Áp dụng binh pháp “bày trận tựa sông” trong khởi nghiệp

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Cafef.vn

—–

Dạ thưa bác Dr Thanh, 

Chúng cháu đọc nhiều bài của bác đăng trong blog này, cảm ơn bác rất nhiều những chỉ giáo của bác cho đội ngũ Startup. Nay chúng cháu muốn bác trả lời giúp một vấn đề có tính chìa khoá của khởi nghiệp mà chúng cháu còn rất băn khoăn. 

Chúng cháu đọc ở một trang khởi nghiệp, có bài: Không có gì để mất chính là một yếu tố dẫn đến khởi nghiệp thành công”. Liệu điều này có chắc không bác? Hay nói cách khác, xin bác bình luận chữ liều trong khởi nghiệp, được không ạ?

Mong chờ bác trả lời 

Kính chúc bác An khang- Thịnh vượng- Hạnh phúc

Nhóm startup Lê- Hoa- Minh- Thái (Sài Gòn): thaibinhchanh_1992@gmail.com

—–

Lê-Hoa-Minh-Thái mến!

Nếu như các cháu đã đọc Hán Sở tranh hùng, chắc biết đến danh tướng Hàn Tín với trận đánh nổi tiếng “Bày trận tựa sông”.

Lúc đó quân Hán chỉ 4 vạn, quân Triệu tới hơn 10 vạn đối trận ở Tỉnh Hình. Hàn Tín cho quân bày trận “bối thủy”, tức là tựa lưng vào sông. Quân Triệu nhìn quân Hán bày trận mà cười, vì trước mặt là núi, sau lưng là sông, thì đó là tự đưa mình vào chỗ chết.

Nhưng khi lâm trận thế quân hai bên lại khác, quân của Hàn Tín xông lên như mãnh hổ, đánh cho quân Triệu tan tác và chiến thắng. Sau đó, trong bữa tiệc mừng chiến thắng, có người hỏi tướng quân Hàn Tín tại sao ông lại đưa quân lính của mình vào nơi có con sông ở sau lưng. Ông trả lời: “Trong tình hình như vậy, một người lính sẽ chiến đấu hết mình vì họ không thể chạy trốn. Nếu được đặt vào một nơi mà họ có thể rút lui được thì chắc chắn họ sẽ bỏ chạy”. 

Bác tóm tắt lại trận đánh vang danh của Hàn Tín để các cháu thấy rằng, khi đặt vào thế không còn gì để mất, con người ta sẽ huy động hết nội lực của mình để chiến đấu. Nếu như quân Hàn Tín còn cửa lui, thì sẽ tháo chạy trước số quân Triệu đông hơn gấp hai lần, nhưng đằng sau là sông, không thể chạy được nên phải xông tới để giành sự sống. 

Rõ ràng, Hàn Tín rất “liều” khi đặt cược một trận đánh quan trọng vào cách dụng binh sai tưởng như tối kị trong binh pháp. Nhưng binh pháp thì hư hư thực thực, trong hoàn cảnh này sai, nhưng trong hoàn cảnh khác lại đúng. 

Vậy thì phải hiểu chữ “liều” ở đây là có trí tuệ, của một người rất lắm cơ mưu như  Hàn Tín, không phải thái độ liều mạng của một người mù quáng, võ biền. 

Áp dụng binh pháp “bày trận tựa sông” trong khởi nghiệp có nghĩa là sau khi đã tính toán kỹ lưỡng các mối tương quan, biết được mạnh, yếu của ta và địch khi đó đưa ra một chiến dịch hoặc chiến lược kinh doanh táo bạo, mạnh mẽ, quyết liệt. 

Một nhà khởi nghiệp khi đẩy vào thế sống còn đó, sẽ làm việc gấp nhiều lần hơn để tồn tại và vượt qua khó khăn, sẽ xoay xở đến cùng để không bị “tiêu diệt” trên thương trường.  

“Bày trận tựa sông” là không còn gì để mất, không có đường thối lui, chỉ có lao tới để sống sót, cho dù phía trước là “hòn tên mũi đạn”. Nói “liều” cũng đúng, nhưng nói “cơ trí” cũng chẳng sai. 

Vậy nhé các cháu, bác khuyên các cháu hãy dám “liều”, dám làm điều đó mới mong có sự thay đổi, có sự đột phá. Nhưng liều của người có cơ trí, không phải liều mạng. 

Chúc các cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *