Báo chí và cuộc đua tới “đường hầm không lối thoát”

Nguyễn Tiến Thanh – TBT Báo ĐS&PL/ Báo TBKTSG

Nguồn ảnh: Internet

—–

Trên thực tế, Facebook và Google đã trở thành những tờ báo khổng lồ nhất mọi thời đại. Nếu báo chí cứ cuốn theo cách làm bỏ sở trường, theo sở đoản, chạy đua thông tin với mạng xã hội thì đó sẽ là một sai lầm chí tử, dẫn chúng ta đến một đường hầm không lối thoát. Làm thế nào để tạo được sự khác biệt giữa báo chí và mạng xã hội, để định nghĩa lại khái niệm tin tức trong thời công nghệ và tái lập vai trò định hướng, dẫn dắt của báo chí trong xã hội thông tin? – đó là trăn trở của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật, xoay quanh vấn đề chuyển đổi loại hình hoạt động báo chí theo đề án Quy hoạch quản lý và phát triển báo chí giai đoạn 2020-2025.

TBKTSG Online xin trích giới thiệu bài tham luận của ông tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, vào sáng nay, 28-12 tại Hải Phòng. TBKTSG Online cũng hoan nghênh và tiếp nhận các ý kiến khác của độc giả xoay quanh vấn đề này.

Hội nghị Báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vào ngày 28-12, tại Hải Phòng.

Khe cửa hẹp để “thoát hiểm” và “sống sót”

Ở thời điểm hiện tại, tôi và các đồng sự của mình đều hiểu rằng, cần phải nỗ lực đối diện và biến thách thức thành cơ hội, mà cơ hội thì giống như quả ngọt ven đường, chỉ hái được khi đi đúng phương hướng và có quyết tâm cao.

Đó cũng là lý do để chúng tôi bắt tay vào công việc chuyển đổi mô hình tòa soạn từ báo sang tạp chí với một tâm thế tự tin rằng, công việc này không chỉ đơn thuần là sự tuân thủ sự chỉ đạo của tổ chức mà còn là một sự lựa chọn đúng đắn hướng đi để phát triển.

Vì sao vậy? Vì theo chúng tôi, cách làm của tạp chí chính là sự khác biệt và cũng là khe cửa hẹp để báo chí “thoát hiểm” và “sống sót” trước sức ép của mạng xã hội – nền tảng truyền thông mới đầy ưu thế được khai sinh từ sự phát triển của công nghệ.

Với cảm nhận của cá nhân tôi, làm báo thời Internet là trải nghiệm một niềm đau dằng dặc, khi người làm tòa soạn phải vùi đầu vào những thao tác kỹ thuật nhàm chán là gắn link, tag hoặc cắt gọt chữ nghĩa cho chuẩn từ khóa SEO, sau đó lại share link (chia sẻ) bài viết của mình lên mạng xã hội để tăng view, (gọi tắt là làm Social), nói cách khác là tự dâng hiến đứa con tinh thần của mình vào một cõi hỗn mang và đầy rẫy thị phi.

Lệ thuộc Google, Facebook – cho dù với mục đích rất thực tế là hướng dẫn bạn đọc tìm đến bài viết nhanh chóng hơn, lan tỏa nội dung đến nhiều người hơn – một bộ phận báo chí đang “vong thân” trước mạng xã hội: bám theo “hot trend” (thuật ngữ có nghĩa đen là xu hướng “nóng”) – mà đa phần là các trend rất nhảm nhí; dùng thủ thuật đẩy – kéo view bằng mọi giá để làm đẹp chỉ số Google Analytis (một công cụ đo lượng người dùng) thay vì cung cấp thông tin, chuyển tải những thông điệp nội dung kịp thời và hữu ích cho bạn đọc.

“Content is king” (nội dung là vua) – tín niệm thần thánh này của báo chí có nguy cơ trở thành một khẩu hiệu suông, vô duyên và xa rời thực tiễn, thậm chí có thể trở thành một tiếng “chuông nguyện hồn ai”, ngân vang chỉ để báo hiệu sự úa tàn của chữ nghĩa, khi cơn sốt view hủy hoại những giá trị cốt lõi của nội dung và làm tan rữa nội tạng các cơ quan báo chí.

Bằng chứng là các tòa soạn trọng dụng những phóng viên, biên tập viên xuất thân từ những trang web của các công ty công nghệ đầy mình thủ thuật “câu” view nhưng không được đào tạo kỹ năng và tư duy làm nội dung báo chí.

“Luồng gió mới” do các bạn trẻ được tuyển dụng từ các trang web thị trường thổi vào tòa soạn già cỗi đã trở thành luồng gió độc. Những kỹ năng mà họ du nhập vào báo chí đã trở thành thuốc gây mê cho những kẻ nghiện view mù quáng trong rất nhiều các tòa soạn.

Điều này khiến nhiều cơ quan báo chí hoang mang trước ngã ba đường. Một câu hỏi đang rền vang trong tư duy lưỡng lự của nhiều cơ quan báo chí: Tồn tại như thế nào? Bay bằng đôi cánh công nghệ trên cõi hỗn độn của mạng xã hội để rồi rơi xuống vực thẳm của sự vong thân, hay đi bằng đôi chân trần rướm máu của chất lượng nội dung (dĩ nhiên là vẫn phải có sự hỗ trợ cần thiết của công nghệ), bước những bước chật vật khó khăn trên chặng hành trình trải đầy gai nhọn và sỏi đá để tiếp cận một thế hệ bạn đọc hoàn toàn khác, hoàn toàn mới mẻ so với trước đây?

Với tư cách là người đã từng có cơ duyên kinh qua tất cả các vị trí: từ phóng viên, biên tập viên đến thư ký tòa soạn… ở vài cơ quan báo chí cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, đã trải nghiệm qua nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn trong  nghề báo, cá nhân tôi chọn cách thứ hai.

Về điều này, trong bài phỏng vấn, tôi đã tâm sự thật lòng: “Báo chí hiện nay không phải là kênh truyền thông độc tôn như trước đây, nó phải đối mặt với mạng xã hội có những ưu thế áp đảo về sức lan tỏa và tính tương tác… Khái niệm về tin tức báo chí 5W,1H (ai, cái gì, ở đâu, bao giờ v.v…) trở nên lỗi thời. Vì vậy, báo chí muốn tiếp cận được bạn đọc phải cung cấp được những tin tức khác với trước đây.

Thay vì phản ánh, báo chí phải sáng tạo. Những nhà báo chuyên nghiệp, những cây bút được đào tạo bài bản, có kỹ năng và tâm huyết phải tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo và thú vị hơn cư dân mạng-đa phần là những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư”.

“Bán” góc nhìn và quan điểm thay vì “bán” tin tức.

Thật ra, có một trăn trở mà tôi chưa kịp thổ lộ khi trả lời phỏng vấn: Làm thế nào để tạo được sự khác biệt giữa báo chí và mạng xã hội, để định nghĩa lại khái niệm tin tức trong thời công nghệ và tái lập vai trò định hướng, dẫn dắt của báo chí trong xã hội thông tin?

Rất nhiều người làm báo, trong đó có tôi cảm nhận sâu sắc rằng, trên thực tế, Facebook và Google đã trở thành những tờ báo khổng lồ nhất mọi thời đại. Nếu báo chí cứ cuốn theo cách làm bỏ sở trường, theo sở đoản, chạy đua thông tin với mạng xã hội thì đó sẽ là một sai lầm chí tử, dẫn chúng ta đến một đường hầm không lối thoát.

Rất may, chúng ta đã có một lựa chọn, một xu hướng, thậm chí là một cứu cánh để phát triển. Lựa chọn đó chính là một loại hình đặc thù không hề xa lạ với người trong nghề: loại hình tạp chí.

Với sự hiểu biết hạn hẹp của cá nhân, tôi nghĩ rằng loại hình tạp chí không đơn giản là một nội hàm mang 50% ý nghĩa của từ kép mà lâu nay chúng ta vẫn quen ghép chung: báo-chí. Tính chất của “báo” và của “chí” khác nhau như thế nào, cần phải nhận thức và phân định rõ trên cơ sở khái niệm chung của thuật ngữ báo chí, đó là việc báo-chí đều là phương tiện chuyển tải nội dung thông tin đến bạn đọc, chỉ có điều nội dung thông tin trên tạp chí phải mang tính chuyên sâu, có hàm lượng tri thức, chất xám nhiều hơn, có quan điểm, góc nhìn tường minh, rõ ràng hơn nội dung thông tin đơn thuần trên báo (vốn mang tính cập nhật, nhanh nhạy hơn).

Trong suốt lịch sử hàng trăm năm của báo chí thế giới, tạp chí thường được chia làm 2 loại: tạp chí thông tin (với các thông tin thời sự chuyên sâu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như: chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, thời trang, giới v.v…) và  tạp chí nghiên cứu khoa học (nơi công bố các bài viết mang tính lý luận và học thuật).

Tuy nhiên, 2 tờ tạp chí thông tin hàng tuần có uy tín lớn nhất thế giới của nước Mỹ lại là những tờ tạp chí thông tin tổng hợp: tờ Time magazine ra đời từ năm 1923, xuất bản ở Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông với lượng phát hành riêng tại Mỹ lên tới hơn 4 triệu bản/kỳ; tờ Newsweek magazine ra đời năm 1933, phát hành tại Mỹ và quốc tế với 12 ngôn ngữ khác nhau cũng có lượng phát hành hàng triệu bản/kỳ.

Ở giác độ này, tôi cảm nhận rằng, trên phạm vi toàn cầu, báo chí hiện đại đang chuyển dần sang xu hướng tạp chí hóa, bằng chứng là nhiều cơ quan truyền thông lớn của các quốc gia có truyền thống hàng trăm năm về báo chí đang tiệm cận gần hơn đến phương thức khai thác thông tin của tạp chí: “bán” góc nhìn và quan điểm thay vì “bán” tin tức.

Hãy nhìn BBC, bây giờ đó không phải là một cơ quan truyền thông nhanh nhạy, sốt dẻo bậc nhất nữa, nhưng họ vẫn duy trì được thương hiệu vì tính bản sắc trong thông tin. Bây giờ người ta nghe, đọc BBC chủ yếu không phải để biết sự kiện, mà là biết quan điểm của người viết (đương nhiên cũng là của BBC).

Thời của tạp chí

Mặt khác, sự trỗi dậy trở lại của tạp chí còn thể hiện ở các hình thức báo chí online đang rất được bạn đọc quan tâm, mà Long-form (hình thức sản phẩm báo chí online với các bài viết dài và dung lượng nội dung lớn) và e-magazine (kiểu bài báo đa phương tiện) là một minh chứng cho điều này.

Nắm bắt được xu hướng này, tiếp cận bạn đọc bằng những bài viết có quan điểm, góc nhìn sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chắc chắn các cơ quan báo chí thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án quy hoạch quản lý và phát triển báo chí toàn quốc gia đoạn 2015-2025  sẽ thành công và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Bởi vậy, với sự nghiêm túc và chân thành nhất, cá nhân tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng, hiện tại (và cả tương lai) chính là Thời của tạp chí.

Tuy nhiên, một sự thật khó tin là một số các tạp chí trong nước (chủ yếu là những tạp chí điện tử) lại đang đi ngược xu thế báo chí hiện đại, tạo ra vấn nạn khá… ngược đời là “báo hóa tạp chí”, khiến các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí hao tổn không ít thời gian và tâm sức để xử lý.

Trên thực tế, thủ phạm của tình trạng “báo hóa tạp chí” này không phải là những tờ tạp chí đúng nghĩa. Những “ấn phẩm” được gọi là tạp chí này được ra đời khi không có đủ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, toàn bộ việc xuất bản thông tin báo chí dựa trên một nhóm nhỏ nhân sự xào xáo, dẫn nguồn, xa rời tôn chỉ, mục đích để trục lợi.

Những nhân sự được gọi là phóng viên được đẩy đi làm kinh tế, không có lương, không có nhuận bút nhưng phải chịu định mức doanh thu hàng tháng. Việc xuất hiện các nhóm được gọi là phóng viên mang biệt danh IS, “đếm tầng”, nhũng nhiễu, thậm chí tống tiền doanh nghiệp khởi nguồn từ thực trạng này.

Ở chiều ngược lại chính là xu hướng “báo cáo hóa tạp chí”. Thực tế là có một số  tạp chí ngành, tạp chí khoa học được bao cấp ngân sách, nhưng đơn thuần chỉ là một “tập hợp tài liệu, báo cáo” hoặc “kỷ yếu khoa học” được cấp giấy phép tạp chí.

Là một người làm báo chí chuyên nghiệp, tôi nghĩ rằng, cần phải sớm điều chỉnh lại cả xu hướng “báo hóa tạp chí” lẫn xu hướng “báo cáo hóa tạp chí”, nói cách khác là “trả lại tên” cho loại hình tạp chí, một loại hình sẽ chiếm vị trí chủ lực quan trọng trong hệ thống báo chí nước nhà.

NGUỒN:  Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Báo chí và cuộc đua…

(https://www.thesaigontimes.vn/td/298766/bao-chi-va-cuoc-dua-toi-duong-ham-khong-loi-thoat.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *