Bác sĩ giả và những thứ giả khác, phát hiện thế nào?

TS.BS. Võ Xuân Sơn/ Báo TBKTSG


—–

Bác sĩ giả, nghe mà lạnh xương sống!
Một môi trường bảo vệ sức khoẻ rất không an toàn, khi thuốc giả còn nhiều trên thị trường, và nay còn xuất hiện nạn bác sĩ giả.

Nhiều phòng khám Trung Quốc đưa bác sĩ  sang làm việc, nhưng cơ quan quản lý y tế địa phương không quản được bằng cấp chuyên môn của họ. Cho nên đã có nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân của  bác sĩ ở phòng khám Trung Quốc.

Bác sĩ giả Việt Nam cũng không thiếu, hành nghề khắp nơi.

Những khuyến cáo về bác sĩ giả không thể là biện pháp an toàn, vì bệnh nhân dù thông minh đến đâu cũng không thể biết đó là bác sĩ giả hay thật. Cũng giống như người bệnh đi mua thuốc để trị bệnh, không thể biết được thuốc mình mua là giả hay thật. Việc đó thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Còn nữa, các loại thực phẩm chức năng đang tấn công người tiêu dùng và không ai kiểm soát được chất lượng của các loại sản phẩm này.

Thuốc giả, bác sĩ giả, thực phẩm chức năng không kiểm soát chất lượng là những mối nguy cho sức khoẻ, sinh mạng con người. Ngành y tế phải chịu trách nhiệm chính trong việc chấn chỉnh tình trạng này.

Trần Quí Thanh

—–

Liên tiếp thời gian qua, chúng ta phát giác nhiều trường hợp là bác sĩ giả. Tuy nhiên, đa số phát hiện được là những trường hợp ở các bệnh viện lớn, hoặc những nơi mà cơ quan quản lý nhà nước áp dụng việc kiểm tra, kiểm soát gắt gao.

Trên thực tế thì nhiều bệnh nhân của tôi cho hay, tại địa phương của họ (là những miền quê xa), có những người tự xưng là bác sĩ, đến khám chữa bệnh, hoặc đi theo các nhóm bán hàng giá rẻ, trong đó bao gồm cả bán thuốc… Qua những gì họ kể về cách khám và giải thích, tôi tin chắc rằng những người đó không những không phải bác sĩ, mà còn chưa được đào tạo y khoa ở mức cơ bản.

Bác sĩ giả trong các cơ sở y tế là những mối nguy hiểm tiềm tàng. Sự nguy hiểm không chỉ ở uy tín về y hiệu của cơ sở y tế, mà còn là sự an toàn tính mạng của người bệnh. Nhưng, nếu phân tích dưới góc độ tổ chức công việc của ngành y, thì mức độ nguy hiểm được giảm xuống, do các quy định về kiểm tra chéo, và chế độ bình bệnh án, hội chẩn… Nếu nhìn dưới góc độ ấy, thì những bác sĩ giả ở những nơi không có sự kiểm soát sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều.

Nếu chúng ta đến những nhà thuốc tây ở những khu vực vùng sâu vùng xa, hoặc những khu phố “bình dân” ngay tại các thành phố lớn, chúng ta không lạ gì cảnh người bán thuốc hỏi bệnh, ra toa điều trị cho người bệnh. Họ làm việc y như một bác sĩ. Và, hơn cả một bác sĩ, họ điều trị bá bệnh.

Họ không bao giờ xưng danh là bác sĩ, nên chẳng ai nói họ là bác sĩ giả. Nhưng họ lại làm việc của bác sĩ, quyết định chẩn đoán, điều trị…

Chúng ta kêu gọi người dân, hãy là khách hàng thông minh. Ngành y thì bảo họ hãy là bệnh nhân thông minh. Ừ thì họ có thể trở thành khách hàng hay bệnh nhân thông minh, bằng cách không tin những kẻ tự xưng bác sĩ, bằng cách không vào nhà thuốc khai bệnh để cho người bán thuốc kê toa…

Nhưng họ sẽ làm sao khi suốt ngày ti vi, cùng với những người nổi tiếng, ra rả quảng cáo cho các loại, mà ngay cả bác sĩ thật cũng không thể nào biết được, cái nào là thuốc, cái nào là thực phẩm chức năng?

Trước khi chúng ta kêu gọi người dân trở thành khách hàng thông minh, bệnh nhân thông minh, hành khách thông minh… thì các cơ quan quản lý nhà nước phải là các cơ quan thông minh, đủ độ trong sạch để phát hiện, và loại trừ những cái giả trong lĩnh vực do mình quản lý.

Và, khi những “bệnh nhân thông minh” của chúng ta vào bệnh viện, phòng khám bệnh, thì làm sao họ biết ai là bác sĩ thật, ai là bác sĩ giả? Bản thân tôi là bác sĩ, cũng có vẻ là “bác sĩ thông minh”, vì đã từng kêu gọi bệnh nhân hãy làm “bệnh nhân thông minh”, mà đã từng phải mổ cho bệnh nhân khi bệnh nhân đó được một bác sĩ giả gây mê, ngay tại một bệnh viện được coi là đầu ngành, là tuyến cuối.

Đấy là tôi đang nói đến những cơ sở y tế hoạt động đàng hoàng, tuân thủ chặt chẽ các quy trình hoạt động chuyên môn của ngành. Còn những cơ sở hoạt động bất chấp các quy trình chuyên môn, như các phòng khám của người nước ngoài, mà khi đoàn kiểm tra đến thì các “bác sĩ” tháo chạy, thì liệu có bao nhiêu bác sĩ giả trong đó?

Với những cơ sở y tế như vậy, các cơ quan chức năng có biện pháp gì để người bệnh không còn phải bước chân vô đó, hay cứ phó mặc cho trí thông minh của người bệnh, khôn thì sống, dại thì chết?

Nếu phải vẽ một bức tranh toàn cảnh về những mặt tiêu cực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe hiện nay ở Việt Nam, việc các bác sĩ giả bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng.

Những nhóm bán hàng, trong đó có thuốc chữa bệnh, đang xâm nhập vào các địa phương, đôi khi dưới sự giúp sức của chính quyền sở tại, sự mập mờ giữa thuốc và thực phẩm chức năng, có sự giúp sức của truyền thông, hoạt động bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc hợp pháp… đều có thể gặp những thứ giả, còn nguy hiểm hơn cả những bác sĩ giả bị phát hiện.

Gần đây, ngoài bác sĩ giả, còn có phi công giả. Truyền thông đang nói nhiều đến vụ những phi công giả có bằng lái máy bay giả từ Pakistan. Điều này cho thấy, hoạt động của các cơ quan chức năng của chúng ta có vấn đề. Không thể cứ kêu gọi người dân phải trở thành khách hàng thông minh, bệnh nhân thông minh, hành khách thông minh… mà không nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước khi chúng ta kêu gọi người dân trở thành khách hàng thông minh, bệnh nhân thông minh, hành khách thông minh… thì các cơ quan quản lý nhà nước phải là các cơ quan thông minh, đủ độ trong sạch để phát hiện, và loại trừ những cái giả trong lĩnh vực do mình quản lý.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Bác sĩ giả…

(https://www.thesaigontimes.vn/305434/bac-si-gia-va-nhung-thu-gia-khac-phat-hien-the-nao.html)

1 (20%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *