Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi chú Trần Quí Thanh
Trước hết chúng cháu xin cảm ơn chú đã có nhiều lời khuyên có giá trị cho lớp trẻ bước đầu khởi nghiệp qua việc trả lời thư bạn đọc ở blog của chú.
Sau đây chúng cháu muốn gửi chú một vấn đề tuy rất cũ nhưng thế hệ khởi nghiệp nào cũng vấp phải, đó là: Sự va chạm ngày càng lớn giữa những người sáng lập đã đẩy công ty vào những rắc rối và bế tắc. Cái tôi mà chú đã nhiều lần cảnh báo cứ phình to ra.
Xin chú cho biết những bước đi cụ thể để giải trừ cái tôi.
Kính chúc chú khoẻ mạnh hạnh phúc
Nhóm Startup Lê-Minh- Hạ- Tuyết (Hà Nội): Hanoi_startup_2013@gmail.com
—–
Lê-Minh-Hạ-Tuyết mến!
Xung đột trong quan hệ bạn bè, vợ chồng và đồng nghiệp là chuyện hết sức bình thường, chúng ta không phải là thánh nhân nên không thể không gây ra lỗi lầm với nhau, cho nên việc còn lại là ứng xử như thế nào để hóa giải những xung đột đó.
Đặc điểm chung của những người sáng lập doanh nghiệp đó là, ai cũng thông minh, táo bạo, cá tính mạnh, cho nên thường bộc lộ cái tôi cũng mạnh.
Thêm vào đó, họ là người “khai quốc công thần”, nên mang trong mình chút tự hào công thần. Chính điều này làm cho cái tôi trở nên ghê gớm hơn. Vì vậy, phải khéo léo giải quyết nhưng mâu thuẫn, xung đột, nếu không sẽ dẫn đến những điều tồi tệ, có người phải xách gói ra đi.
Apple do Steve Jobs và Steve Wozniak sáng lập năm 1976, nhưng có ai ngờ, sau khi có những nhà đầu tư tham gia, đã có những xung đột xảy ra. Một sự kiện chấn động thế giới xảy ra năm 1985, Steve Jobs bị sa thải khỏi Apple, nơi mà ông là người sáng lập. Phải mất 11 năm sau, Steve Jobs mới quay trở lại Apple với vai trò CEO.
Steve Jobs là người giỏi, nhưng ở lứa tuổi chưa chín, ông thường làm cho cộng sự bị tổn thương.
Vì Steve Jobs và Apple quá nổi tiếng nên ai cũng biết, còn bao nhiêu trường hợp khác, do mâu thuẫn, xung đột mà những người đồng sáng lập phải chia tay nhau mà chúng ta không biết.
Để tránh nó, trước hết mỗi người nên hạ cái tôi của mình xuống để lắng nghe nhau. Lắng nghe phải chân thành, trong tâm thế chia sẻ, để hiểu nhau.
Mỗi người là một vũ trụ, vì vậy hãy tôn trọng cách sống của nhau, đừng so sánh anh kia đi đánh golf còn tôi phải suốt ngày vùi đầu vì công việc. Những so sánh như vậy chỉ làm cho đổ vỡ tình bạn, không được ích gì.
Người Nhật khác người Việt Nam một điểm, đó là người Việt Nam rất hay đổ lỗi, còn người Nhật thì tuyệt đối không. Gặp thất bại, người Nhật cúi đầu nhận lỗi, và đó là cách để không dẫn đến những tranh cãi với đồng nghiệp. Ai cũng nhận lỗi thì còn ai trách ai nữa phải không?
Cuối cùng là học cách tha thứ. Chỉ có tha thứ mới làm cho chúng ta lớn lên, yêu thương những người chung quanh hơn. Mỗi khi cộng sự phạm lỗi lầm, cháu mang tình thương yêu và sự tha thứ đến với họ, chia sẻ thật lòng những tổn thương trong lòng họ, thì cháu chẳng những không mất bạn mà tình cảm càng gắn bó hơn.
Chúc các cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)