thị phạm thí sinh về phong cách trình diễn trong nhiều cuộc thi nhan sắc lớn.  Hơn nữa, Hà Anh từng có nhiều năm học tập và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Cô biết rằng, không chỉ ở Mỹ mà ở một số nước châu Âu, một số tổ chức bảo vệ phụ nữ phản đối việc đánh giá phụ nữ qua vẻ đẹp hình thể. Tuy nhiên dưới con mắt chuyên môn Hà Anh nhận định: “Một cuộc thi hoa hậu có phần thi áo tắm bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Hoa hậu là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp hình thể ở mức thăng hoa nhất. Cho nên, màn thi áo tắm rất thu hút mọi người, đặc biệt là khán giả. Nếu một cô gái được trời phú cho một hình thể đẹp và tự tin với hình thể đó thì cũng là một điều vô cùng tốt đẹp. Thí sinh đồng ý tham gia cuộc thi đã ở một độ tuổi  hoàn toàn có thể tự chủ được quyết định của mình. Tôi có thể hiểu được phần nào, khi một số nước cho rằng, đánh giá phụ nữ qua vẻ đẹp hình thể quá nhiều là không công bằng với phụ nữ. Nhưng nếu cuộc thi hoa hậu mà bỏ phần thi áo tắm sẽ nguội hơn rất nhiều”. Trước câu hỏi: “Người ta muốn bỏ phần thi áo tắm để nhấn mạnh vẻ đẹp trí tuệ, bạn nghĩ sao?”. Siêu mẫu Hà Anh cho rằng: “Chỉ trong một cuộc thi thôi cũng khó đánh giá hết vẻ đẹp trí tuệ của một con người. Cho nên bỏ phần thi áo tắm cũng không giải quyết được vấn đề gì, không góp phần nhấn mạnh thêm vẻ đẹp trí tuệ của cô gái đó”.

Hoa hậu Thùy Dung trong trang phục áo tắm tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008.

Hoa hậu Diệu Hoa khẳng định: Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam luôn coi trọng vẻ đẹp toàn diện của thí sinh, cả về ngoại hình lẫn trí tuệ. Người đẹp giành danh hiệu cao về nguyên tắc phải có vẻ đẹp toàn diện. Chị có một gợi ý nhỏ, qua trải nghiệm của bản thân: “Diệu Hoa tham gia cuộc thi hoa hậu lần thứ hai năm 1990. Lúc đó, tại các bể bơi, bãi biển, chị em ta chưa mấy ai mặc bikini. Tuy nhiên, dù mới được tổ chức, cuộc thi vẫn theo thông lệ quốc tế, thí sinh mặc áo tắm nhưng là áo tắm một mảnh. Lúc đầu, Diệu Hoa hơi ngượng, nhưng bước ra sân khấu lại thấy vui trước sự cổ vũ của khán giả. Nhớ lại kỷ niệm đó, Diệu Hoa có suy nghĩ rất “sơ bộ” là nên chăng, sau này chứ không phải bây giờ, ngoài bikini, có thể tính đến áo tắm một mảnh, hoặc bộ quần áo thể thao thật thời thượng, hoàn toàn có thể giúp thí sinh khoe vẻ đẹp hình thể của mình?”.

 
Nguồn: Theo Báo Tiền Phong online
Link bài: Quanh chuyện… bikini!
(https://www.tienphong.vn/hoa-hau/quanh-chuyen-bikini-1282789.tpo)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *