Bánh mì, giấy đi đường và thư xin lỗi

Nguyễn An Nam/ Báo Người Đô Thị

Sự việc công nhân Trần Văn Em đi mua mấy ổ bánh mì, bị ông phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) chặn giữ xe máy, giấy tờ xe vì cho rằng vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg, thậm chí có những lời lẽ đe dọa can thiệp vào công việc, tỏ ra coi thường công dân này trở thành một đề tài nóng trên mạng xã hội trong những ngày qua.

Ngày 20.7, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh đã có thư xin lỗi công dân Trần Văn Em; chỉ đạo phường Vĩnh Hòa trả lại xe và giấy tờ đang thu giữ, đồng thời xác nhận cách mà Phó Chủ tịch Phường Vĩnh Hòa thể hiện “không đúng tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19””. Bức thư cũng cho biết sẽ có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với cán bộ vi phạm “có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong khi thi hành công vụ”.

Sự việc đáng tiếc này đã được lãnh đạo thành phố Nha Trang xử lý nhanh, làm hạ nhiệt các cuộc tranh luận. Nhưng điều mà dư luận lo ngại, đây phải chăng là một điển hình có thể xảy ra với bộ máy thi hành công vụ khi những nghị định cấp bách được đưa ra trong bối cảnh sự giám sát quyền lực bị giới hạn?

Anh Trần Văn Em (áo đen, đội mũ bảo hiểm) bị tổ công tác xử phạt vì cho rằng “bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm” (ảnh cắt từ clip) và thư xin lỗi của Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang.

Một chuyện xảy ra cùng ngày, ông Bùi Văn Phú – Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang, cũng ra văn bản xin lỗi và nhận khuyết điểm trước người dân phường Tấn Tài sau khi vị chủ tịch của phường này chỉ đạo thu phí khi cấp giấy đi đường cho người dân trong thời gian áp dụng Nghị định 16.  Trước đó, người dân phản ánh việc ông Phan Hoàng Việt – Chủ tịch UBND phường Tấn Tài (Phan Rang), đã cho nhân viên thu lệ phí cấp giấy đi đường với giá 10.000 đồng/ lần.

Và một trường hợp khác đã từng xảy ra tại TP.HCM, cũng cần được nhắc lại. Ngay khi Chỉ thị 16 được áp dụng, thì phường 6, quận Gò Vấp cũng từng gây bất ngờ khi ban hành một văn bản đưa ra chỉ tiêu xử phạt người vi phạm các quy định trong Nghị định này. Trước sự phản ứng của dư luận, phường 6 (quận Gò Vấp) đã nhanh chóng thu hồi văn bản “thừa nước đục thả câu” nói trên.

Thu hồi một văn bản định hướng lệch lạc, hay thảo một bức thư nhận lỗi sau khi cấp dưới thực thi công vụ theo lối bừa bãi tùy tiện, coi thường người dân có thể làm xoa dịu dư luận, nhưng điều quan trọng nhất mà người dân, đặc biệt là người yếu thế trong xã hội yêu cầu các cấp chính quyền cơ sở cần có, đó là thực thi trách nhiệm, nguyên tắc chung trong một tinh thần thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng người dân. Và trên hết, là tôn trọng pháp luật.

Những cách thức diễn dịch quy định theo lối lạm quyền, những biện pháp thực thi máy móc thiếu nhân cảm cần được loại trừ.

Bên cạnh đó, các văn bản khẩn cấp còn “mơ hồ”, khi đi vào thực tế có thể làm nảy sinh sự chệch choạc, rối ren thì cũng nhất thiết phải điều chỉnh để những “khoảng mờ” không tạo đất sống cho những kẻ lạm quyền.

Bộ máy công quyền chỉ có thể tạo được niềm tin trong dân lúc này với những nỗ lực và biện pháp chống dịch hiệu quả, trong tinh thần tôn trọng và minh bạch với người dân chứ không phải dùng quyền lực hay “bàn đạp” quy định máy móc để gây khó dễ hay… xử phạt dân hiệu quả.

NGUỒN:  Theo Bao Người Đô Thị

Link bài: Bánh mì…

https://nguoidothi.net.vn/banh-mi-giay-di-duong-va-thu-xin-loi-29712.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *