Kinh tế toàn cầu bất ổn sau 6 tháng xung đột Nga – Ukraine

Hà Thu (theo AP, Reuters)/ VnExpress

Không chỉ Nga và Ukraine, hầu hết chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn cầu đều đang cảm nhận được tác động kinh tế từ chiến sự.

Martin Kopf cần khí đốt để vận hành công ty của gia đình anh – Zinkpower. Họ chuyên làm lớp chống gỉ cho các sản phẩm bằng thép. Nhà máy của Zinkpower đặt tại Bonn, một thành phố ở tây Đức. Mỗi ngày, họ đều phải dùng khí đốt để nung chảy 600 tấn kẽm trị giá 2,5 triệu euro để mạ thép.

Tuy nhiên, 6 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, sự tồn tại của những công ty như Zinkpower đang bị đe dọa. Khí đốt không chỉ đắt đỏ hơn, mà còn có thể biến mất nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt.

Đức có thể phải phân bổ quota sử dụng khí đốt, đe dọa hàng loạt ngành công nghiệp từ thép đến dược phẩm. “Nếu họ cắt hết khí đốt, tất cả máy móc của chúng tôi sẽ xếp xó”, Kopf – người hiện cũng là chủ tịch Hiệp hội các hãng mạ kẽm Đức cho biết. Zinkpower hiện có 2.800 nhân viên.

Một nhân viên của Zinkpower đang làm việc tại nhà máy. Ảnh: AP
Một nhân viên của Zinkpower đang làm việc tại nhà máy. Ảnh: AP

Các chính phủ, doanh nghiệp và gia đình trên toàn cầu đều đang cảm nhận được tác động kinh tế từ chiến sự. Việc này diễn ra chỉ 2 năm sau khi đại dịch tàn phá thương mại toàn cầu. Lạm phát đang tăng vọt, giá năng lượng liên tiếp lập đỉnh làm dấy lên nỗi lo về một mùa đông lạnh lẽo. Châu Âu cũng đang bị đẩy đến bờ vực suy thoái.

Lương thực đắt đỏ và khan hiếm bị cảnh báo có thể gây ra nạn đói và bất ổn tại các nước đang phát triển. Ở thủ đô Kampala của Uganda, Rachel Gamisha cho biết chiến sự tại Ukraine đã ảnh hưởng đến cửa hàng tạp hóa của cô.

Mọi mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, như xăng hiện có giá 6,9 USD một gallon (3,78 lít). Những thứ tuần này có giá chỉ 2.000 shilling (16,7 USD) thì tuần tới có thể lên 3.000 shilling. “Bạn phải tự hạn chế mua sắm thôi”, cô nói.

Gamisha còn nhận thấy xu hướng khác. Đó là giá sản phẩm giữ nguyên, nhưng trọng lượng giảm đi. Một chiếc bánh từng nặng 45gr thì nay chỉ còn 35gr. Bánh mỳ từng nặng 1kg thì giờ còn 850gr.

Tháng trước, chiến sự tại Ukraine khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu lần thứ 4 trong chưa đầy một năm. Tổ chức này dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 3,2% năm nay, giảm so với 4,9% dự báo hồi tháng 7/2021 và thấp hơn nhiều so với mức tăng năm ngoái là 6,1%.

“Thế giới có thể sớm bị đẩy đến bờ vực suy thoái, chỉ 2 năm sau khi trải qua lần suy thoái gần nhất”, Pierre-Olivier Gourinchas – kinh tế trưởng tại IMF cho biết.

Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) cho biết giá lương thực và năng lượng tăng đã khiến 71 triệu người trên toàn cầu rơi vào cảnh nghèo trong 3 tháng đầu chiến sự. Các quốc gia vùng Balkan và châu Phi cận Sahara chịu tác động mạnh nhất.

Tại Bangkok, giá thịt lợn, rau và dầu tăng đã khiến Warunee Deejai – một chủ quán ăn phải nâng giá, giảm số lượng nhân viên và tăng giờ mở cửa. “Tôi không biết có thể giữ giá đến bao giờ nữa”, cô nói, “Vừa thoát phong tỏa vì Covid-19 thì lại gặp tình trạng này. Tôi chưa thấy có lối thoát”.

Một cửa hàng bán lương thực tại Jakarta (Indonesia). Ảnh: AP
Một cửa hàng bán lương thực tại Jakarta (Indonesia). Ảnh: AP

Từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, kinh tế toàn cầu đã chịu sức ép. Lạm phát tăng mạnh do đà phục hồi sau đại dịch nhanh hơn dự kiến. Các nhà máy, cảng biển, bến bãi đều quá tải, gây ra tình trạng chậm trễ, thiếu hụt hàng hóa và giá tăng cao. Để giải quyết, ngân hàng trung ương hàng loạt quốc gia đồng loạt nâng lãi suất.

“Chúng ta sẽ tiếp tục trải qua tình trạng này”, Robin Brooks – kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, “Biến động về lạm phát, tăng trưởng sẽ khiến các ngân hàng trung ương khó lèo lái nền kinh tế hơn”.

Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid, áp dụng phong tỏa ngặt nghèo khiến nền kinh tế suy yếu. Cùng lúc đó, nhiều nền kinh tế đang phát triển vẫn đang vật lộn với đại dịch và khối nợ phát sinh từ các chính sách kích thích kinh tế.

Lẽ ra, những thách thức này đã có thể được giải quyết. Nhưng khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, phương Tây đã phản ứng bằng các đòn trừng phạt mạnh tay. Cả hai hành động này đều gây gián đoạn việc kinh doanh lương thực và năng lượng trên toàn cầu. Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và là nước xuất khẩu khí đốt, phân bón, lúa mỳ hàng đầu thế giới. Các trang trại ở Ukraine cũng cung cấp lương thực cho hàng triệu người trên toàn cầu.

Kết quả là lạm phát lan tràn khắp nơi. Ở Johannesburg (Nam Phi), Stephanie Muller tham khảo giá trên mạng và so sánh nhiều cửa hàng tạp hóa để tìm ra giá tốt nhất. “Tôi có 3 đứa con đều đang đi học. Vì thế, tôi cảm thấy rất rõ sự khác biệt”, cô nói.

Bùi Thu Hương (Hà Nội) thì phải hạn chế chi tiêu và giảm ăn hàng tối cuối tuần. Nhưng ít nhất, cô cũng thấy việc cả gia đình cùng nấu cơm là điều có lợi. “Chúng tôi có thể tăng sự gắn kết khi nấu ăn, mà lại tiết kiệm được tiền”, cô cho biết.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo tháng này cảnh báo giá mỳ ăn liền – sản phẩm thiết yếu tại nước này – có thể tăng gấp 3 vì giá lúa mỳ cao. Còn tại nước láng giềng Malaysia, anh nông dân Jimmy Tan cũng lao đao vì giá phân bón tăng 50%. Anh cũng tốn nhiều tiền hơn cho các loại túi và bao tải.

Tại Karachi (Pakistan), Kamran Arif đã phải nhận thêm công việc thứ 2, làm bán thời gian để có thêm thu nhập. “Chúng tôi không kiểm soát được giá cả, nên chỉ có thể cố tăng thu nhập thôi”, anh nói. Nội tệ Pakistan đã mất giá khoảng 30% so với USD. Chính phủ nước này cũng tăng giá điện thêm 50%.

Khi chiến sự kéo lạm phát lên cao, các ngân hàng trung ương chọn cách nâng lãi suất để hãm đà tăng của giá cả. Kết quả là lãi suất cho vay tăng vọt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như FlooringStores (New York, Mỹ). Doanh số bán vật liệu lát sàn của họ giảm mạnh do các chủ nhà ngại vay để sửa sang nhà cửa.

“Một lượng lớn khách hàng của chúng tôi đi vay để sửa nhà. Điều này đồng nghĩa lãi suất tăng cao sẽ khiến việc kinh doanh của chúng tôi đi xuống”, CEO Todd Saunders cho biết. “Lãi suất còn gây ảnh hưởng lớn hơn lạm phát nữa”.

Châu Âu – nơi nhiều năm nay phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga – chịu ảnh hưởng nặng nhất. Rủi ro suy thoái tại đây đang ngày càng cao khi Điện Kremlin cắt dần khí đốt xuất sang châu Âu. Việc này đe dọa các doanh nghiệp và hộ gia đình khi mùa đông đang đến gần. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 15 lần so với thời điểm tháng 3/2021, khi Nga đưa quân đội đến biên giới Ukraine.

“So với các nước phát triển, rủi ro suy thoái và sức ép tại châu Âu lớn hơn nhiều”, Adam Posen – Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.

Kinh tế Nga và Ukraine dĩ nhiên không thể thoát ảnh hưởng. Số liệu sơ bộ được Rosstat – Cơ quan Thống kê Liên bang Nga công bố hồi giữa tháng cho thấy GDP nước này giảm 4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bloomberg, GDP hiện tại của Nga tương đương năm 2018.

Giới phân tích cho rằng GDP Nga giảm do nhu cầu tiêu dùng yếu đi sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đây là quý hoàn chỉnh đầu tiên mà kinh tế Nga trải qua kể từ khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2. Quý trước đó, Nga tăng trưởng 3,5%. IMF thì dự báo GDP Nga giảm 6% năm nay.

Ukraine thì đang đàm phán để lấy gói cứu trợ trị giá 15-20 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm nay, nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị chiến sự tàn phá. GDP nước này được dự báo giảm 35% – 45% năm nay. Thâm hụt tài khóa hàng tháng đã lên 5 tỷ USD. Quốc gia này cũng đang phụ thuộc lớn vào nguồn tài chính từ các nước phương Tây.

Nguồn: https://vnexpress.net/kinh-te-toan-cau-bat-on-sau-6-thang-xung-dot-nga-ukraine-4503205.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *