Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Hồi đầu tháng 4/2017 cháu đã gởi câu hỏi và đã được bác nhanh chóng trả lời trong mục Chat với mọi người. Cháu cảm ơn bác và xin gởi tiếp câu hỏi: Làm thế nào để giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh và sản xuất. Câu hỏi có vẻ cũ nhưng là mối quan tâm lớn của những ai mới lập nghiệp như cháu. Rất mong bác trả lời.
Lê Linh Nam ( Vũng Tàu): lelina2001@yahoo.com
—–
Cháu Lê Linh Nam thân mến!
Cháu đặt ra một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ đối với một doanh nghiệp. Rủi ro và khủng hoảng thường trực trong môi trường kinh doanh, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vấn đề đặt ra là lãnh đạo doanh nghiệp phải lường trước rủi ro để xử lý hoặc hạn chế, ngăn chặn nó xảy ra.
Rủi ro trong kinh doanh có phạm vi nghiên cứu rất rộng, trong bài này, chú chỉ đặt vấn đề về rủi ro khi đưa ra sản phẩm mới.
Sản xuất ra sản phẩm mới không phải là làm cái mình thích, mà làm cái người tiêu dùng thích. Từ màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng, sự thuận tiện khi sử dụng, giá thành, độ bền, sự ổn định chất lượng và cuối cùng là yếu tố ấn tượng, lạ mắt… Muốn biết được điều đó thì không thể trả lời bằng cảm xúc của cá nhân hay của một nhóm người, không phải lấy mệnh lệnh của ông chủ, mà bằng các công cụ nghiên cứu khoa học.
Hiện nay thì hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều có phòng nghiên cứu và phát triển (R&D). Nghiên cứu thị trường càng kỹ lưỡng, có hiệu quả, thì sẽ hạn chế được rủi ro.
Chú lấy ví dụ này để cháu thấy R&D nhé. Các hãng xe hơi muốn tung sản phẩm của qua thị trường châu Á, họ cử những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đi nghiên cứu để có những báo cáo cụ thể. Sở thích về màu sắc của người Việt Nam, người Thái Lan, Malaysia khác và giống nhau như thế nào để tính toán pha màu cho bắt mắt. Người các nước Đông Nam Á phần lớn nhỏ con hơn người châu Âu nên kích cỡ chiếc xe phải gọn hơn, đồng thời cũng phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông.
Nước uống của Tân Hiệp Phát cũng vậy, trước khi ra sản phẩm mới, chú phải đầu tư cho công tác R&D. Chú phải có trên bàn số liệu thật cụ thể, đo được, đong đếm được, không có chuyện cảm tính. Các khảo sát phải trả lời được các câu hỏi về người tiêu dùng thích mùi vị gì, tỉ lệ bao nhiêu. Cụ thể nữa, nghiên cứu nhận thức về thức uống có lợi cho sức khoẻ của người tiêu dùng hiện nay, tỉ lệ người không muốn uống nước có đường cao hơn người thích uống có vị ngọt, vậy thì phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu và thị hiếu của số đông.
Nhưng còn một việc khác, doanh nghiệp đưa ra sản phẩm còn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, trong đó có quyền lợi về sức khoẻ. Vậy thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm thuyết phục người tiêu dùng để mọi người hiểu được lợi ích của sản phẩm.Ví dụ, chú thuyết phục bà con uống nước có nguồn gốc từ dược thảo, ban đầu có thể chưa quen vì thiếu vị ngọt của đường, nhưng dần dà, bà con thấy ngon và hiểu được uống nước không đường có lợi cho sức khoẻ.
Nhưng bí quyết hạn chế rủi ro cao nhất chính là yếu tố con người. Nếu cháu chọn được người giỏi, bố trí đúng người đúng việc thì chính những người đó sẽ làm việc tốt công việc mà họ được giao, còn người kém, bản thân họ là sự rủi ro của doanh nghiệp.
Chúc cháu thành công
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)