Bài học về bản lĩnh và tính chuyên nghiệp

Cháu chào bác Thanh!
Nghe tiếng bác nhiều giờ đây mới được đọc blog của bác. Chuyên mục "Chat với mọi người" thật thú vị. Cháu hiểu bác mở ra chuyên mục này để giúp đỡ những người mới khởi nghiệp. Bác thật có lòng. Cháu cũng xin mạo muội hỏi bác hai câu:

  1. Điều kiện trước tiên để thành công là gì?
  2. Điều gì cần nhất với người mới vào nghề?
Nguyễn Thế Đông ( Nam Hà): thedong.bao@gmail.com

 

—–

Cháu Nguyễn Thế Đông thân mến!
 
Câu hỏi cháu gửi đến đúng lúc bác đọc xong bài báo “Cảm phục phát thanh viên bình tĩnh đọc bản tin dù bi kịch ập đến”. Bài báo này  nói lên hai điều quan trong mà câu hỏi của cháu đề cập, đó là bản lĩnh và tính chuyên nghiệp.
Nữ phát thanh viên truyền hình Ấn độ – cô Supreet Kaur – đã khiến cho cả thế giới ngả nón bái phục trước bản lĩnh của cô khi đối diện với cú sốc cực lớn.

Supreet Kaur đang được ghi hình trực tiếp, trao đổi với phóng viên đưa tin từ hiện trường về một vụ tai nạn xe hơi. Từ hình ảnh được đưa về Supreet Kaur biết rõ chồng cô là nạn nhân của vụ tai nạn và đã tử nạn, nhưng cô vẫn giữ bình tĩnh, thực hiện công việc của mình kéo dài đến 10 phút sau đó. Đến khi kết thúc công việc, cô mới òa khóc ngay trong trường quay.

Bác quá thán phục bản lĩnh kiềm chế cảm xúc của Supreet Kaur. Trước sự việc quá kinh khủng ập đến bất ngờ cô vẫn giữ được bình tĩnh để hoàn tất công việc, đó còn là thể hiện tính chuyên nghiệp của một công chức.

Trong nhiều cuộc nói chuyện với sinh viên, các bạn thường hỏi bác bí quyết của sự thành công, bác cũng đã nêu ý kiến của cá nhân mình về sự bình tĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc đời. Có người mới gặp thất bại đã la toáng lên, chửi trời chửi đất, than thân trách phận. Ngược lại, có người biết nuốt chén đắng vào trong lòng, suy ngẫm để tìm ra nguyên nhân của sự thất bại.

Ai cũng nói thất bại là mẹ thành công, nhưng thất bại hoài thì thất bại không còn là mẹ của thành công nữa. Người ta chỉ thành công khi tìm ra nguyên nhân thất bại để tránh không bao giờ lặp lại vết xe cũ. Và cao hơn một bậc là học sự thất bại từ người khác để rút ra bài học cho riêng mình.

Ngoài bản lĩnh đối diện với bi kịch, câu chuyện của nữ phát thanh viên xứ Ấn Độ còn dạy thêm bài học quý giá, đó là tính chuyên nghiệp. Đi làm việc ở cơ quan, công sở hay công ty, người chuyên nghiệp là người trong bất kỳ tình huống nào cũng phải hoàn thành tốt công việc của mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Có người nhận việc là nghiên cứu mọi cách để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Có người nhận việc là nghĩ ngay đến mưu mẹo để biện hộ cho sự thất bại. Loại thứ hai làm sao thành công và được người khác quý trọng phải không cháu?

Đôi lời tâm sự với cháu vậy, chẳng biết có ích cho cháu không.

Chúc cháu mau chóng thành đạt.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
—–
Link báo: Cảm phục phát thanh viên bình tĩnh đọc bản tin dù bi kịch ập đến


Cô Supreet Kaur trong một bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội trước đây. Cô là một phát thanh viên dày dặn kinh nghiệm của kênh tin tức IBC 24

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *