Hải Lý / VNExpress
28.000 đồng là số tiền tôi vừa trả cho bình nước suối LaVie sáu lít ở cửa hàng tiện lợi gần nhà. Tuần trước cũng bình nước này, tôi chỉ phải trả 24.000 đồng.
Thấy tôi nhẩm tính mức tăng hơn 16,6%, cậu nhân viên thu ngân giải thích bên giao hàng báo giá mới do giá xăng đẩy chi phí vận chuyển.
Trò chuyện với một doanh nghiệp vận tải hàng không về vé máy bay tiếp tục nhích lên, ông nói “chi phí xăng dầu hàng không đã tăng khoảng 60% so với trước Covid. Tiết kiệm các chi phí khác cách nào cũng không bù đắp nổi tốc độ tăng giá xăng”.
Giá năng lượng quốc tế tăng mạnh đã khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước leo lên mức đỉnh lịch sử và áp lực lạm phát đang ngấm vào mọi ngóc ngách của đời sống. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI bình quân năm tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Dư địa tăng CPI mà Nhà nước đặt ra cho năm 2022 chỉ còn 1,75% cho bảy tháng còn lại. Các chuyên gia kinh tế bắt đầu đề cập đến khả năng cuối năm, nếu chỉ số CPI của Việt Nam tiệm cận 5% cũng sẽ là một thành công của kiểm soát lạm phát.
Giá xăng dầu đã “lộ mình” với lạm phát. Tuy nhiên khởi nguồn lạm phát dường như không chỉ bắt đầu từ giá xăng, mà đã thấp thoáng đâu đó sự “trỗi dậy” của tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay. Đa số ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ và đề nghị được cấp thêm quota. Ngân hàng Nhà nước, trong văn bản 3516 ngày 26/5 yêu cầu các ngân hàng “tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo”, đồng nghĩa trước mắt chưa nới quota tín dụng.
Trước đây việc cho vay của các ngân hàng thường êm ả đầu năm và tăng dần vào quý ba, quý bốn. Năm nay khác. Chưa đầy năm tháng, tăng trưởng tín dụng đã vượt 8,04% so với cuối năm ngoái. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm, chúng ta còn dưới 6% cho bảy tháng. Dư địa tín dụng cũng eo hẹp như dư địa CPI vậy.
Chưa bao giờ các ngân hàng cho vay nhiều đến thế tính theo số tuyệt đối. Dư nợ tín dụng đến cuối quý 1/2022 đã lên đến 11.067.407 tỷ đồng, tăng 5,97%. Hai tháng tiếp theo tín dụng tăng trưởng thêm 2,07%, tương đương 220.000 tỷ đồng. Chưa kể Bộ Tài chính vừa công bố số dư trái phiếu doanh nghiệp hiện tại là 1,37 triệu tỷ đồng, bằng số dư cho vay một năm của tất cả các ngân hàng cộng lại.
Trong cơ cấu dư nợ cho vay, dư nợ bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số dư tuyệt đối và tỷ lệ, tương ứng 2.288.000 tỷ đồng và 20%. Tiền chảy vào bất động sản nhiều hơn tiền chảy vào sản xuất và chưa có bất kỳ sự tính toán cụ thể nào liệu giá nhà đất tăng vừa qua đã ảnh hưởng tới lạm phát ra sao.
Tôi trao đổi với đại diện một số ngân hàng về nguyên nhân những tuần gần đây ngân hàng nào cũng nâng lãi suất tiết kiệm. Đang hết hạn mức tín dụng, không cho vay được, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi làm gì? Câu trả lời là để giữ chân khách hàng và đảm bảo thanh khoản. Ngân hàng nào cũng lo người gửi tiền chuyển sang ngân hàng khác.
Có ngân hàng nâng lãi suất để cơ cấu lại nguồn vốn, tức là xem xét tỷ trọng hợp lý của tiền gửi ngắn hạn, dài hạn, không kỳ hạn. Những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao thường không đưa toàn bộ nguồn vốn ra cho vay. Khách hàng gửi không kỳ hạn có thể cần tiền, rút ra bất cứ lúc nào. Chỉ hai ngân hàng cho biết tăng lãi suất tiết kiệm để đề phòng sự “hạ cánh cứng” của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
“Hạ cánh cứng” như một trong hai ngân hàng nói, là doanh nghiệp bất động sản không có dòng tiền về để trả cho người mua khi trái phiếu đáo hạn. Lúc ấy doanh nghiệp sẽ xoay xở như thế nào nếu không “chạy” đến vay ngân hàng để có tiền trả trái phiếu đáo hạn? Ngân hàng, trong trường hợp cho vay, chấp nhận rủi ro cao, không thể không đưa ra lãi suất cao.
Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành ngân hàng, nhấn mạnh việc áp dụng hạn mức tín dụng, trần lãi suất là biện pháp hành chính, can thiệp vào hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tôi đồng ý đấy là biện pháp hành chính, thậm chí cơ chế xin – cho, nhưng trong điều kiện Việt Nam, ngân hàng lớn nhỏ không đồng đều cả về quy mô lẫn quản trị rủi ro, nếu không có trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới sáu tháng, cuộc đua lãi suất tiết kiệm và cho vay sẽ ngay lập tức được kích hoạt. Tăng trưởng tín dụng có thể cao chót vót, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Và cũng không nên quên rằng Ngân hàng Nhà nước trực thuộc Chính phủ.
Tuy nhiên, cơ chế, biện pháp hành chính vẫn có thể linh hoạt. Những ngân hàng không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, quản trị rủi ro tốt có thể được tạm ứng hạn mức tín dụng để phục vụ cho việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, đồng thời góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng là nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước, cũng là mong mỏi của người dân, trong đó có cá nhân tôi, bởi thu nhập làm công ăn lương thuần túy cho dù có tăng chăng nữa, cũng khó bù đắp lạm phát kỳ vọng của năm nay.
Đi chợ, siêu thị hàng ngày, tôi và bao người tiêu dùng khác, hiếm khi thấy những mặt hàng đã tăng giá, lại giảm giá về mức cũ, trừ các đợt khuyến mãi. Trước giờ, đến Tết giá hàng hoá mới tăng, nay giá tăng không cần Tết.
Mong chờ chai nước sáu lít giảm giá về lại 24.000 đồng là viển vông, tôi chỉ ước rằng nó đứng ở mức giá này mươi, mười lăm tháng và lần tăng giá sau ở tầm 2-3%, đừng làm cái rụp 16-17% như tuần rồi.
Nguồn: https://vnexpress.net/ap-luc-lam-phat-4474170.html