Nhân ngày giỗ ba
Ba tui là ông Trần Văn Bưởi, con thứ tám trong một gia đình rất đông anh em. Nhờ bản tính xông xáo, tháo vát, lại rất giỏi buôn bán và các nghề cơ khí, nên một mình ông gần như cáng đáng hết mọi chuyện trong nhà.
Ông chăm sóc cho ông bà nội cùng gia đình. Thậm chí khi người em thứ mười chết sớm, ông nhận nuôi hết mấy đứa con. Mọi người trong xóm hồi đó thường kêu ba tui là chú Tám Hiệp Phát, bởi đó cũng là tên vựa buôn bán vật liệu xây dựng của ông.
Dù có rất nhiều tiền nhưng ba tui là con người khắc khổ, khó tính, quen sống tự lập và hết sức chặt chẽ, chỉnh chu trong từng công việc. Ông đã bắt tay vào việc gì là làm đến cùng, không ai ngăn cản được. Bản tính này của ông thể hiện trong câu chuyện cuối đời nghe giống như giai thoại hài hước.
Chẳng là đến năm đã gần 80 tuổi, ông còn lọ mọ tự tay kiếm vật liệu, tối ngày hì hục gò hàn, đóng cho mình chiếc hòm to bằng inox. Ông đặt nó trang trọng ngay giữa nhà, ra vô nhìn ngắm, sửa sang cho thật hoàn chỉnh. Nhiều người bu tới coi rồi đưa ra lời bình phẩm. Có người bảo:
– Trời đất ơi, ông Tám đóng chiếc hòm bằng inox kín bưng, kiên cố thế này chôn xuống làm sao tiêu được.
Ông ngớ ra một hồi, rồi lại hì hục tự tay rã chiếc hòm dùng vào việc khác. Sau đó ông lùng mua gỗ đinh hương, thả ngâm dưới sông trong nhiều tháng, để rồi tự tay đóng cho mình chiếc hòm bằng gỗ quý. Ông chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi xa. Không muốn phiền đến ai, hay đặt mua, dù ông không thiếu tiền. Chiếc hòm gỗ đinh hương như một công trình chỉnh chu cuối cùng tự tay ông làm, đã theo ông đi về thế giới bên kia.
Ba tui không bự con nhưng rất cao, đặc biệt hai bàn chân ông dài hơn người ta cả khúc. Ông hay đi loại giày Tây dài, mũi nhọn ngóc lên như mũi thuyền, ngón chân ông lấp đầy hết bên trong mũi giầy. Mải lo làm ăn nuôi gia đình nên hơn bốn mươi tuổi ba tôi không thèm cưới vợ. Bà nội tui nhiều lần làm dữ, la chói lói, ông cứ cười trừ. Có bữa bị bà nội dí quá, ông nổi quạu:
– Tui chưa muốn lấy vợ. Tui đèo bồng vợ con thì ai nuôi gia đình ? Má ép quá, tui buông luôn đó.
Bà nội tui đang ngồi ăn cơm, buông ngay chén đũa, đùng đùng đứng phắt dậy:
– Tao không cần mày nuôi tao. Tiền của mà không con cái nối dõi, thì đem quăng hết xuống sông đi. Mày không chịu lấy vợ, tao về quê trên Bình Dương tao sống.
Bà nội nói xong bỏ ăn, làm mặt giận ba tui suốt nhiều ngày không thèm nói chuyện. Thật ra như bao người mẹ cả đời sống vì con, bà rất thương ba tui. Bà không muốn phải nhìn thấy người con trai sáng giá nhất trong nhà, vì mải lo cho cả gia đình mà hy sinh cái hạnh phúc lớn nhất của đời người. Ba tui thì vô tâm, cũng có nhiều cô gái đẹp trong xóm để ý, nhưng ông tìm thấy niềm vui trong công việc nhiều hơn những chuyện tình cảm.
Người ta hay nói nhiều về duyên số. Mãi sau này tôi mới tin, dường như trong chuyện vợ chồng và cả những quan hệ tình ái qua đường, đúng là cái duyên tiền định nhiều hơn ý muốn của con người. “Chuyến đò nên duyên, Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ…”
Trong số những bạn hàng quen của vựa Hiệp Phát có bà Nguyễn Thị Thâu khá xinh đẹp, dáng người tầm thước, ở Hưng Phú – Lái Thiêu hay đến bỏ mối hàng. Bà có hai người con, chồng đi theo Việt Minh bị Pháp giết. Qua nhiều lần giao tiếp ba tui cũng cảm thông, nảy sinh tình cảm thầm kín với bà, nhưng không dám nói ra. Sau này ông hay tâm sự, rỉ rả kể hết chuyện đời với con dâu mà ông thương hơn con ruột. Rất may là vợ tui, vì thương ông nên luôn ghi nhớ trong lòng.
Một bữa, sau khi thanh toán hết tiền hàng, ông mời bà Thâu vô nhà trong nói chuyện.
Ông gãi gãi đầu, nói với bà vẻ nghiêm trọng:
– Lúc này tui hơi kẹt, tính nhờ bà giúp tui một chuyện.
Bà không hiểu ông định nói gì, hỏi :
– Ủa ? Tiền bạc mua bán tui đã thanh toán hết rồi. Ông tính nhờ tui giúp việc gì?
Ông khoát khoát tay :
– Khổ lắm.. Chuyện là.. Không phải vụ tiền bạc gì đâu. Tui với bà làm ăn luôn sòng phẳng. Tại má tui dí quá, cứ nằng nặc bắt tui cưới vợ.
Bà không nín được, phá lên cười:
– Thì người như ông cũng nên lấy vợ đi. Hay ông muốn nhờ tui mối lái cho cô nào? Ông lớn rồi, phải cần bàn tay một người đàn bà thu vén, chăm sóc cho ông.
Ông lúng túng nhìn xuống đất. Cảm thấy các ngón chân mình vốn quá dài, lại như đang mọc dài thêm ra. Rồi ông nói giọng tưng tửng, nửa bâng quơ, nửa như tâm sự với ai đó:
– Mà biết lấy ai đâu. Tui không để ý cô nào. Hay bà ưng nhận lời lấy tôi, rồi hai đứa mình cùng hợp tác làm ăn?
Nghe ông ngỏ lời cầu hôn giống như người ta đang nói chuyện vẩn vơ trên trời dưới đất. Bà nhìn ông, hơi nghẹn ngào, khẽ chớp chớp mắt. Bà không còn cái cảm giác e ấp của cô gái mới lớn khi nghe người ta tỏ tình. Từ lâu bà đã ao ước kiếm được người chồng tử tế như ông để chia sẻ, để ngả vào lòng nhau trong cái tuổi hồi xuân sớm của một người đàn bà góa bụa.
Cũng có nhiều người đàn ông khác ngỏ ý tiến tới với bà, nhưng họ đòi hỏi quá nhiều, hoặc chỉ muốn đi tìm niềm vui trong chốc lát. Bà đã sống một mình nuôi con suốt nhiều năm và tỉnh táo nhận ra rằng, bà cần một người đàn ông tử tế biết thông cảm hoàn cảnh của mình hơn là sự chắp vá tình cảm vội vã, để rồi chia tay.
Bà sợ sự đổ vỡ, khi không còn nhiều thời gian trông ngóng những chuyến đò. Tự nhiên bà thấy thương và tin tưởng người đàn ông đang bứt rứt khổ sở, lúng túng ngồi trước mặt mình. Không khí lặng đi mấy phút, như nghe thấy cả tiếng đàn ruồi vo ve trên những đống vật liệu mây tre ngâm nước lâu ngày để ngoài sân.
Một lát sau. Với tất cả lòng tự trọng của người đàn bà đã qua một đời chồng, bà cố gắng nói chậm rãi, không tỏ ra vồ vập:
– Tui biết từ lâu ông có để ý tui. Thấy ông cũng là người đàng hoàng, giỏi công chuyện làm ăn. Ờ, hay tui nhận lời lấy ông. Nhưng ông phải hứa chăm sóc tốt cho hai đứa con tui nghe.
Nghe bà nói, ông hít một hơi dài, sung sướng thở phào như trút được gánh nặng cả ngàn cân trong lòng. Lúc này ông mới dám tự tin ngước nhìn lên gương mặt người đàn bà vẫn còn nhiều nét của một thời xuân sắc. Vậy là ông đã có vợ. Có người vợ đẹp do chính ông lựa chọn, chứ không phải vì ai ép uổng. Chỉ chút xíu nữa ông quê một cục, buột miệng thốt lên hai chữ “cám ơn”.
Bà chủ động đặt nhẹ tay lên tay ông. Bàn tay thô ráp, chai sạn của anh chàng trai tân đã ngoài bốn mươi, cao lêu nghêu hơi khẽ run lên. Bà lại không nín được cười. Nhưng bây giờ là cái cười không ra tiếng, đầy sự âu yếm, vuốt ve.
Vậy là hai người tổ chức cưới nhau. Và người đàn bà tên Thâu khá xinh đẹp kia chính là mẹ tui.