Thẩm Hồng Thụy/ Báo Lao Động
Địa phương biếu xén Trung ương thì cũng lấy tiền ngân sách để chi, chẳng có ông quan nào bỏ tiền túi đi chúc Tết cho cơ quan. Nhưng cao cơ là ở chỗ, lấy tiền cơ quan làm quà Tết cho cấp trên tưởng như vì việc chung nhưng thực ra cho cá nhân, “mượn hoa cúng Phật” là vậy.
Chỉ thị cấm biếu xén rất hay, rất nên, nhưng kiểm soát được tình trạng này lại quá khó. Người trên cứ đưa tay nhận thì kẻ dưới phải phục tùng, còn đưa quà thì trăm cách, biết đâu mà ngăn.
Trần Quí Thanh
—–
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về việc tổ chức tết năm 2018, trong đó nhắc lại chỉ thị về cấm biếu xén quà tết từ địa phương mang về Trung ương. Vấn đề này lại tiếp tục được Thủ tướng đề cập đến trong Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương mới đây.
Chỉ thị cấm mang tiền, quà từ các địa phương về Trung ương biếu xén dịp tết là hoàn toàn đúng đắn. Vì địa phương lấy tiền quà ở đâu ra?
Nếu là doanh nghiệp, thì là tiền từ kinh doanh, mang đi biếu xén để tạo quan hệ hay xin chính sách, hoặc “trả nợ ân tình” rồi dần dần dẫn đến sự “nâng đỡ không trong sáng”, hình thành những công ty “sân trước, sân sau” và lợi ích nhóm, dựa vào mối quan hệ với quan chức Trung ương để trúng thầu dự án hay thâu tóm các mối làm ăn với những cơ quan đơn vị nhà nước. Điển hình còn nóng hổi chính là trường hợp Vũ “nhôm”.
Nếu là chính quyền địa phương, thì phải khẳng định luôn, tiền, quà mang đi biếu xén hầu hết là của dân, của nước, tiền ngân sách từ thuế dân đóng góp. Cần phải gọi đúng tên của hành vi biếu xén và nhận biếu xén từ tiền ngân sách: Đối tượng mang đi biếu là thâm lạm, thậm chí biển thủ ngân sách; đối tượng nhận là lạm quyền để “chấm mút”. Những hành vi này, phải tuyệt đối cấm là đúng rồi.
Nhưng mối quan hệ biếu xén lại là hai chiều. Nếu vẫn còn những người nhận thì sẽ vẫn còn những người biếu. Việc biếu xén luôn đúng địa chỉ và có mục đích, mục tiêu, dù không trước mắt thì cũng tính về đường dài.
Có câu nói rằng “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Phía đối tượng đi biếu xén khi đã có mục đích và mục tiêu tiếp cận, tạo quan hệ, thì không chỉ một lần mà sẽ là nhiều lần, sẽ áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Phía nhận quà biếu, nếu không đủ bản lĩnh và sự kiên định giữ mình, thì cũng sẽ khó cưỡng.
Chính vì thế, ở một số quốc gia, như Singapore, chính phủ phải xây dựng các quy định và cơ chế chặt chẽ để kiểm soát tham nhũng. Trước hết là kê khai, minh bạch hóa tài sản, thu nhập; có cơ chế nộp lại quà biếu để sung vào công quỹ; và khi cần có thể kiểm tra, thanh tra tài sản, thu nhập một cách dễ dàng và nhanh chóng, chính vì thế, phía nhận quà biếu mới không dám nhận vì sợ bị lộ, dù món quà có lớn đến đâu.
Cần thấy rằng, trong môi trường công quyền và quan hệ giữa công chức với người dân, đa phần quà biếu là tác nhân gây bào mòn sự trong sáng và công tâm. Biếu xén tết đối với quan chức hiện nay đã biến tướng trở thành “nhân dịp”, một cái cớ để “trả ơn” hay vun đắp mối quan hệ không còn trong sáng. Nếu một quan chức, dám thẳng thừng từ chối nhận quà biếu từ một đối tượng hai, ba lần, thì chắc chắn đối tượng đó sẽ ngại ngần hoặc không dám mang quà biếu đến “gõ cửa” nữa.
Theo Báo Lao Động
Link bài:Biếu xén tết: Còn nhận, sẽ còn biếu