Bản cáo trạng “truy tố” người lớn!

Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động

Ảnh: Zing.

Có không ít phụ huynh tạo áp lực học hành lên con cái, chạy cho vào được trường chuyên lớp chọn, trường nổi tiếng và bắt con phải học để đạt thứ hạng cao. Họ cho rằng làm như vậy là vì tương lai con cái, điều đó chỉ đúng một phần, còn tự trong sâu thẳm, là để thỏa mãn cái tôi của họ.

Con học lớp 1 mà cũng khoe khoang học giỏi vì có nhiều điểm 10. Cha mẹ căn ke con cái từng điểm số, không được loại giỏi là mắng chửi, đánh đập. Con học giỏi cho cha mẹ mở mày mở mặt.

Trong lúc, ở các nước, trẻ con đi học về, cha mẹ chỉ hỏi “đi học có vui không?”.

Những phụ huynh bắt con học để trở thành “thiên tài” là đang đánh cắp tuổi thơ của con cá họ, thậm chí là cướp đi mạng sống của chúng và câu chuyện của em học sinh Trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập là một ví dụ đau lòng.

Trần Quí Thanh

—–

Trước khi nam sinh ở trường Nguyễn Khuyến (TPHCM) nhảy lầu tự tử, cháu để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.

Chắc hẳn cha mẹ của cháu bé sẽ rất đau khổ và ân hận khi đọc được lá thư tuyệt mệnh đó. Nếu như không có sự thúc ép từ cha mẹ, áp lực từ học hành, ganh đua không thể đẩy cháu bé đến mức phải nhảy lầu. Quá đau xót nhưng tất cả đã quá muộn.

Con cái chúng ta không phải thiên tài, không phải thần đồng, đa số chỉ là bình thường, không ngu dốt theo kiểu bất bình thường đã là sự may mắn. Khoa học chia ra nhiều vùng thông minh, không học giỏi toán thì thạo những thứ khác, đá banh hay, cắt tóc giỏi, nấu ăn ngon, khéo trang điểm. 

Tạo hóa vĩ đại là ở chỗ tạo ra con người không ai giống ai, nếu thế giới toàn người đoạt giải Fields thì nhân loại chỉ “cạp đất mà ăn”.

Còn bao nhiêu người khác, không học đến giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhưng họ làm được nhiều việc rất thành công, rất có ý nghĩa cho xã hội, cho đất nước. Tại nước Nam ta thôi, những tên tuổi nông dân chế tạo máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp làm cho giới kỹ sư có bằng phải ngả nón.

Thế giới không chỉ cơm ăn, áo mặc mà sự đói khát về văn hóa nghệ thuật còn hơn thế, cho nên, có những người có thiên hướng phát triển về hội họa, âm nhạc, ca hát. Tại sao lại bắt những người này phải học giỏi môn vật lý?

Cho nên, đừng mất thì giờ ép con phải vào trường chuyên lớp chọn, phải “chạy” bạc mặt để cho con vào trường nổi tiếng, phải ép con có nhiều điểm 10 và giải thưởng mà những thứ đó chỉ là kỷ niệm. Bởi vì, có nhiều em học sinh học rất giỏi, nhưng sau này chẳng làm nên việc gì ghê gớm, ngược lại, có những em học hành bình thường, nhưng là những người thành công. Còn danh nhân ư, đó là thiên tài, không phải nhân tài.

Trở lại vụ việc đau lòng của nam học sinh Trường Nguyễn Khuyến, cái chết của em như một “bản cáo trạng” truy tố người lớn ra trước tòa án lương tâm, có phải vì ý chí áp đặt của chúng ta đã đẩy những đứa trẻ đến cái chết, chúng ta chịu trách nhiệm về những cái chết tương tự đã xảy ra.

Cũng xin được chia sẻ với các em rằng, các em có nhiều cách để trình bày nguyện vọng của mình, thậm chí là phản đối mạnh mẽ, nhưng không nên lựa chọn cách phản ứng tiêu cực bằng cái chết, để lại nỗi đau cho cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè.

Thế giới và tương lai có nhiều điều tốt đẹp dành cho các em.

 

Nguồn: Theo báo Lao Động

Link bài: Bản cáo trạng “truy tố” người lớn!

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ban-cao-trang-truy-to-nguoi-lon-601153.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *