Bầy cô đơn và bức tranh dự cảm bất ngờ trước đại dịch COVID-19

Mai Thuỵ/ Báo Tuổi Trẻ

Triển lãm ‘Bầy cô đơn’ của họa sĩ Lương Lưu Biên vừa có buổi ra mắt ấn tượng tại không gian Craig Thomas Gallery, TP.HCM.

Buổi triển lãm Bầy cô đơn đang diễn ra tại Craig Thomas Gallery – Ảnh: HỮU HẠNH

Bầy cô đơn gồm 12 tác phẩm tranh với chất liệu tổng hợp trên vải canvas, được họa sĩ Lương Lưu Biên vẽ trong 2 năm qua. Nhưng “cô đơn” vốn đã là cách nhìn của họa sĩ tự xưa đến giờ, từ những triển lãm cá nhân trước đó như Xin chào (2005), Hóa thạch (2009), Tiến hóa (2012)…

Tác phẩm Bầy cô đơn của Lương Lưu Biên

“… Mỗi người sinh ra là một thế giới riêng, luôn khát khao thấu hiểu và thông cảm. Nhưng văn minh lại phát triển về vật chất hơn là nội tâm. Thế giới càng văn minh, con người càng hoang mang, sợ hãi, bất an. Những lo lắng, trăn trở không mất đi mà vẫn luôn ở đó.”

Cô đơn luôn ở đó và dường như càng khắc khoải hơn, đơn độc hơn, khi đặt trong một ‘bầy’ người.

Một khán giả trầm ngâm trước Bầy cô đơn – Ảnh: HỮU HẠNH

Trên trang cá nhân của mình, họa sĩ chia sẻ ngắn gọn về triển lãm: “Hi vọng sẽ tạo được bất ngờ sau nhiều năm mới lại ra mắt 2 tranh dài 4 mét. Chính mình cũng ngạc nhiên với một tranh mô tả tình trạng đại dịch lại được thực hiện một tháng trước khi đại dịch xuất hiện”.

Họa sĩ Lương Lưu Biên kể về dự cảm bất ngờ trong tác phẩm Dòng chảy – Ảnh: HỮU HẠNH

Đó là câu chuyện về tác phẩm Dòng chảy, được anh sáng tác vào cuối năm 2019. 

Tác phẩm Dòng chảy của Lương Lưu Biên

Với Bầy cô đơn, họa sĩ Lương Lưu Biên tự nhận thấy có những cái mới về xây dựng bố cục, có những thách thức về diện tích và cách sắp xếp số đông người trong tranh, khác hơn những triển lãm trước.

Nhưng phong cách vẽ độc đáo của anh không thay đổi, vẫn vận dụng kỹ thuật làm tranh sơn mài để tạo ra hiệu ứng điêu khắc trên bề mặt tranh. Họa sĩ dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về giải phẫu hình thể học và chuyển động của cơ thể người, đặt nhân vật lõa thể vào một thế giới không có bối cảnh cụ thể, ngoại trừ màu sắc và tâm trạng.

Một nhóm người, một “bầy cô đơn”, nó sống động như một sân khấu múa đương đại. Những cảm xúc nội tâm được thể hiện chân thực, sinh động qua từng động tác và biểu hiện của nhân vật.

Tác phẩm Vũ điệu của Lương Lưu Biên
Tác phẩm Trên những nẻo hành hương của Lương Lưu Biên – Ảnh: HỮU HẠNH chụp lại

Trên những nẻo hành hương là một trong những tác phẩm ưng ý của họa sĩ Lương Lưu Biên. Cả cuộc đời là chuyến hành hương, mỗi con người đều đi tìm niềm tin. 

Với Bầy cô đơn, Lương Lưu Biên tiếp tục mang đến loạt tranh giàu cảm xúc về sự mong manh và cô lập của con người. Đồng thời, bộ sưu tập cũng thể hiện sự phát triển trong phong cách của họa sĩ đang ở đỉnh cao trong kỹ thuật hội họa của riêng mình.

Tác phẩm Vượt đại dương của Lương Lưu Biên

Theo họa sĩ Lê A, họa sĩ Lương Lưu Biên rất giỏi về hình họa cơ thể. “Tác phẩm dạng này nếu không tinh tế sẽ bị phô ngay, khó mà vẽ được”.

Họa sĩ Đinh Văn Sơn thì chia sẻ ấn tượng về cách họa sĩ Lương Lưu Biên thể hiện cảm xúc nhân vật. Bằng những cử chỉ tinh tế, dùng những biên độ động tác vượt quá mức bình thường, anh đã thể hiện những cảm xúc nội tâm đầy mạnh mẽ mà không cần nói bằng lời.

Tác phẩm Góc riêng của Lương Lưu Biên

Đến xem tranh từ rất sớm, bạn Trần Nguyễn Thái Hòa (sinh viên năm 1 Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) chia sẻ: “Em ấn tượng với cách dùng màu sắc để tả khối cơ trên cơ thể và những biểu cảm khuôn mặt. 

Ví dụ bức Chào mặt trời này, khi mặt người ở trong môi trường nước sẽ bị phồng và biến dạng ra sao? Đó là những tìm tòi rất độc đáo. Mỗi người một cách vẽ, em xem để học hỏi và tìm cảm hứng cho mình”.

Tác phẩm Chào mặt trời – Ảnh: HỮU HẠNH chụp lại

Triển lãm Bầy cô đơn sẽ trưng bày từ nay đến 6-8 tại Craig Thomas Gallery, quận 1, TP.HCM.

Ai cho loài người (hết) cô đơn?

Ở một chủ đề đã có nhiều họa sĩ khai thác, nếu không muốn nói là mạch nguồn sáng tác thường trực của giới nghệ sĩ, Lương Lưu Biên vẫn tìm ra lối rẽ cho mình và thật ra là rất nhiều lối. Tựu trung, anh giải quyết hai vấn đề: tính bầy đàn của con người và nghịch lý cô đơn trong sự chen chúc của nhân loại.

Nhịp điệu cơ thể, sự ẩn ức của hàng hàng lớp lớp nhân vật trong tranh đã khiến phòng trưng bày như sân khấu của một vở múa. Trên bục diễn (tấm toan), con người được lấp đầy bởi hành động, ý đồ trong hoạt cảnh một xã hội thu nhỏ.

Xã hội mà Lương Lưu Biên vẽ ra không hề đồng nhất, thay vào đó là những cảm xúc, xu hướng trái ngược cùng hiển hiện. Anh dùng màu sắc để ngụ ý chất kết dính bầy đàn và lại tạo chuỗi hành động mạnh mẽ, quyết liệt để vượt thoát khỏi không gian đã được khuôn khổ đó. Khổ tranh càng lớn, sự cô đơn càng phình trướng với những khoảng cách không thể khỏa lấp.

Dù các tác phẩm dội lại phong cách biểu hiện rõ nét, người xem cũng có thể thấy thấp thoáng hình dáng của trường phái Baroque với đường xoắn vặn cơ thể nhân vật, tạo nên sự khoa trương kỳ vĩ.Nhưng trường phái Baroque thường mê mẩn với những ý tưởng nhục dục mãnh liệt và chống lại các vị thần để xây dựng thế giới phù hoa của nhân loại, còn con người của xã hội hiện đại trong tranh Lương Lưu Biên đến tận cùng vẫn không biết ai đã cho mình nỗi cô đơn và thượng đế nào có thể mang chúng đi.

(MAI THỤY)

Tác phẩm Xứ trần gian của Lương Lưu Biên
Tác phẩm Sự kiêu hãnh của Lương Lưu Biên
Các bạn sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM trao đổi về một tác phẩm – Ảnh: HỮU HẠNH
 
NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Bầy cô đơn…
(https://tuoitre.vn/bay-co-don-va-buc-tranh-du-cam-bat-ngo-truoc-dai-dich-covid-19-20200718041438724.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *