Bắt tiền nằm chờ

Đặng Hùng Võ/ VnExpress

Tôi có những người bạn cùng thời, trình độ cao nên dù đã có tuổi vẫn được mời làm tư vấn cho nhiều nhà thầu tư nhân, trong các dự án đầu tư công.

Họ chia sẻ, công việc ngày càng bấp bênh và dễ sơ sẩy, đặc biệt là với những gói thầu lớn. Để nắm chắc phần trúng, họ thường phải hạ thấp giá chào. Nhưng giá nguyên vật liệu từ sau Covid tăng hàng ngày, trong khi các dự án thường chậm triển khai, càng để lâu càng lỗ to.

Năm 2021, giá nhà đất bắt đầu tăng mạnh, nhiều phóng viên hỏi tôi về nguyên nhân gây sốt giá. Tôi vẫn luôn nghĩ nguyên nhân đầu tiên là đất nước ta đang ở năm đầu của kỳ quy hoạch, nhiều địa điểm đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển hạ tầng được đặt ra; đặc biệt Chính phủ đã quyết định tăng cường đầu tư công cho hạ tầng giai đoạn này. Đây là những tín hiệu tích cực kéo giá nhà đất lên cao hơn.

Tư duy về quản lý đầu tư công cũng có nhiều điểm khác biệt. Khi đất nước ở giai đoạn đầu Đổi Mới, Việt Nam chỉ có Luật Đầu tư kèm theo một số nghị định quy định về sử dụng ngân sách nhà nước cho đầu tư. Mãi đến năm 2014, Quốc hội mới ban hành Luật Đầu tư công đầu tiên. Khi đó có đại biểu Quốc hội còn nói với tôi rằng một Luật Đầu tư là đủ, vẽ thêm Luật Đầu tư công làm gì.

Điều này cho thấy, trước đây, tư duy về quản lý nguồn lực thuộc khu vực công ít được chú trọng, do thói quen làm việc từ thời bao cấp chưa dễ thay đổi. Trong thời kỳ này, thuật ngữ “chạy dự án” được sử dụng phổ biến, tức là cố tìm mọi cách để được phê duyệt một dự án đầu tư công, từ đó dễ chi tiêu ngân sách nhà nước, dễ hơn nhiều so với bỏ tiền từ túi riêng ra đầu tư kinh doanh thu lợi.

Các nước công nghiệp phát triển tổ chức quản lý nguồn lực công rất chặt chẽ. Ngân sách công, đầu tư công, nhà đất công đều có luật riêng, quản lý chi tiết hơn so với quản lý cũng những nguồn lực đó nhưng đã chuyển sang khu vực tư. Việt Nam mãi tới khoảng 2015 mới đẩy nhanh việc xây dựng pháp luật riêng cho quản lý nguồn lực công nhằm tiết kiệm và hiệu quả, như thường thấy ở các nước công nghiệp.

Trong khi Luật Đầu tư 2020 chỉ có 77 Điều, Luật Đầu tư công thứ hai, năm 2019, có tới 101 Điều, dù đã chuyển nhiều nội dung sang Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư 2020. Nói như vậy để thấy, các nhà lập pháp đã quen dần với pháp luật quản lý công, nhưng về thực thi, các nhà hành pháp chưa thích nghi với sự chặt chẽ trong quản lý nguồn lực công.

Vì vậy, bây giờ, dù “chạy được dự án”, nhưng để thực hiện đúng pháp luật về quản lý thì việc giải ngân không hề dễ dàng. Giải ngân không được thì dự án tắc nghẽn.

Năm 2020, Chính phủ quyết định chi ngân sách nhà nước cho đầu tư công khá lớn, như một “cú hích” mạnh cho phát triển kinh tế sau đại dịch. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội quyết định vào 2021 là 526 nghìn tỷ đồng, trong đó 222 nghìn tỷ từ ngân sách Trung ương và 304 nghìn tỷ từ ngân sách địa phương. Tính đến hết tháng 6/2022, Chính phủ đã có quyết định giao vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư đạt 93,8%, tức là đủ kinh phí để thực hiện. Thế nhưng, tại thời điểm 30/6 mới thanh toán được gần 28% kế hoạch, giải ngân được hơn 29% kế hoạch, mọi thứ đều quá chậm.

Như trên đã phân tích, tôi cho rằng vấn đề chính vẫn là sự lệch pha giữa tư duy quen tiêu tiền công dễ dàng và quy định quản lý nguồn lực công ngày càng chặt. Tiếp theo, cũng vẫn là việc thực thi pháp luật không tốt trong thực hiện đấu thầu. Nhiều nhà thầu được lựa chọn nhưng kém cả chuyên môn lẫn đạo đức, gây chậm giải ngân. Thực tế cũng chỉ ra các sai phạm lớn ở nhiều dự án đầu tư công, nhà thầu được chọn thực hiện quá thời hạn, đội vốn nhiều, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, cũng có lý do giải phóng mặt bằng chưa xong, khiến cho không thể giải ngân đúng tiến độ. Có vài địa phương báo cáo như vậy, nhưng tình trạng này không phổ biến trong giai đoạn hiện tại.

Những người bạn tôi, làm tư vấn thầu trải qua nhiều thời kỳ, là những người ngấm rất rõ sự khác biệt trong câu chuyện giải ngân đầu tư công hiện nay. Họ than thở, các nơi chưa quen quản lý dự án đầu tư công. Tâm lý chung là yên tâm đã được bố trí kế hoạch vốn nên ít quan tâm đến tiến độ, trong khi nhiều thủ tục hiện nay thực hiện rất chặt chẽ. Các nhà thầu đã được chọn cũng có tâm lý “chưa ăn, gạo còn đó”.

Trước tình hình thiếu tích cực về tiến độ giải ngân đầu tư công. Thủ tướng đã ban hành Quyết định 548/QĐ-TTg về việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sáu tổ công tác do bốn phó thủ tướng và hai bộ trưởng đứng đầu thực hiện kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 41 bộ, ngành và 18 địa phương, những nơi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).

Trước sự rốt ráo này, nhiều địa phương, bộ, ngành, các nhà thầu tìm lý do để giải thích nguyên nhân “chính đáng” của chậm giải ngân đầu tư công. Có chỗ đổ hết cho Covid, có chỗ đổ cho vật giá leo thang, tệ hơn nữa là đổ vấy cho nỗi sợ trách nhiệm. Ít nơi nào thực sự nói rõ, họ đang quen ăn dễ, làm dễ, “không chịu được” những yêu cầu chặt chẽ trong quản lý và thực hiện chi tiêu công.

Thay đổi chính sách và quy định theo hướng quản lý chặt chẽ ngân sách công là điều tất yếu nhằm ngăn chặn chi sai, chi thiếu hiệu quả trong các dự án đầu tư công. Hệ thống pháp luật quy định về đầu tư công có thể có những điểm cần hoàn thiện, điều chỉnh, nhưng người thực thi không thể lấy cớ sợ sai để biện hộ cho tình trạng chậm tiến độ. Sợ sai chỗ nào, sai điều gì cần được chỉ rõ và đề xuất điều chỉnh nếu quy định pháp luật có những điểm chồng chéo, xung đột.

Tôi thấy các địa phương, nhà thầu chỉ nói sợ sai chung chung. Tiêu tiền dự án bây giờ không dễ như trước, nên thực hiện không đúng mục đích, dễ dãi, thì sợ sai là điều dễ hiểu. Ở vào vị trí được cầm tiền trong tay, người thực thi phải có trách nhiệm nâng cao kiến thức, cập nhật quy định pháp luật, thậm chí dám nghĩ, dám làm để tiêu tiền đúng thời hạn, đúng mục đích và phục vụ nâng cao đời sống dân sinh qua các dự án công.

Để quản lý các dự án đầu tư công, các nước phát triển thường sử dụng công cụ giám sát và đánh giá (M&E – Monitoring & Evaluation). Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị Việt Nam sử dụng công cụ này. Hàng tháng các dự án đều phải gửi báo cáo theo mẫu thống nhất lên hệ thống cả nước. Nhóm quản lý hệ thống M&E quốc gia sẽ tự động phân tích thông tin, đánh giá triển khai. Cái được, cái chưa được đều rõ ràng và được xử lý kịp thời, không đến mức giữa năm mới phát hiện được giải ngân quá chậm rồi nỗ lực xử lý.

Tài chính công nước mình đã ít, có rồi lại bắt tiền nằm chờ đợi thì quả là lãng phí.

Nguồn: https://vnexpress.net/bat-tien-nam-cho-4503109.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *