Ba kịch bản lạm phát toàn cầu ảnh hưởng Việt Nam

Lan Anh/ ZingNews

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng lạm phát nhiều khả năng sẽ là vấn đề dai dẳng trong trung hạn và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội trong nước.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận áp lực và khó khăn với nền kinh tế trong những tháng cuối năm ngày càng gia tăng, đặc biệt từ tình hình lạm phát trên toàn cầu.

Trong kịch bản cơ sở, lạm phát toàn cầu có thể đạt đỉnh vào quý II hoặc III trước khi giảm dần và ổn định vào cuối năm sau. Giá năng lượng vẫn ở mức cao trong năm nay nhưng sẽ bắt đầu giảm từ năm sau, chuỗi cung ứng toàn cầu dần hồi phục và các điều chỉnh chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của các quốc gia sẽ phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, lạm phát cũng có thể giữ đà tăng và đạt đỉnh vào đầu năm sau, tốc độ giảm chậm hơn trong năm 2024. Khi đó, giá dầu có thể đạt mức 150 USD/thùng. Còn theo một kịch bản khác, lạm phát sẽ giảm với tốc độ nhanh và sớm ổn định vào giữa năm 2023 nếu xung đột giữa Nga và Ukraine sớm kết thúc.

Những thách thức với nền kinh tế Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát từ bên ngoài đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là nông nghiệp. Đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp cũng gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển leo thang.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Lạm phát đang tác động mạnh đến các ngành sản xuất, xây dựng, kể cả đầu tư công. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mặt khác, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công và hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng cũng dẫn đến chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 31/7 ước đạt chưa đầy 35% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Giữa lúc này, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản lại ở tình trạng dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều vướng mắc, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nói thêm, chất lượng dòng vốn FDI đến nay chưa được cải thiện, thiếu các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn”, báo cáo của cơ quan này nêu rõ.

Xét trên bình diện chung, Việt Nam đang ở nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hiện nay, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, còn mô hình tăng trưởng cũng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cần giải pháp trọng tâm để tránh suy giảm sản xuất

Trước những thách thức này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp. Từ đây sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân.

Thu NSNN cả năm dự báo đạt tốt, có dư địa tài khóa để chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong đó, chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, hạn chế đầu cơ, tích trữ, làm giá, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Chính sách tiền tệ phải chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách Nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, có dư địa tài khóa để có thể chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Mục tiêu chung cho giai đoạn 2021-2025 là tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân bằng khoảng 32-34% GDP…

Nguồn: https://zingnews.vn/ba-kich-ban-lam-phat-toan-cau-anh-huong-viet-nam-post1340771.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *