Nhận giải thưởng Thương hiệu quốc gia 4 lần liên tiếp, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang là biểu trưng cho hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với các giá trị “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”.
Theo một thống kê của thế giới, các công ty trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại và con số sống sót chỉ 5%. Vượt qua ngưỡng 5 năm ấy, giờ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã 25 tuổi, trở thành doanh nghiệp số 1 ngành nước giải khát của Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với những “ông lớn” thị trường.
Năm 2018, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng với 96 doanh nghiệp khác nhận giải thưởng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, đây là lần thứ 4 liên tiếp Tân Hiệp Phát nhận giải thưởng này.
Tuy nhiên nếu chỉ nhìn thành công hiện tại của Tân Hiệp Phát là chưa đủ bởi để sánh ngang với những người khổng lồ như hôm nay, Tân Hiệp Phát đã có những lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi.
Quan trọng là cái nóc
Trong lần chia sẻ về chặng đường phát triển của Tân Hiệp Phát, những câu chuyện ‘leo dốc’, vượt khó Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, tác giả cuốn sách “Competing With Giants” (Vượt lên người khổng lồ) cho biết, chính việc tự nhìn nhận lại trách nhiệm và cải tiến triệt để đã giúp Tân Hiệp Phát vượt qua được trở ngại, khó khăn.
Ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, tương lai là người thừa kế tiếp tục dẫn dắt Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nhân Trần Uyên Phương khẳng định, doanh nghiệp đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, do đó họ có thể phát triển được tới đâu thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lên tới đó. Chính vì thế doanh nghiệp gia đình vai trò người lãnh đạo cực kỳ quan trọng để cân bằng giữa kinh doanh và mối quan hệ trong gia đình.
Trong thế giới mở, doanh nghiệp gọi vốn thông qua hình thức cổ phần hóa, từ đó hình thành tập đoàn khủng thì dường như những công ty gia đình lại trở nên nhỏ lại, lẻ loi. Nhiều người cho rằng công ty gia đình chỉ phát triển đến một quy mô nhất định, phạm vi hẹp về cả thị trường, cả địa lý. Bởi vậy việc giữ thị phần đã khó, để cạnh tranh với “gã khổng lồ” càng là điều không tưởng.
Mô hình doanh nghiệp gia đình nhưng có hai cách hiểu: Thứ nhất, sở hữu gia đình nên quản trị theo kiểu gia đình; Thứ hai, tài sản thuộc sở hữu gia đình nhưng quản trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên nhiều người thường nghĩ theo cách hiểu đầu tiên: Doanh nghiệp gia đình quản trị theo kiểu gia đình.
Với Tân Hiệp Phát thì khác, tài sản thuộc sở hữu gia đình nhưng cách quản trị, mô hình quản trị lại hoàn toàn chuyên nghiệp. Cũng như doanh nghiệp gia đình khác, sau 25 năm Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang trong giai đoạn chuyển sang thế thế hệ thứ hai. Câu hỏi đặt ra với thế hệ thứ hai gia tộc họ Trần tiếp tục giữ mô hình kinh doanh như hiện nay hay lên sàn gọi vốn?
Câu trả lời rất rõ ràng khi Tân Hiệp Phát lắc đầu trước số tiền 2,5 tỷ USD của Coca-Cola. Từ chối hơn 2 tỷ đô để giữ thương hiệu Tân Hiệp Phát là thương hiệu quốc gia Việt Nam, mang tinh thần, khát vọng người Việt không có nghĩa doanh nghiệp “đóng cửa”. Thực tế với 25 năm tuổi đã có lúc Tân Hiệp Phát gặp những khủng hoảng rất lớn. Khi đó thay vì náu mình, Tân Hiệp Phát dám nhìn nhận điểm yếu của mình để cải tiến, từ đó phát triển được. Đó cũng là một trong những lý do giải thích tại sao có những doanh nghiệp vượt lên được, nhưng cũng có những công ty lại bị khủng hoảng nhấn chìm.
Chất lượng sản phẩm, sự sáng tạo và….
Đã có nhiều nghiên cứu, phân tích về sự thành công của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ở góc độ thương hiệu có lẽ điều đầu tiên làm nên thành công của doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp ngành thực phẩm như Tân Hiệp Phát chính là chất lượng sản phẩm.
Năm 2007, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát – Tiến sĩ Trần Quí Thanh đã đưa ra một quyết định mang tính cách mạng tại doanh nghiệp này nói riêng và thị trường giải khát Việt Nam nói chung là nhập về nước dây chuyền công nghệ vô trùng Aseptic để phát triển các thức uống có lợi cho sức khỏe.
Công nghệ vô trùng Aseptic tại Tân Hiệp Phát, về cơ bản là một chuỗi hệ thống máy được liên kết khép kín và tự động với nhau để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào quá trình sản xuất, từ khâu chế biến nguyên liệu đến thổi chai, chiết rót và đóng nắp sản phẩm.
Điểm đột phá của Aseptic so với các công nghệ khác là dung dịch sản phẩm không chỉ được siêu thanh trùng UHT mà tại khâu chiết rót, đóng nắp đặc tính vô trùng được nâng gấp 5 lần lên mức tối đa qua các yếu tố: chai tiệt trùng, nắp tiệt trùng, nước tiệt trùng, sản phẩm tiệt trùng và môi trường chiết vô trùng, tạo ra sản phẩm tinh khiết mà không cần tới chất bảo quản.
Đặc biệt công nghệ chiết lạnh của Aseptic còn giúp các dưỡng chất của sản phẩm không bị mất đi do tác động của nhiệt độ. Đây là đột phá kép của Aseptic giúp các sản phẩm luôn có được sự vượt trội về dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đồng thời giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên nhất.
Sở hữu công nghệ sản xuất ra sản phẩm chất lượng nhưng trong thị trường có vô vàn sản phẩm đồ uống đòi hỏi sức sáng tạo của Tân Hiệp Phát. Trở lại thời điểm gần 20 năm về trước khi thị trường nước giải khát đa dạng sản phẩm, thật có giả có. Thoát ra vòng xoáy đó, Tân Hiệp Phát đưa ra thị trường với sản phẩm Nước tăng lực Number One.
Trong vòng 04 tháng sau khi tung sản phẩm, nước tăng lực Number One đã chiếm giữ được 30% thị phần. Tổng số kênh phân phối bao gồm 300.000 điểm bán lẻ, 200 đại lý trên khắp 64 tỉnh thành toàn quốc. Việc kinh doanh tốt đến nỗi Number One đã không đủ để cung cấp cho các kỳ lễ tết. Trong suốt một tháng, một đoạn quảng cáo 5 giây xuất hiện trên hai kênh truyền hình chính ở Việt Nam chỉ với một thông điệp: “Nước uống tăng lực đóng chai đã xuất hiện tại Việt Nam” đã kích thích tò mò người tiêu dùng.
Tượng tự với sản phẩm đồ uống làm từ trà xanh, một sản phẩm nói khó không khó, nói dễ càng không dễ khi người Việt có nhu cầu uống trà, nhưng đã quen với trà miễn phí hoặc tự pha. Vào thời điểm Tân Hiệp Phát ra mắt Trà Xanh Không Độ có rất nhiều ý kiến nói rằng ý tưởng phát triển sản phẩm đồ uống từ trà xanh sẽ không khả thi, bởi ở Việt Nam, trà là miễn phí. Nhiều doanh nghiệp cũng đã từng thất bại trong lĩnh vực này.
Vượt qua định kiến ban đầu, Tân Hiệp Phát đã tập trung đầu tư công nghệ và với giá trị vượt trội từ công nghệ Aseptic các dưỡng chất từ nguyên liệu tự nhiên là lá trà xanh sẽ được chuyển hóa tối ưu sang sản phẩm nhờ hệ thống chiết xuất hiện đại với các quy chuẩn ngặt nghèo về thời gian, nhiệt độ, chất lượng nước… đã mang lại thành công của sản phẩm Trà Xanh Không Độ.
Sự sáng tạo thể hiện ở sản phẩm chỉ Tân Hiệp Phát mới có, sản phẩm Trà thảo mộc Dr.Thanh. Ngay khi đưa ra thị trường, câu hỏi “Dr.Thanh là ai?” gây tò mò. Với Trà thảo mộc Dr.Thanh, lần đầu tiên người tiêu dùng tiếp cận khái niệm “nóng trong người”. Slogan “Nóng trong người, đã có Trà thảo mộc Dr.Thanh” ấn tượng đến mức người tiêu dùng gần như “thuộc lòng”.
…Khát vọng “vượt lên người khổng lồ”
Cuốn sách – Competing with Giants (tạm dịch: Vượt lên người khổng lồ) có lẽ tóm gọn khát vọng của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Theo doanh nhân Trần Uyên Phương, ngay từ khi thành lập, Tân Hiệp Phát xác định sứ mệnh và tầm nhìn của mình là trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của châu Á. Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng Châu Á với mùi vị thích hợp và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh.
Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi phải được duy trì qua nhiều thế thệ thì công ty mới tồn tại được hàng trăm năm. Để thực hiện, chúng tôi lan tỏa khát vọng và tư duy của người sáng lập đến các lãnh đạo Tập đoàn và làm sao để mỗi người lãnh đạo Tập đoàn sẽ điều hành tổ chức của mình với văn hóa như người sáng lập ứng xử với các lãnh đạo.
Hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã xúc tiến triển khai các dự án đầu tư, xây dựng thêm ba nhà máy nước giải khát hiện đại tại Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang. Vừa qua, nhà máy thứ 4 là Number One Hậu Giang đã chính thức được khánh thành, hoàn thành chuỗi các nhà máy trên khắp mọi miền đất nước để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hiện thực hóa khát vọng vươn ra thế giới.
Trong cuốn sách “Competing with Giants” tác giả Trần Uyên Phương cùng hai đồng tác giả là nhà báo người Anh và nhà kinh tế người Mỹ đã dành nhiều thời gian để đúc kết những kinh nghiệm của các công ty gia đình khi cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia.
Trần Uyên Phương đã chia sẻ “sứ mệnh của chúng tôi là được đóng góp cho sự phồn vinh của Việt Nam bằng cách tạo nên thương hiệu nước giải khát hàng đầu của quốc gia. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm và thức uống ở thị trường châu Á, song song với việc phục vụ người tiêu dùng toàn cầu”.