Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Thanh quí mến!
Bữa nay vui dễ sợ, lang thang trên mạng thấy blog của anh. Đọc thì biết anh vẫn khoẻ, trí lực vẫn tinh anh, sức khoẻ vẫn dồi dào. Vui là vì vậy đó anh. Tui lớp nhỏ sau anh, đã có dịp ngồi ké uống bia với anh đúng một lần năm 1988. Từ đó đến giờ đã 30 năm. Nhanh quá.
Thôi, chuyện hàn huyên để sau, tui muốn gởi tới anh tâm sự này: Vừa rồi đọc báo thấy cái tựa kêu ông Nhân bí thơ nói Thành phố sẽ đột phá cải cách hành chính vì dân, vì doanh nghiệp. Nhưng đọc vô bài thấy toàn nói chung chung, không gì mới cả. “Năm 2019 là năm góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân, do đó chỗ nào chúng ta làm chưa tốt, đồng bào chưa đồng tình thì khắc phục”. Năm nào dân cũng nghe nói vậy rồi, riết rồi cũng như không nói.
Tui nghĩ những người như anh nên góp ý cho thành phố là đột phá cải cách hành chính là trúng rồi, nhưng đột phá thế nào, khâu nào là yếu điểm cần phải làm cho được. Đấy là điều dân cần, doanh nghiệp cần, phải không anh?
Chúc anh vạn sự như ý
Kính
Lê Đại Toàn ( tên to mà nghèo rớt mồng tơi): toanledaisg1963@gmail.com
—–
Anh Lê Đại Toàn mến!
Bắt liên lạc được với anh tui thấy vui ghê, hôm nào rảnh thì meo cho tui, tụi mình làm vài ve soi chuyện đời chơi.
Còn vụ cải cách hành chính, đâu phải chỉ TPHCM, mà cả nước này đều phải coi đó là “mục đích tối thượng”, tui nghĩ vậy đó.
Đơn giản là nền hành chính công của chúng ta hiện nay quá lạc hậu, cản trở phát triển, mất quá nhiều sức nước, sức dân. Ai cũng thấy điều đó nhưng không giải quyết được.
Vì sao anh biết không? Vì bám vào cái ghế nhà nước tuy lương ít nhưng bổng lộc nhiều, không ai dại dột tự đi cưa cái ghế của mình. Chính vì vậy nên biên chế không giảm.
Thứ hai, để người dân, doanh nghiệp phải cúng kiếng, thì phải đẻ ra các loại giấy phép con, thủ tục xin – cho. Cái này được ngụy trang bằng mỹ từ là điều kiện kinh doanh, người ta không muốn bãi bỏ vì sẽ mất quyền lực, mà mất quyền lực là mất quyền lợi.
Hai cái tui nêu trên chính là hai yếu tố cốt lõi, đột phá cải cách hành chính không gì khác hơn là tấn công vào hai thành trì này.
Sáp nhập các bộ ngành ở Trung ương thì sẽ sáp nhập được ở địa phương. Ví dụ vừa rồi Cần Thơ, Bạc Liêu, Lào Cai, Hà Giang đã sáp nhập được một số sở như Giáo dục Đào tạo với Khoa học Công nghệ, Giao thông với Xây dựng, Thông tin Truyền thông với Văn hóa Thể thao Du lịch, chưa kể một số ban của Đảng hợp nhất với chính quyền. Chỉ riêng Cần Thơ sau một năm cải cách đã giảm được 2.000 người.
Vậy thì tại sao không mạnh dạn sáp nhập từ Trung ương?
Anh cứ hình dung, nếu cả 63 tỉnh, thành cùng thực hiện sáp nhập thì sẽ giảm được cả trăm ngàn người như chơi. Và còn nữa, sáp nhập được các bộ, ban, ngàn trung ương thì con số giảm sẽ tăng lên gấp vài lần.
Đó mới là bước một. Bước hai là sáp nhập một số địa phương, tỉnh, thành, các địa phương lại sáp nhập quận, huyện, xã. Như vậy, cả nước chỉ còn một nửa biên chế công chức so với hiện nay.
Càng ít cán bộ công chức thì giảm chi tiêu công, nhưng quan trọng hơn là giảm áp lực nhũng nhiễu lên trên vai người dân và doanh nghiệp.
Ít người, khai thác quản trị chính quyền bằng công nghệ thông tin, số hóa, thì nền hành chính được hiện đại hóa, tăng lương cho cán bộ công chức để dưỡng liêm, thì sẽ hạn chế tối đa nhũng nhiễu, hạch sách, đột phá chính là đây. Công nghệ 4.0 cũng là đây chứ đâu xa.
Bãi bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh vô lối, tạo môi trường thông thoáng cho dân chúng làm ăn, đó là cốt lõi của cải cách hành chính. Như thế thì cán bộ có giấy phép con đâu mà “bán”, nền hành chính trơn tru vì không còn có những cán bộ, công chức đi làm khó dân.
Phải làm những việc cụ thể như thế, lượng hóa được số cơ quan được sáp nhập, số đơn vị bị loại trừ, số biên chế được tinh gọn, số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ. Còn chỉ hô hào chung chung thì thiên thu cũng không cải cách hiệu quả.
Chào anh Toàn nhé, hẹn gặp nhau.
Trần Quí Thanh