“Bay chưa đúng giờ” và những cái bánh vẽ của chữ nghĩa

Tường Minh/ Báo LĐO

Hành khách bị “bay chưa đúng giờ” ở sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Sử dụng ngôn ngữ lắt léo không phải là hành động của cơ quan quản lý nhà nước, bởi vì ở đó không có chỗ cho sự mập mờ, lươn lẹo, bất chính.

Chính trực trước hết là lời, lời trong lời nói và chữ nghĩa  trong văn bản. Mỗi lời, mỗi chữ đều phải ngay thẳng, trong sáng, phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Ví như, thu phí thì cứ nói thu phí, ngập nước không thể nói tụ nước, và thêm nữa, hoãn huỷ chuyến khác hoàn toàn với “bay chưa đúng giờ”.

Hoãn, huỷ chuyến là thuật ngữ trong ngành hàng không được cả thế giới sử dụng, chỉ một sự cố cụ thể. “Bay chưa đúng giờ” chưa chắc là hoãn huỷ chuyến, vì có thể bay sớm hơn.

Việc mà cơ quan quản lý cần làm là siết chặt các công đoạn trong quy trình hoạt động của các cảng hàng không và các hãng hàng không để hạn chế tối đa hoãn huỷ chuyến, không phải là đi đánh tráo khái niệm.

Trần Quí Thanh

—–

Từ nay, những hành khách đi máy bay ở Việt Nam sẽ không còn được nghe cụm từ “chậm, hủy chuyến” thân quen nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ được nghe “bay chưa đúng giờ” để bớt u ám hơn.

Theo lý giải của ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không dân dụng Việt Nam trên VnExpress, thì việc chuyển đổi từ ngữ từ “chậm, hủy chuyến” thành “bay chưa đúng giờ” nhằm hướng tới mục tiêu để các dịch vụ hậu cần kỹ thuật ngày càng phục vụ hành khách tốt hơn, hướng tới các chuyến bay đúng giờ.

Và việc thay đổi này, theo ông Cường thì “về bản chất không có gì thay đổi, chậm giờ vẫn là chậm giờ, huỷ chuyến vẫn là huỷ chuyến, có điều chúng tôi đang muốn phấn đấu theo hướng tích cực hơn thay vì cứ tiếp cận theo tên gọi chậm huỷ chuyến mãi sẽ cảm thấy u ám”.

Dù ông Cường có giải thích thêm “đây chỉ là phương thức thống kê trong nội bộ của Cục cho phù hợp với xu thế của thế giới”, nhưng đọc xong lại nghe na ná như trước đó ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lý giải về việc “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” bên hành lang kỳ họp Quốc hội mới đây: “… việc gọi là trạm BOT, hay là trạm thu giá BOT, hay trạm thu phí BOT, nó chỉ là một cái tên gọi thôi. Ví dụ, ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H…, là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em”.

Nói nhanh, chúng ta – người dân đóng thuế và những “thượng đế” bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ đang được những nhà quản lý và kinh doanh cho ăn những chiếc bánh vẽ của chữ nghĩa. Và trong nhiều trường hợp như “thu giá” là sự xảo ngôn, đánh tráo khái niệm chứ bản chất sự việc thì vẫn thế!

Tiếng Việt đẹp đẽ của chúng ta vốn đã “phong ba bão táp” giờ càng “bão táp phong ba hơn” khi chỉ thời gian ngắn, những “nhà ngôn ngữ học” đại tài “vẽ” thêm rất nhiều từ mới từ “thu giá” (thu phí), “tụ nước” (ngập nước), “nằm nghỉ mệt trên giường”, “sai sót” (chuyện trai gái/ mua bán dâm) và gần nhất là “bay chưa đúng giờ” (chậm chuyến)… khiến người dân dở khóc dở cười.

Trong khi chưa nghĩ ra được chuyện gì đó hay ho để cải thiện tình hình chậm, hủy chuyến vốn đang như cơm bữa của ngành hàng không, làm ơn đừng “vẽ” thêm điều gì nữa. Bánh vẽ và sự xảo ngôn, đôi khi nghe rất dịu tai nhưng chỉ làm cho người dân thấy tình hình “u ám hơn” chứ không hề “bớt u ám” như hy vọng của ông Cục phó!

Nguồn: Theo Báo Lao động online

Link bài: “Bay chưa đúng giờ” và….

(https://laodong.vn/dien-dan/bay-chua-dung-gio-va-nhung-cai-banh-ve-cua-chu-nghia-609458.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *